Khu đô thị Hồng Thái được quy hoạch tại huyện Đan Phượng, TP Hà Nội. |
Dự án quy hoạch 10 năm
Trước đó, vào năm 2011 sau khi xét đề nghị của UBND TP Hà Nội; ý kiến của Bộ Xây dựng về việc tiếp tục triển khai nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Hồng Thái, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý về nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Hồng Thái theo đề nghị của UBND TP Hà Nội.
Đồng thời, giao Chủ tịch UBND TP Hà Nội tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng và chỉ đạo các cơ quan liên quan hướng dẫn các Chủ đầu tư nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Hồng Thái theo đúng quy định hiện hành, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.
Theo tìm hiểu, Công ty CP Đầu tư bất động sản Đan Phượng, được thành lập vào ngày 3/01/2015, trụ sở đặt tại Tầng 6 Tòa nhà Vimedimex Group, Số 46 - 48 Bà Triệu, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Công ty CP Bất động sản Vinalines thành lập năm 2007, đặt trụ sở chính tại Toà nhà B3.7 Hacinco, đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Doanh nghiệp này do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Sông Đà Hà Nội, Công ty CP Tập đoàn Phú Thái và Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam góp vốn thành lập. Trong đó, đăng ký từ thời điểm 12/2017, Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam đăng ký góp 122,4 tỷ đồng sở hữu 40,8% cổ phần, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Sông Đà Hà Nội đăng ký góp 72 tỷ đồng sở hữu 24% cổ phần và Công ty CP Tập đoàn Phú Thái đăng ký góp 30 tỷ đồng để sở hữu 10% cổ phần.
Còn Công ty CP Bất động sản Vinalines hiện do ông Vũ Mạnh Dương (SN 1971) làm Chủ tịch HĐQT. Tìm hiểu cho thấy ông Vũ Mạnh Dương đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển đô thị Đông Anh. Mà Công ty CP Phát triển đô thị Đông Anh do chính Công ty CP Bất động sản Vinalines góp tới 96,85% cổ phần để sáng lập.
Lưu ý rằng, trước đó, vào năm 2010 đã có 03 Công ty cổ phần là: Sông Đà 9.06, Đầu tư phát triển Sông Đà và Bất động sản Vinalines gửi Bộ Xây dựng văn bản đề nghị có ý kiến về việc triển khai dự án Khu đô thị Hồng Thái. Lúc này chưa có sự xuất hiện của Công ty CP Đầu tư bất động sản Đan Phượng, bởi doanh nghiệp này được thành lập năm 2015.
Khu nhà ở trên tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên của Công ty Vĩnh Hưng. |
Vimedimex và dự án BT “tai tiếng” tại Hà Nội
Tìm hiểu cho thấy, Công ty CP Đầu tư bất động sản Đan Phượng do bà Nguyễn Thị Loan (SN 1970) làm đại diện theo pháp luật, sau đó được chuyển về cho bà Lê Thị Thanh Nhung (SN 1993).
Bà Loan là nhân vật không còn xa lạ bởi bà làm Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Hòa Bình, Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex. Và nên nhớ rằng Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex chính là một trong những pháp nhân góp vốn thành lập Công ty CP đầu tư phát triển Hạ tầng và Đô thị Vĩnh Hưng (Vĩnh Hưng) là chủ đầu tư Dự án “Xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5 theo hình thức hợp đồng BT” tại Hà Nội. Một dự án đã bị người dân khiếu nại nhiều năm nay.
Được biết, dự án tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đã được UBND TP Hà Nội chỉ đạo triển khai đầu tư từ năm 2004 gắn với dự án xây dựng nhà ở Ao Mơ (bao gồm khu đô thị, một phần tuyến đường qua dự án khoảng 954,9m) và dự án xây dựng phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật dân cư tổ 24, 25 phường Vĩnh Tuy (đoạn tuyến đường qua dự án khoảng 292,2m), thêm nữa là dự án xây dựng đoạn tuyến còn lại có chiều dài 415m.
10 năm sau, năm 2014 UBND TP Hà Nội đã có văn bản chấp thuận về nguyên tắc việc Công ty CP Đầu tư xây dựng phát triển Nhà số 7 Hà Nội (Handico 7) và Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex (Vimedimex) thành lập Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng (Vĩnh Hưng) để triển khai dự án xây dựng khu nhà ở Ao Mơ.
Sau quá trình làm thủ tục, dự án này đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt đề xuất năm 2017 và được trao Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”.
Thực tế, mãi đến ngày 14/6/2018 UBND TP Hà Nội mới phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án này. Theo đó, Công ty Vĩnh Hưng mới được chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án, với tổng mức đầu tư 1.620 tỷ đồng. Trong đó, giá trị dự án BT là 1.342 tỷ đồng, trong khi tuyến đường BT chỉ có chiều dài khoảng 1.800m.
Theo phương án thu hồi vốn thì Công ty Vĩnh Hưng được tạo điều kiện khai thác quỹ đất gồm 05 khu với tổng diện tích khoảng 54,08ha, gồm: Khu nhà ở Ao Mơ khoảng 21,65ha; Diện tích đất thuộc dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu di dân tổ 24, 25 khoảng 11,29ha; Diện tích đất thuộc Dự án đầu tư tại khu đất Ao Cây Dừa khoảng 0,44ha; Diện tích đất thuộc dự án Khu sinh thái Vĩnh Hưng khoảng 15,09ha; Các ô đất ký hiệu HH, CT1, CT2, CT3, CT4, F3/CC2 và F3/CC3 thuộc Khu chức năng đô thị Vĩnh Hưng – Thanh Trì khoảng 10,7ha. Đặc biệt, giá trị quỹ đất thanh toán (tạm tính) được TP Hà Nội xác định khoảng 1.634 tỷ đồng xấp xỉ với tổng mức đầu tư dự án.
Với Khu đô thị Hồng Thái 46,84ha mới trong giai đoạn lập quy hoạch, tỷ lệ 1/500, còn rất nhiều thủ tục pháp lý để triển khai dự án. Tuy nhiên, việc nhập cuộc trong giai đoạn lập quy hoạch của Công ty CP Đầu tư bất động sản Đan Phượng cũng là điểm đáng chú ý trong giai đoạn Hà Nội chính thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.