Động lực tăng trưởng thành tâm dịch
Apple đã phải tạm dừng hoạt động khu sản xuất tại Bắc Giang, trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đã tuyên bố tỉnh chấp nhận rủi ro, thiệt hại để đảm bảo an toàn cho cả nước do phải tạm dừng hoạt động 4 KCN lớn của tỉnh gồm Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung và Song Khê – Nội Hoàng. Đồng thời, Bắc Giang cũng đã tiến hành giãn cách xã hội tại một số địa bàn trong tỉnh.
Việc phải tạm ngừng đóng cửa 4/5 KCN lớn nhất trên địa bàn tỉnh có thể xem là quyết tâm rất lớn của UBND tỉnh Bắc Giang trong phòng chống dịch. Lưu ý rằng, nhiều năm qua, các KCN này đã thu hút hàng loạt doanh nghiệp FDI lớn, là động lực công nghiệp giúp Bắc Giang luôn nằm trong danh sách tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) hàng đầu của cả nước.
KCN Vân Trung tạm dừng hoạt động vì có nhiều công nhân mắc Covid-19. |
Được biết, trong năm 2019, các doanh nghiệp trong KCN đang tạm dừng hoạt động này có quy mô hơn 5 tỷ USD. Trong đó có nhiều doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu phụ trợ cho các tập đoàn lớn như Foxconn Việt Nam, Luxshare ICT Việt Nam, SI Flex…
Foxconn hiện đang trong quá trình thiết lập nhà máy Fukang Technology vốn đầu tư 260 triệu USD tại KCN Quang Châu chuyên sản xuất các sản phẩm máy tính bảng, máy tính xách tay của Apple, dự kiến đi vào vận hành trong quý 3/2021. Luxshare ICT Việt Nam (KCN Vân Trung và KCN Quang Châu) chuyến sản xuất tai nghe cho Apple cũng có doanh thu hơn 7.350 tỷ đồng. SI Flex (KCN Quang Châu), nhà cung ứng hàng đầu cho Samsung Electronics doanh thu ở mức gần 9.300 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn có các doanh nghiệp sản xuất khác như Fuhong Precision (KCN Đình Trám) doanh thu đạt gần 29.000 tỷ đồng năm 2019, lợi nhuận sau thuế hơn 1.200 tỷ đồng. New Wing Interconnect (KCN Vân Trung) doanh thu gần 18.100 tỷ đồng, lợi nhuận ròng gần 900 tỷ đồng…
Ngoài ra, còn có hàng loạt đơn vị sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời như Vina Solar (KCN Vân Trung) doanh thu gần 8.500 tỷ đồng năm 2019, Boviet Solar (KCN Song Khê – Nội Hoàng) Trina Solar (KCN Vân Trung) doanh thu hơn 2.800 tỷ đồng; JA Solar (KCN Quang Châu) doanh thu hơn 2.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi các ổ dịch tại Công ty Shin Young (KCN Vân Trung), Công ty Hosiden Việt Nam (KCN Quang Châu) và Công ty Samkwang Vina được phát hiện, Bắc Giang đã phải tuyên bố tỉnh chấp nhận rủi ro, thiệt hại để đảm bảo an toàn cho cả nước.
Với việc 4 KCN phải tạm dừng hoạt động để đối phó dịch bệnh, dự kiến sẽ có khoảng 136.000 lao động bị ảnh hưởng. Trong đó, phần lớn là công nhân từ các địa phương khác đến để làm việc.
Thống kê cho thấy, các doanh nghiệp lớn nhất thuộc 4 khu công nghiệp bị cho tạm dừng hoạt động có quy mô doanh thu khoảng trên 5 tỷ USD năm 2019.
Đánh giá về thiệt hại khi dịch bệnh lây lan trong KCN, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận: "Hiện nay, Việt Nam như cánh đồng trũng, bên ngoài sóng to, gió lớn chúng ta phải bao đê cho chặt, chỉ một chỗ rò rỉ, một tổ kiến hổng không bịt kín lại thì có thể làm sập cả đê". Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương phải quán triệt thật sâu sát đến các địa phương. Để xảy ra dịch bệnh trong các KCN có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Nền kinh tế của đất nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu chúng ta để "thủng" các KCN.
Khống chế lây lan ra cộng đồng
Theo thống kê, hiện Việt Nam có 369 khu công nghiệp tập trung, gần 30 khu cửa khẩu, chế xuất, tương đương 3,8 triệu lao động; gần 700 cụm công nghiệp với 600 nghìn lao động.
Các KCN với đặc trưng tập trung nhiều công nhân từ nhiều nơi khác nhau, làm việc trong môi trường khép kín. Nhiều xóm trọ, khu trọ công nhân rất chật chội, đông đúc. Chợ búa, cơ sở dịch vụ ở những khu này có mật độ dày đặc. Xe đưa đón công nhân rất nhiều… là môi trường thuận lợi để dịch bệnh lây lan nếu không phòng, chống dịch kịp thời.
Như tại Bắc Giang, tính từ ngày 8/5 – thời điểm phát hiện ca mắc đầu tiên, chỉ sau hơn một tuần đã ghi nhận 400 ca F0, kéo theo đó số F1 tăng rất nhanh. Dịch từ một nhà máy, một KCN đã lan ra các KCN khác, lan ra các địa phương khác trên địa bàn tỉnh và đã có ca xâm nhập vào một số tỉnh, thành khác xuất phát từ Bắc Giang.
Các mẫu xét nghiệm trên diện rộng. |
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khuyến cáo, các hoạt động sinh hoạt tập thể trong các KCN cần có sự điều chỉnh phù hợp. Chẳng hạn, tại các bếp ăn, ngoài việc thực hiện vách ngăn bàn ăn, doanh nghiệp nên điều chỉnh giờ ăn theo ca để đảm bảo khoảng cách an toàn, tránh tập trung đông người... Doanh nghiệp cũng cần rà sát lại toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch và sẵn sàng kích hoạt các biện pháp phòng chống dịch ở mức cao nhất.
PGS.TS Trần Đắc Phu cảnh báo, hiện chúng ta đang đối mặt với làn sóng dịch thứ 4, chủ yếu do chủng Ấn Độ gây ra nên quy mô và tính phức tạp cao hơn những làn sóng dịch trước đó. Do đó, cần phải nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị ở tất cả các tuyến, ưu tiên nguồn lực, đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc, vật tư hóa chất và trang thiết bị phục vụ công tác khám và điều trị. Đặc biệt, mỗi người đều phải thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh như thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế, tuân thủ các chỉ định cách ly, giãn cách khi được yêu cầu để hạn chế số người mắc không vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống điều trị.
Cần 25.200 tỷ đồng mua văcxin tiềm đại trà cho dân
Theo văn bản Bộ Tài chính trình Chính phủ về phê duyệt việc thành lập quỹ văcxin phòng Covid-19, sẽ cần khoảng 25.200 tỷ đồng để mua 150 triệu liều văcxin cho khoảng 75 triệu người. Trong đó 21.000 tỷ là phí văcxin, còn lại là vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng. Bộ Tài chính dự tính sẽ cần 16.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, còn lại là ngân sách địa phương và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức...