Khỏi Covid-19 có cần tiêm văcxin?

(khoahocdoisong.vn) - Người nhiễm Covid-19 đã khỏi có nên tiêm văcxin nữa không? Tiêm chủng sau khi đã mắc Covid-19 có nguy hiểm không?...

Khuyến cáo tiêm sau 6 tháng

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về vấn đề này, ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, những người được chẩn đoán nhiễm SARS-CoV-2 dù nhẹ hay nặng thì đều có miễn dịch tương đối lâu dài và cân bằng hơn văcxin. Vì vậy, với đối tượng này được khuyến cáo tiêm sau 6 tháng. 

xet-nghiem-khang-the.jpg
Tiêm văcxin để có miễn dịch.

Để tránh tình trạng lo lắng tiêm hay không tiêm văcxin, theo ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, cần điều tra dịch tễ học xem tình trạng miễn dịch ở cộng đồng như thế nào. Tình trạng này được đánh giá chẳng hạn trên xác suất 1.000 người để thử xem có bao nhiêu người có kháng thể được tiêm văcxin có miễn dịch và tìm kháng thể tự nhiên ở người đã khỏi bệnh, khi đó sẽ đánh giá được miễn dịch cộng đồng chung của quần thế đó là bao nhiêu % từ đó đưa ra chiến lược phòng chống dịch cho phù hợp. Nhưng ở Việt Nam hiện nay chúng ta chưa làm được điều này. Vì vậy, những người đã khỏi bệnh, nếu muốn tiêm văcxin thì cần xét nghiệm xem kháng thể có còn không.

Theo TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, SARS-CoV-2 có những protein gây cản trở việc sinh kháng thể, vì vậy, dù nhiễm bệnh rồi nhưng cơ thể có tạo ra kháng thể hay không là chưa chắc chắn. Trong khi đó, nghiên cứu tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư gần đây, tình hình lại rất khả quan đối với những người tiêm văcxin: Chỉ sau khi tiêm mũi thứ nhất 1 tháng, 90% số người tiêm đã sinh kháng thể. Kết quả cho thấy, văcxin đã có hiệu quả bảo vệ, mặc dù có thể chưa đủ mạnh. Đây là lí do chúng ta phải tiêm mũi 2 để đạt hiệu quả cao nhất.

Do đó, người đã từng mắc Covid-19 cần được tiêm văcxin để tăng cường sau khi mắc bệnh 6 tháng để có miễn dịch tốt hơn. Văcxin Covid-19 an toàn kể cả với người đã nhiễm SARS-CoV-2. 

Không nhất thiết phải xét nghiệm kháng thể

TS.BS Phạm Quang Thái cho biết, trên thế giới, một số nước áp dụng chính sách đối với những người đã hoàn thành 2 mũi văcxin, không cần đánh giá kháng thể được cho phép đi lại bình thường, thì thực tế số người bị nhiễm đột phá khá cao, lên tới 40% tùy loại văcxin.

xet-nghiem-khang-the-sau-tiem.jpeg
Xét nghiệm kháng thể.

Hơn nữa, ngay cả trong trường hợp tiêm rồi, khi bị nhiễm SARS-CoV-2 vẫn có số lượng ngày nhất định đào thải virus, dù thời gian có thể ngắn hơn với người không được tiêm. Người không được tiêm có thể đào thải virus trong 7 - 10 ngày, nhưng người được tiêm đủ 2 mũi văcxin vẫn có thể đào thải ngắn trong 3 ngày và 3 ngày đó vẫn gây nguy cơ cộng đồng. Việc hoàn thành 2 mũi tiêm chỉ có giá trị bảo vệ người khi nhiễm bệnh sẽ nhẹ hơn, tải lượng virus thấp nhưng vẫn có nguy cơ lây nhiễm. Do đó, việc mở cửa ở từng địa phương phải dựa trên cơ sở đánh giá đi lại an toàn về dịch tễ và mức độ bao phủ văcxin...

Việc xét nghiệm kháng thể, theo TS.BS Phạm Quang Thái là không cần thiết, bởi nếu kết quả dương tính, tức là bạn có kháng thể sau khi tiêm hoặc khỏi bệnh. Điều này không có nghĩa là bạn sẽ được bảo vệ vĩnh viễn và bạn vẫn cần tiêm bổ sung văcxin ở một thời điểm nào đó.

Đặc biệt, hiện Bộ Y tế chưa cho phép thực hiện xét nghiệm kháng thể sau tiêm văcxin Covid-19 vì sẽ dẫn đến việc so sánh giữa văcxin này với văcxin khác trong khi khả năng bảo vệ của văcxin không đơn thuần chỉ thể hiện qua nồng độ kháng thể. Đến nay chưa xác định chuẩn trong xét nghiệm kháng thể: Nồng độ nào coi là ngưỡng bảo vệ; nồng độ nào tối ưu; nồng độ nào thì sẽ nhiễm bệnh.

Hơn nữa, mỗi loại văcxin ngoài kích thích sinh kháng thể còn kích hoạt miễn dịch qua trung gian tế bào, nếu chỉ căn cứ vào kháng thể cao chưa chắc đã tốt hơn và ngược lại. Cần biết rằng có khoảng 50% người nhiễm SARS-CoV-2 không có kháng thể, hoặc không định lượng được kháng thể, nhưng phần lớn không nhiễm bệnh tiếp trong những lần phơi nhiễm tiếp theo bởi họ đã có miễn dịch qua trung gian tế bào hoặc đã có tế bào nhớ miễn dịch của lần tấn công trước.

Tại Việt Nam, một số cơ sở làm xét nghiệm định lượng kháng thể, nhưng là để giúp cho công tác tiên lượng điều trị. Những người đã tiêm đủ 2 mũi văcxin vẫn phải tuân thủ khuyến cáo của Bộ Y tế thực hiện 5K để phòng bệnh cho bản thân và cho cộng đồng.

"Dùng test kháng thể để đo lường miễn dịch cộng đồng, kể cả khi đã có triển khai tiêm văcxin rồi như ở TPHCM hay Hà Nội, là rất tốt cho mục tiêu nghiên cứu đánh giá tình trạng miễn dịch cộng đồng đạt được ở thời điểm hiện nay phục vụ làm chính sách kiểm soát dịch. Còn tôi phản đối dùng xét nghiệm kháng thể cho mục tiêu cá nhân đánh giá tình trạng miễn dịch của cá nhân với virus SARS-CoV-2”.

TS Trần Tuấn (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Phát triển cộng đồng - RTCCD)

Theo Đời sống
Nhập viện vì... nghẹn gân bò

Nhập viện vì... nghẹn gân bò

Dị vật đường ăn rất nguy hiểm, có thể gây tắc nghẽn, nuốt đau, nuốt khó, không ăn uống được cho bệnh nhi, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng tạo ổ mủ trong thực quản nếu dị vật bị sót lại.
back to top