Khi Thủ tướng ước có 600 tỷ đô la

Thủ tướng ước ao, nếu phấn đấu đạt 500 triệu đồng/ha thì chúng ta có 600 tỷ USD/năm. Việc này có thể thực hiện được.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong chuyến việc tại Ninh Bình 11/2/2019, nói rằng, nếu làm như ở Đồng Giao, trung bình 1 ha đất nông nghiệp đem lại 250 triệu đồng thì chúng ta có hơn 300 tỷ USD/năm; nếu phấn đấu đạt 500 triệu đồng/ha thì chúng ta có 600 tỷ USD/năm. Nông nghiệp sẽ trở thành đòn bẩy chiến lược để đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao trước năm 2035. 

Lời nhắn nhủ trên đây thể hiện mong muốn của Thủ tướng rằng, việc chuyển đổi sang những cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao mới giúp người nông dân khá giả hơn, thậm chí giàu hơn. 

Song, cuộc đời không đẹp như mơ. Chỉ chưa đến một tuần sau đó, ngày 19/2/2019, Thủ tướng phải chỉ đạo các Bộ, ngành hỗ trợ để mua 80.000 tấn thóc và 200.000 tấn gạo dự trữ quốc gia do tình hình tiêu thụ lúa gạo khó khăn vì giá lúa giảm liên tục từ cuối năm 2018. 

Nếu tiếp tục duy trì cách thức sử dụng đất trồng lúa như hiện nay thì cuộc sống các hộ nông dân vẫn khó khăn, không có lối thoát; còn Nhà nước vẫn phải sử dụng lệnh hành chính để “hỗ trợ” thu mua tạm trữ để "cứu" lúa. 

Khi Thủ tướng ước có 600 tỷ đô la
Nhà nước không cần phải "cứu" lúa mà cần mở cửa cho thị trường đất đai, nông sản

Phải thay đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa 

Với khoảng 4,1 triệu ha đất trồng lúa, Việt Nam là một trong nhóm nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, sau nhiều năm tập trung vào sản xuất lúa, cuộc sống của nông dân vẫn chậm được cải thiện, vẫn đói nghèo; hiện tượng khó tiêu thụ lúa, gạo ngày càng diễn ra thường xuyên do thị trường bão hòa, cung nhiều hơn cầu. 

Thực tế là hiệu quả trồng lúa thấp hơn nhiều so với một số hình thức canh tác khác nhưng nông dân không có quyền chuyển đổi. 

Ở vùng Đồng bằng sông Hồng, lợi nhuận thu được từ một ha trồng lúa chỉ đạt khoảng 16 triệu đồng/năm. Trong khi đó, nếu chuyển đổi sang nuôi cá, lợi nhuận là 48 triệu/ha (gấp 3 lần); nếu chuyển sang vừa trồng cây ăn quả vừa nuôi cá, lợi nhuận là 200 triệu đồng (gấp 12 lần). 

Nhà nước, trong thời gian dài, đã thắt chặt quản lý đất trồng lúa, không cho  chuyển đổi mục đích sử dụng đất. 

Theo Nghị quyết số 134/2016/QH13 ngày 9/4/2016, Quốc hội cho phép giảm diện tích đất trồng lúa xuống còn 3,7 triệu ha vào năm 2020. Do tổng diện tích đất trồng lúa cả nước vẫn còn 4,1 triệu ha (năm 2017) diện tích được phép chuyển đổi là khá lớn, khoảng 0,4 triệu ha. 

Vì thế, trong giai đoạn tới, các địa phương phải mạnh dạn và quyết liệt  chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi trồng các đối tượng khác hiệu quả kinh tế cao hơn. 

Thay đổi quy mô sản xuất 

Theo các nghiên cứu của chúng tôi, hiệu quả sản xuất lúa quy mô lớn ở các hộ đại điền và doanh nghiệp thường cao hơn so với sản xuất lúa các hộ tiểu điền từ 10 - 20% về lợi nhuận. Trong khi đó, tính riêng giai đoạn 2011 - 2016, cả nước đã giảm trên 1 triệu hộ nông nghiệp. 

Vì thế, xu thế tích tụ và tập trung ruộng đất sản xuất quy mô lớn ngày càng có cơ hội thực hiện hơn và sẽ trở thành xu thế chính trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn tới. 

Tuy nhiên, việc tích tụ và tập trung ruộng đất hiện nay đang diễn khá chậm. Tỷ lệ đất trồng lúa được các hộ đại điền và doanh nghiệp thuê sản xuất quy mô lớn mới chiếm từ 1,1 - 3,9% trên tổng diện tích đất nông nghiệp ở mỗi địa phương. 

Sự chậm trễ này là do quy mô đất ở các hộ gia đình khá nhỏ lẻ và manh mún nên khi thuê doanh nghiệp phải đàm phán với rất nhiều hộ gia đình; tính cách và nhu cầu sử dụng đất của hộ lại đa dạng nên hiệu quả đàm phán không cao, có hộ phải đàm phán đến 20 lần mới thống nhất cho thuê, thậm chí trong cùng một khu vực, có rất nhiều hộ đã đồng ý cho thuê nhưng lại có số ít hộ không cho thuê (khoảng 5%). 

Chính phủ và chính quyền địa phương cần có chính sách thúc đẩy mạnh tích tụ và tập trung ruộng đất trên diện tích đất lúa còn lại, để nâng cao hiệu quả kinh tế trồng lúa. 

Đầu tư teo tóp 

Hiện nay, thu hút đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có trồng lúa ở các địa phương đang ngày càng lép vế so với các ngành kinh tế khác. 

Về trực quan, các địa phương đang xây dựng nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tại đây các nhà đầu tư được hưởng nhiều ưu đãi, có điện, nước và đường giao thông đến tận hàng rào nhà máy. 

Trong khi đó, các khu nông nghiệp, vùng nông nghiệp công nghệ cao chỉ đếm trên đầu ngón tay trên bình diện cả nước; hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ trồng lúa xuống cấp không đáp ứng nhu cầu của sản xuất. 

Về vốn đầu tư, hiện nay có có 6,1% tổng đầu tư toàn xã hội cho ngành nông nghiệp, trong khi đó, đóng góp của ngành nông nghiệp đang chiếm khoảng 15,3% trong tổng GDP cả nước. 

Để chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng lúa sang nuôi trồng các đối tượng khác, cũng như chuyển đổi hình thức sản xuất lúa nhỏ lẻ sang sản xuất ở quy mô lớn đang đòi hỏi mức đầu tư ban đầu khá lớn. Ở đây cần bàn tay nhà nước. 

Trong nhiều lần về nông thôn, chúng tôi đã chứng kiến nhiều hộ nông dân tự ý phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa của chính quyền để chuyển sang nuôi trồng đối tượng khác. Đầu hết các gia đình nông dân đều có thu nhập cao hơn, nhưng tài sản của họ cũng bị đặt vào rủi ro hơn. 

Nhà nước cần giải quyết việc này để nông dân yên tâm sản xuất. 

Nhà nước cũng đừng quá lo lắng về vấn đề tiêu thụ nông sản vì thực tế Nhà nước đã lo lắng nhiều năm nay nhưng có xử lý được đâu. Hãy để người dân, doanh nghiệp làm theo tín hiệu thị trường, thị trường sẽ điều tiết. 

Nhà nước cũng không nên quá lo lắng giữ đất trồng lúa đề đảm bảo an ninh lương thực. An ninh lương sẽ được đảm bảo khi có đủ dự trữ ngân sách, có  phương án điều tiết và phân phối hiệu quả lương thực giữa các vùng miền và sự hợp tác đa chiều với nhiều nước trên thế giới. 

Thủ tướng ước chúng ta có 300 - 600 tỷ USD/năm và không còn cần phải "cứu" lúa. Đó là mục tiêu có thể thực hiện được bằng cách mở cửa thị trường đất đai, để người dân và doanh nghiệp làm giàu trên chính quê hương.

TS. Nguyễn Hữu Thọ, CIEM

Theo vietnamnet.vn
back to top