Sao con người ta lại mong manh đến nỗi những nhận xét ơ hờ trên mạng ảo cũng khiến mình mất ăn mất ngủ. Hình như lâu nay chúng ta quen nghe người ta khen mình rồi, dù lắm lúc khen không đúng, thậm chí hơi lố, vậy mà vẫn nhận, vui vẻ nhận. Còn hễ hơi chê một tí là nhảy dựng cả lên.
Thế nên, với tôi lâu nay lên mạng, an toàn nhất là khen cho yên chuyện, còn lúc nào không thể khen được thì im lặng. Chứ tuyệt đối không dám chê, dù nhiều lúc ngứa mắt, ngứa mồm lắm.
Hình minh họa
Bởi cái tôi của mỗi người đã quen được ve vuốt chiều chuộng quá thành ra nhiều người không còn tự đánh giá được mình. Một cái ảnh đưa lên, đủ thứ công nghệ chỉnh sửa thành ra nõn nà, không một nếp nhăn, trẻ trung xinh đẹp. Nhưng chẳng ai chịu nhận đó là cái xinh đẹp do photoshop, do 360o, mà cố tình coi đấy là bộ mặt thật, con người thật của mình. Nhỡ có ai phát hiện ra khiếm khuyết gì đó là không bằng lòng.
Cái giá trị mà người ta tưởng là mình có (như Lev Tostoi đã nói) càng lớn tức là mẫu số càng lớn thì phân số càng nhỏ, và khi mẫu số là vô cùng thì phân số bằng 0. Nhưng có mấy ai quan tâm tới điều đó. Họ chỉ thích nổi bật trong cái thế giới phù hoa giả tạo ấy. Lấy cái vui trong khoảnh khắc thay thế cho những giá trị thực của mình.
Mà cũng chả riêng gì trên mạng, trong đời thực cũng vậy. Nghe người ta khen nhau, nhiều khi thấy chướng không chịu nổi, nhưng được cái ai cũng thích nghe. Còn hễ nhỡ mồm bình luận hay thẳng thắn chê một câu như vừa rồi ca sĩ Thanh Lam có nhận xét là y như rằng nhiều người nhảy dựng lên.
Khen chê là chuyện bình thường, là một kênh để ta nhìn nhận lại chính mình. Chê thực lòng mà lại đúng còn hơn chán vạn khen hay mà chẳng thật lòng. Tuân Tử đã nói, người khen ta mà khen phải là bạn ta, còn người chê ta mà chê phải là thầy ta… Phải là người khiêm tốn, khôn ngoan mới biết nghe những lời chê ấy.
Tự ngắm mình, quen với việc nghe những lời khen rồi, thành ra mất cả cái khiêm tốn đi.
Minh Anh