Khăn lau bếp, lau bàn, tủ… nếu không được vệ sinh sạch sẽ rất dễ trở thành ổ vi khuẩn trong gia đình, phát tán các loại virus tấn công sức khỏe con người.
TS Nguyễn Văn Khải, người chuyên nghiên cứu về nước khử trùng anolyte cho biết, lâu nay chúng ta vẫn nghĩ, khăn lau bếp, lau tay, lau bàn uống nước, thậm chí là thảm chùi chân… đều là những vật dụng được mặc định là phải “bẩn”. Vì chúng là giẻ lau. Do đó chúng ta không quan tâm đến việc vệ sinh làm sạch các vật dụng này. Nhiều khi, tay bẩn hơn khi lau vào khăn, bàn bẩn hơn khi dùng khăn lau cho sạch. Một nghịch lý ít ai để tâm, nhưng lại vô cùng nguy hại
Để các loại khăn lau không phải là nơi trú ngụ của vi khuẩn lây lan bệnh tật, việc vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên là rất cần thiết. Khăn lau phải được giặt, phơi hàng ngày dưới ánh nắng mặt trời. Nếu không có điều kiện giặt sạch thì nên dùng khăn giấy, dùng xong có thể bỏ ngay đi. Hoặc có một cách để khử trùng khăn lau bằng vải là ngâm chúng vào nước khử trung anolyte sau khi dùng, vi khuẩn, virus sẽ bị tiêu diệt. Hoặc cũng có thể sử dụng nước muối pha loãng, hoặc giặt khăn dưới vòi nước nóng. Thay khăn lau thường xuyên, không để chúng cáu cặn, đen sì rồi vẫn cứ sử dụng. Nhiều người để khăn lau bàn ăn, bàn uống nước để lưu cữu vài tháng vì nghĩ rằng chỉ lau nước, có gì mà bẩn.
Cách giặt thông thường là giặt nhanh trong chậu nước hoặc giặt dưới vòi nước chảy với quan niệm sẽ giúp khăn sạch và không nhiễm khuẩn chéo hơn. Tuy nhiên, cách này chỉ hiệu quả với khăn lau bát đĩa. Và cần phải thực hiện giặt, phơi khăn ngay khi thấy khăn ẩm. Còn với khăn lau bếp, lau tay thì vẫn cần được giặt hằng ngày nhưng cần được ngâm qua đêm trong chất tẩy và giặt sạch với nước nóng. Hoặc có thể ngâm khăn với xà phòng và một chút giấm trắng. Hoặc cầu kỳ hơn là đun khăn lên, giặt sạch và phơi khô ngoài trời.
Khánh Ly