Khám thai, sinh đẻ tại cơ sở y tế để an toàn cho mẹ và con

Ngày 30/9, Bộ Y tế cho biết, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố để triển khai tuần lễ làm mẹ an toàn từ ngày 1/10 đến ngày 7/10/2024.

Đạt được nhiều thành tích nhưng tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ vẫn còn cao

Báo cáo của Vụ Chăm sóc sức khỏe Bà mẹ và trẻ em (Bộ y tế) cho biết, được sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp chặt chẽ của các Vụ/Cục/đơn vị liên quan, các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, cùng với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ công tác trong lĩnh vực Chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em/sức khỏe sinh sản (CSSKBMTE/SKSS) từ trung ương đến địa phương, trong những năm gần đây, công tác CSSKBMTE/SKSS đã đạt được những thành tích đáng kể.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kết thúc giai đoạn 2016-2020, tỷ số tử vong mẹ (TVM) trên toàn quốc đã tiếp tục giảm từ 58,3/100.000 xuống 45/100.000 trẻ đẻ sống . Phần lớn các chỉ số về chăm sóc trước, trong và sau sinh vẫn duy trì ở mức cao.

Trên 80% số phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất 4 lần trong 3 thời kỳ thai nghén. Tỷ lệ đẻ tại cơ sở y tế (CSYT) đạt mức bao phủ phổ cập và có đến 96% cuộc đẻ có nhân viên y tế (NVYT) đã được đào tạo đỡ. Các hoạt động chăm sóc trong tuần đầu sau sinh cũng bao phủ được hơn 75% số bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên, các chỉ số nêu trên vẫn còn sự khác biệt tương đối rõ rệt giữa các vùng miền với tỷ lệ thấp nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Nhìn chung, tốc độ cải thiện các chỉ số sức khỏe bà mẹ, trẻ em có xu hướng chậm lại so với những giai đoạn trước và sự khác biệt giữa các vùng/miền, các nhóm đối tượng chưa được thu hẹp một cách đáng kể.

Tỷ suất tử vong trẻ em (TVTE) ở Việt Nam giảm khá ổn định. Trong vòng hơn 20 năm (từ 2001 đến 2022), TVTE dưới 5 tuổi đã giảm 2 lần (từ 39,6‰ xuống còn 18,2‰) và TVTE dưới 1 tuổi đã giảm gần 2,5 lần (từ 29,5‰ xuống còn 11,6‰) .

Tuy nhiên, so sánh giữa các khu vực, tỷ suất TVTE dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi ở nông thôn còn cao hơn gấp đôi so với thành thị; các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cao gấp gần 3 lần so với vùng Đông Nam bộ và gấp đôi so với vùng Đồng bằng sông Hồng .

Theo ước tính của Nhóm Liên cơ quan Liên hiệp quốc, tử vong sơ sinh ở Việt Nam cũng đã giảm từ 15,04‰ năm 2001 xuống còn 9,96‰ vào năm 2021 (1,55 lần - chậm hơn so với tốc độ giảm TVTE dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi).

Các số liệu thống kê sức khỏe sinh sản hàng năm cũng như kết quả một số nghiên cứu cho thấy tử vong sơ sinh vẫn chiếm tới khoảng 70% TVTE dưới 1 tuổi và 60% TVTE dưới 5 tuổi.

Trong vòng hơn 15 năm, tỷ lệ trẻ đẻ nhẹ cân dưới 2500g đã giảm gần một nửa (7% năm 2006 xuống 5,7% năm 2014 và 4% năm 2020-2021) . Tuy nhiên, theo ước tính của UNICEF, tỷ lệ trẻ đẻ nhẹ cân của Việt Nam được cải thiện rất chậm và hiện tại vẫn còn khá cao (từ 9,9% năm 2000 xuống 6,3% vào năm 2020 ).

Suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em vẫn tiếp tục giảm đều và bền vững. Năm 2023, tỷ lệ SDD ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm xuống còn 10,4% (thể nhẹ cân) và 18,4% (thể thấp còi). Tuy nhiên SDD thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, cá biệt có tỉnh tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi vẫn cao trên 30%. Đây tiếp tục là thách thức không nhỏ cho các tỉnh miền núi, khó khăn trong thời gian tới.

Tư vấn làm mẹ an toàn cho phụ nữ có thai tại Hòa Bình - Ảnh Thúy Nga

Tư vấn làm mẹ an toàn cho phụ nữ có thai tại Hòa Bình - Ảnh Thúy Nga

Chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em để đảm bảo an toàn

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, làm mẹ an toàn là một trong các nội dung quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Mục tiêu của Làm mẹ an toàn là nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, nhằm giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh.

Các nội dung giáo dục sức khoẻ về Làm mẹ an toàn đã được Tổ chức Y tế thế giới và nhiều nước quan tâm, trở thành nội dung quan trọng của Chiến lược chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên toàn cầu.

Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, đồng thời vận động các cấp chính quyền đoàn thể từ trung ương đến địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương và các Đơn vị liên quan triển khai Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2024 trên phạm vi toàn quốc từ ngày 01/10 đến ngày 07/10/2024

Các hoạt động chủ yếu trong Tuần lễ làm mẹ an toàn bao gồm truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ kết hợp cung cấp dịch vụ hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau sinh cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, thông qua đó thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách với công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại địa phương.

Các các chỉ tiêu cụ thể trong Tuần lễ Làm mẹ an toàn:

- Mỗi địa phương, đơn vị tổ chức được ít nhất một hoạt động truyền thông về Làm mẹ an toàn;

- Cung cấp thông tin về Làm mẹ an toàn cho: 100% phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh có mặt tại địa phương; Ít nhất 30% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của xã; Ít nhất 30% số gia đình, đặc biệt là người chồng của phụ nữ mang thai và sau sinh đang làm ăn, sinh sống tại xã.

- Vận động, cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan thông tin đại chúng, đặc biệt là các cơ quan tuyên truyền ở cấp huyện, xã đều có tin, bài về Làm mẹ an toàn.

Thông điệp chính của “Tuần lễ làm mẹ an toàn” bao gồm:

1. Phụ nữ khỏe mạnh sẽ sinh con khỏe mạnh, hãy khám sức khỏe và tư vấn trước khi mang thai.

2. Phụ nữ mang thai hãy tiêm đầy đủ các mũi vắc xin để phòng uốn ván cho cả mẹ và con.

3. Để mẹ khỏe, con khỏe, phụ nữ mang thai cần ăn uống đầy đủ và uống bổ sung sắt- axit folic.

4. Phụ nữ mang thai hãy khám thai định kỳ ít nhất 4 lần trong 3 thai kỳ và sinh đẻ tại cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.

5. Khám thai định kỳ - an toàn cho mẹ, sức khỏe cho con.

6. Sinh đẻ tại cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho mẹ và con.

7. Chăm sóc đúng cách trong thời kỳ sơ sinh giúp trẻ khỏe mạnh và phát triển tốt.

8. Phụ nữ mang thai cần xét nghiệm sớm Viêm gan B, giang mai và HIV để dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.

9. Nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ tối ưu trong 1000 ngày đầu đời giúp trẻ phát triển toàn diện cả tầm vóc và trí tuệ.

10. Người chồng và gia đình cần giúp bà mẹ về vật chất và tinh thần trong quá trình sinh con và chăm sóc trẻ sau sinh.

11. Gia đình và cộng đồng cần hỗ trợ để tạo môi trường an toàn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.

12. Nhiệt liệt ủng hộ và tham gia Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2024.

Theo Đời sống
back to top