25.000 - 30.000 trẻ sinh ra bị dị tật mỗi năm
Theo thống kê, hàng năm, trên cả nước có hàng triệu thanh niên bước vào độ tuổi kết hôn. Trong khi đó, theo ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 25.000 - 30.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh. Trong số các dị tật, có các bệnh phổ biến như Down, hội chứng Ewards, dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, tan máu bẩm sinh thể nặng và các bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác.
Do đó, để có thể sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh mang lại hạnh phúc gia đình, các chuyên gia khuyến cáo, các bạn trẻ nên thực hiện khám sức khỏe trước kết hôn. Việc này được xem là một hình thức sàng lọc đầu tiên vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số, giúp phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm, tránh được các hệ lụy không đáng có trong cuộc sống vợ chồng và tương lai của con cái sau này.
Bên cạnh đó, việc chuẩn bị kiến thức, tâm lý cho cuộc sống tình dục vợ chồng sẽ khắc phục tối đa những lo lắng, sợ hãi, rối loạn cảm xúc, không thỏa mãn hay nghi ngờ lẫn nhau hiểu rõ được những đặc tính của giới và tránh lây nhiễm cho nhau những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Sự hiểu biết và thực hiện những biện pháp sinh đẻ có kế hoạch không chỉ giúp kiểm soát được số con, khoảng cách giữa các lần sinh mà còn là một biện pháp bảo vệ sức khỏe và hình thức của người phụ nữ, tránh việc mang thai ngoài ý muốn dẫn đến phải nạo phá thai.
Tuy nhiên, trên thực tế, chưa nhiều bạn trẻ, người trước khi kết hôn biết đến lợi ích của khám sức khỏe trước khi kết hôn. Lý do chính của tình trạng này là tâm lý ngại ngùng hoặc không có sự đồng nhất tư tưởng giữa nam và nữ. Không ít trường hợp nam giới cho rằng, đối tác đang nghi ngờ "bản lĩnh đàn ông" nên mới đề nghị đi khám.
Hoặc có nhiều bạn nữ muốn đi khám nhưng lại sợ bạn bè và người thân dị nghị "chắc là có vấn đề mới phải đi khám" và nếu trường hợp bị phát hiện ra bệnh tật, họ sợ tình yêu của người kia không đủ mạnh để có thể vượt qua cú sốc, cuộc hôn nhân có thể sẽ tan vỡ… Tất cả những suy nghĩ này vô hình chung đã tạo nên rào cản khiến ý nghĩa của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn trở thành nỗi lo sợ, ám ảnh đối với nhiều bạn trẻ.
Tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn được thực hiện như thế nào?
Theo TS.BS Tạ Quang Huy, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình 9 (DS-KHHGĐ) Hà Nội, chương trình tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân sẽ thực hiện đối với nam nữ trước khi kết hôn. Sau khi được tư vấn về những nội dung của chương trình thì việc thăm khám đối với nam nữ được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thứ nhất: Khám tổng thể chung. Thứ hai: Thực hiện việc thăm khám để phát hiện rối loạn cơ năng, những bất thường ở bộ phận sinh dục. Nếu như có nghi ngờ thì chuyển tới khám chuyên khoa sâu để xác định những bất thường ở cơ quan sinh sản, những bệnh lý của các cơ quan ví dụ như: tim, phổi, thận...
Bên cạnh đó, thực hiện các xét nghiệm máu, xét nghiệm dịch ở âm đạo đối với nữ và dịch niệu đạo đối với nam để phát hiện các viêm nhiễm đường sinh sản và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (có thể HIV). Thực hiện các xét nghiệm để phát hiện người mang gen bệnh. Đối với người mang gen bệnh, người mắc bệnh tim, HIV chúng ta cần phải có tư vấn tiếp về các bệnh tật liên quan đến hôn nhân để tư vấn cho đối tượng lựa chọn giải pháp phù hợp nhất.
Thời gian qua, nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng thực hành về sức khỏe sinh sản, giảm nguy cơ trẻ sinh ra bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, từ đó nâng cao chất lượng dân số, nhiều năm nay Chi cục DS-KHHGĐ thành đã triển khai tại 30/30 quận, huyện, thị xã Mô hình Tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân. Mô hình này đã đem lại hiệu quả tích cực, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.
Việc tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn còn được cụ thể hóa thành mục tiêu trong Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về Công tác Dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Cụ thể, phấn đấu, 90% nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn.
Dưới góc độ truyền thông, trong Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 17/4/2020 cũng nhấn mạnh mục tiêu, phấn đấu đến năm 2030, 95% nam, nữ thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp thông tin về lợi ích của việc tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, lợi ích của tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh.
Khoản 1, Điều 23 Pháp lệnh Dân số 2003 quy định: “Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho nam, nữ kiểm tra sức khỏe trước khi đăng ký kết hôn, xét nghiệm gene đối với người có nguy cơ bị khuyết tật về gene, nhiễm chất độc hóa học; tư vấn về gene di truyền; giúp đỡ về vật chất và tinh thần đối với người bị khuyết tật về gene, nhiễm chất độc hóa học, nhiễm HIV/AIDS”.