Khám mắt có thể phát hiện sớm 20 vấn đề nguy hiểm về sức khỏe

Các vấn đề được phát hiện ở mắt thường là dấu hiệu đầu tiên của bệnh đang ẩn nấp ở nơi khác. Khám mắt toàn diện có thể phát hiện được 20 bệnh lý nguy hiểm toàn thân.

Đôi mắt của bạn là cửa sổ biểu hiện cho hoạt động sống của các mạch máu, dây thần kinh và các mô liên kết khắp cơ thể. Các vấn đề được phát hiện ở mắt thường là dấu hiệu đầu tiên của bệnh đang ẩn nấp ở nơi khác. Sau đây là 20 tình trạng đáng bệnh lý toàn thân mà bác sĩ nhãn khoa của bạn có thể phát hiện được khi khám mắt toàn diện:

Chứng phình động mạch

Chứng phình động mạch là tình trạng xuất hiện một túi phình trong thành mạch máu. Thành mạch ở đoạn túi phình này vốn yếu ớt có thể bị rò rỉ hoặc vỡ. Các dấu hiệu của chứng phình động mạch có thể bao gồm đau đầu dữ dội, giảm thị lực một bên hoặc liệt mặt một bên hoặc rối nặng các chức năng khác của cơ thể. Chứng phình động mạch có thể là thảm họa và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

U não

Các khối u có thể gây tăng áp lực nội sọ và ảnh hưởng đến mắt. Tình trạng ứ phù phía sau mắt gây ra những thay đổi ở dây thần kinh thị giác mà bác sĩ nhãn khoa có thể nhìn thấy. Mất thị lực một bên, nhìn đôi mới xuất hiện hoặc thay đổi kích thước đồng tử là những dấu hiệu khác của khối u não.

Ung thư máu, mô hoặc da

Nhiều bệnh ung thư có thể được phát hiện khi khám mắt chi tiết. Ung thư da ảnh hưởng đến mi mắt và bề mặt bên ngoài của mắt. Các loại ung thư da phổ biến nhất là tế bào đáy, tế bào vảy và khối u ác tính. Bệnh bạch cầu và ung thư hạch cũng có thể ảnh hưởng đến phần bên trong của mắt. Các khối u ở vú và các khu vực khác có thể lan đến các cấu trúc ở mắt.

Khám mắt có thể phát hiện sớm 20 vấn đề nguy hiểm về sức khỏe ảnh 1

Khám mắt có thể phát hiện sớm 20 vấn đề nguy hiểm về sức khỏe

Bệnh tiểu đường

Các mạch máu nhỏ trong võng mạc rò rỉ huyết tương hoặc máu có thể là dấu hiệu của bệnh võng mạc tiểu đường. Đôi khi, biểu hiện này xuất hiện tại các mô của mắt nhiều khi trước cả bệnh nhân được chẩn đoán xác định mắc bệnh tiểu đường. Phát hiện sớm có thể giúp mọi người tránh được tình trạng mất thị lực và các biến chứng nghiêm trọng khác.

Viêm động mạch tế bào khổng lồ

Viêm động mạch tế bào khổng lồ (GCA) là tình trạng viêm kéo dài của các động mạch cỡ trung bình ảnh hưởng đến cánh tay, phần trên cơ thể và cổ. Những động mạch này giúp nuôi dưỡng mắt và tình trạng viêm có thể dẫn đến mờ mắt, nhìn đôi giảm hoặc thậm chí mất thị lực đột ngột ở một hoặc cả hai mắt. Khám mắt có giãn đồng tử và xét nghiệm máu nhắm tới bệnh lý này có thể cho phép chẩn đoán sớm GCA. Điều trị y tế có thể ngăn chặn tình trạng mù lòa suốt đời hoặc thậm chí tử vong sớm,

Bệnh tim

Bác sĩ nhãn khoa có thể phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh tim biểu hiện tại mắt. Khi võng mạc được kiểm tra cẩn thận bằng các công cụ hình ảnh gọi là chụp cắt lớp kết cấu quang học, các bác sĩ có thể phát hiện các dấu vết cực nhỏ do đột quỵ ở mắt để lại. Những dấu hiệu này có thể xuất hiện ở võng mạc của những người khỏe mạnh nhưng chúng được tìm thấy với số lượng lớn hơn ở những người mắc bệnh tim.

Huyết áp cao

Các đường cong, gấp khúc hoặc chảy máu bất thường từ các mạch máu ở võng mạc hậu cực có thể báo hiệu huyết áp cao, ảnh hưởng đến 1/3 người Mỹ trưởng thành. Huyết áp cao là yếu tố nguy cơ đã được biết đến khi khởi phát và/hoặc tiến triển bệnh tăng nhãn áp, bệnh võng mạc tiểu đường, thoái hóa điểm vàng và các bệnh khác. Bác sĩ có thể nhận thấy dấu hiệu huyết áp cao khi khám mắt có giãn đồng tử.

Cholesterol cao

Vòng màu vàng hoặc xanh xung quanh giác mạc có thể là dấu hiệu của cholesterol cao, đặc biệt ở người dưới 40 tuổi. Sự lắng đọng trong mạch máu của võng mạc cũng có thể cho thấy cholesterol tăng cao. Đây có thể là dấu hiệu báo trước của một cơn đột quỵ đe dọa tính mạng.

Lupus

Bệnh viêm này có đi kèm với bệnh khô mắt. Lupus cũng có thể viêm củng mạc, lớp giữa của mắt hoặc viêm võng mạc - mô nhậy cảm với ánh sáng ở phía sau mắt.

Bệnh Lyme

Bệnh Lyme là một bệnh nhiễm trùng lây lan qua bọ ve, dẫn đến tình trạng viêm khắp cơ thể. Nhiều người mắc bệnh Lyme bị viêm dây thần kinh thị giác cũng như tăng số lượng ruồi bay khi bắt đầu nhiễm trùng.

Nhiễm độc thuốc

Một số loại thuốc có thể gây độc cho võng mạc và thần kinh thị giác. Các triệu chứng ngộ độc bao gồm mí mắt đỏ, bong vảy, cương tụ giác mạc, xước giác mạc hoặc viêm kết mạc.

Bệnh xơ cứng đa ổ

Viêm dây thần kinh thị giác có thể là dấu hiệu của bệnh đa xơ cứng, một bệnh thoái hóa ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Thông thường, tình trạng viêm này đi đôi với tình trạng mờ mắt nghiêm trọng, đau nhức khi cử động mắt hoặc thậm chí nhìn đôi.

Bệnh nhược cơ

Bệnh nhược cơ là một rối loạn tự miễn dịch đang diễn ra khiến cơ bắp yếu đi và dễ mệt mỏi. Các triệu chứng đầu tiên của bệnh lý này thường liên quan đến mắt. Dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh là sụp mi mắt ở một hoặc cả hai mắt. Các triệu chứng khác bao gồm nhìn đôi, yếu tay hoặc chân hoặc các vấn đề đe dọa tính mạng như khó thở, khó nói, nhai hoặc nuốt.

Viêm khớp dạng thấp

Các dấu hiệu ở mắt của bệnh viện khớp bệnh viêm khớp dạng thấp (RA) thường gặp nhất bao gồm mắt đỏ kèm theo cơn đau sâu và dữ dội. Triệu chứng này có thể báo hiệu bệnh viêm củng mạc, tình trạng viêm đau ở phần lòng trắng của mắt cần phải điều trị y tế. Nhiều người bị RA cũng bị khô mắt và viêm màng bồ đào nghiêm trọng.

Bệnh sarcoidosis

Bệnh lý viêm này ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả mắt. Triệu chứng mắt phổ biến nhất của bệnh này là viêm mống mắt, phần tạo màu của mắt tái phát, gây đau đớn. Tình trạng này cũng gây ra tình trạng nhạy cảm nghiêm trọng với ánh sáng.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục

Bệnh giang mai, mụn rộp do herpes, chlamydia, HIV, lậu, mụn cóc sinh dục và rận mu đều có thể ảnh hưởng đến các lớp của mắt. Những tình trạng nghiêm trọng này thường được phát hiện khi khám mắt.

Bệnh hồng cầu hình liềm

Những người mắc bệnh hồng cầu hình liềm, một chứng rối loạn máu di truyền, phát triển các tế bào hồng cầu cứng hình dấu phẩy có thể chặn dòng máu đi khắp cơ thể. Căn bệnh này có thể gây ra nhiều thay đổi ở mắt, từ đỏ mắt và vỡ mạch máu trên bề mặt mắt đến xuất huyết nghiêm trọng và thậm chí bong võng mạc bên trong mắt.

Hội chứng Sjogren

Bệnh tự miễn dịch này khiến các tế bào bạch cầu của cơ thể tấn công các tuyến tạo ra nước mắt và nước bọt. Không có gì đáng ngạc nhiên khi khô mắt là đặc điểm chính của hội chứng Sjogren. Các triệu chứng khác bao gồm nóng rát hoặc cảm giác kim châm ở mắt, mờ mắt và khô miệng.

Đột quỵ

Các mạch máu của võng mạc đôi khi bị tắc nghẽn hoặc cục máu đông. Những sự tắc nghẽn này có thể gây ra các điểm mù đột ngột hoặc tạo cảm giác như một “bức màn” che khuất tầm nhìn của một người. Những điều này có thể chỉ ra nguy cơ đột quỵ tăng lên. Mất thị lực bên cũng có thể là cảnh báo về tổn thương não do đột quỵ trước đó.

Bệnh tuyến giáp

Nhãn cầu lồi ra và mi mắt bị co rút lên cao là dấu hiệu nhận biết của bệnh cường giáp, thường gặp nhất là do bệnh Graves gây ra. Điều này xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hoặc quá ít hormone. Đôi khi điều này trùng hợp với tình trạng khô mắt, mờ mắt hoặc giảm thị lực.

Các bệnh lý mạch máu

Rối loạn đông máu và rối loạn chảy máu có thể gây chảy máu rõ rệt trong và xung quanh mắt. Chúng được gọi là xuất huyết dưới kết mạc. Những rối loạn này cũng có thể gây xuất huyết võng mạc đe dọa thị lực.

Thiếu vitamin A

Khô mắt và quáng gà đều là dấu hiệu thiếu hụt Vitamin A. Nếu không có đủ Vitamin A, mắt bạn không thể sản xuất đủ độ ẩm để giữ cho chúng được bôi trơn đúng cách. Hàm lượng vitamin A thấp cũng dẫn đến bệnh quáng gà, bằng cách ngăn chặn việc sản xuất một số sắc tố cần thiết để võng mạc của bạn hoạt động bình thường. Thiếu vitamin A là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở trẻ em trên toàn thế giới.

Điều quan trọng cần nhớ là những biểu hiện này có hay không sẽ không đảm bảo bạn có tình trạng sức khỏe bình thường. Bất cứ khi nào khám mắt cho thấy có vấn đề về sức khỏe, bác sĩ nhãn khoa sẽ đề nghị bác sĩ chuyên khoa hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc chính của bạn kiểm tra thêm.

Hội Nhãn khoa Hoa Kỳ (AAO) khuyến cáo tất cả người lớn nên khám mắt toàn diện ở tuổi 40. Đây là lúc các dấu hiệu sớm của bệnh hoặc những thay đổi về thị lực có thể xuất hiện. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ như tiểu đường, huyết áp cao hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh về mắt, đừng trì hoãn - hãy lên lịch khám mắt ở độ tuổi sớm hơn.

TS.BS Hoàng Cương (Bệnh viện mắt Trung ương)

Theo Đời sống
back to top