Jack Ma đến Việt Nam đâu chỉ để “chém gió” về khởi nghiệp!

Sự kiện ông chủ của Tập đoàn Alibaba – tỷ phú Jack Ma đến Việt Nam ngày 6/11 vừa qua thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận. Khắp nơi nơi người ta nói về Jack Ma, về những câu nói của vị tỷ phú Trung Quốc, và dường như câu nói nào cũng được xem như là “chân lý”, là “bài học” cho giới trẻ…

Jack Ma

Jack Ma đến Việt Nam trở thành đề tài nóng suốt mấy ngày qua. Không bàn luận sôi nổi sao được khi cái tên Alibaba đã trở nên quá quen thuộc với người dùng internet Việt Nam suốt gần chục năm qua.

Và không “nóng”, không hấp dẫn sao được khi tỷ phú Jack Ma là một điển hình về khởi nghiệp quá thành công ở không chỉ Trung Quốc mà cả thế giới, và càng có ý nghĩa hơn nữa khi tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam đang lên cao – nhà nhà nói về khởi nghiệp, người người nói về khởi nghiệp.

Với tài sản 39 tỷ USD, Jack Ma là thần tượng của nhiều người trẻ vì câu chuyện khởi nghiệp tự thân được xem là thần kỳ. Ông từng trượt cấp hai 2 lần, trượt đại học 2 lần, bị Harvard từ chối 10 lần, trước khi đỗ vào Học viện Sư phạm Hàng Châu – ngôi trường được xem là tệ nhất ở quê ông thời đó.

Ra trường, Jack Ma xin việc thất bại hơn 30 lần, song ông vẫn không ngừng tin tưởng vào bản thân, nghênh chiến những thử thách mới, quyết chí dựng nên “đế chế” Alibaba. Câu chuyện của Jack Ma là nguồn cảm hứng cho tất cả sinh viên và giới trẻ đang khao khát thể hiện bản thân.

Trong câu trả lời đầu tiên của vị tỷ phú nổi tiếng tại Diễn đàn Thanh toán Điện tử Việt Nam 2017 sáng 6/11 rằng vấn đề của khởi nghiệp “không phải là tiền mà là ý tưởng và tìm được một nhóm người chia sẻ ý tưởng đó cùng bạn” khi ông đáp lại câu hỏi của vị chủ tịch FPT Trương Gia Bình “Doanh nghiệp khởi nghiệp cần có tiền, vậy ông có lời khuyên gì?” đã khiến nhiều người gật gù, xuýt xoa.

Cứ thế, từng câu nói về khởi nghiệp của Jack làm say đắm những người nghe, nào là “bước đầu khởi nghiệp không cần làm gì quá to tát, chỉ cần cái gì nhỏ nhưng thú vị và đặc biệt, và phải có tình yêu trong đó…”; Rồi “khi tìm đối tác, đừng cố gắng mời gọi bạn bè”; hay “Tìm đối tác, ta nên tìm người có cùng tầm nhìn. Chúng ta tìm đối tác không phải hy vọng vì kiếm được rất nhiều tiền, mà vì nỗ lực cùng biến những điều mong muốn xảy ra. Họ có thể không giỏi nhất, mà là người có thể hỗ trợ và hiểu bạn”…

Chiều hôm ấy, một buổi nói chuyện khác của Jack Ma với giới trẻ cũng thu hút lượng “fan” khủng khiếp. Những ai không có cơ hội đi nghe tận nơi đều online để đọc báo, xem “Livestream”, lướt mạng xã hội để bắt “trend” về Jack Ma. Có người nói, ông ta là tỷ phú thì nói gì chẳng đúng, nhưng cũng có rất nhiều người thừa nhận rằng, những gì vị tỷ phú ấy nói thực sự rất đáng nghe, đáng đọc, tỷ phú Jack Ma không giống những tỷ phú khác.

Ông đã khuyên người trẻ rằng, “thời điểm nào cũng tốt để trở thành doanh nhân”; rằng “Cuộc sống là sự trải nghiệm”; rằng “khi 20-30 tuổi, bạn nên làm ở một công ty có sếp tốt chứ không phải một công ty tốt, khi 30-40 tuổi muốn làm gì hãy tự làm, khi 50 tuổi bạn phải làm cái gì thấy mình giỏi về cái đó…”.

Thế là cả ngày 6/11 và suốt 2 ngày sau đó, đến cả lúc này đây, tinh thần khởi nghiệp cùng từ khóa Jack Ma vẫn choán phần lớn nội dung của truyền thông cũng như mạng xã hội.

Nhưng Jack Ma đến Việt Nam đâu chỉ để “chém gió” về khởi nghiệp. Tất nhiên rồi. Vị tỷ phú này sang Việt Nam tham dự APEC theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trước khi diễn ra buổi nói chuyện tại Diễn đàn Thanh toán VEPF, ông Jack Ma đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng nước ta.

Và ông chủ của Alibaba cũng có có một mục đích khác khi có mặt tại Hà Nội lần này, đó là đi làm ăn, làm về thanh toán điện tử. Tại Diễn đàn Thanh toán, vị tỷ phú người Trung Quốc đã đánh giá thương mại điện tử Việt Nam như một “mỏ vàng”. Việt Nam đang đứng thứ 15 thế giới về tỷ lệ người sử dụng internet, tương đương 53% dân số, trong đó internet băng rộng chiếm 40% và số người sử dụng smartphone lên đến gần 50 triệu thuê bao.

Và người đứng đầu Alibaba cho rằng, 54% dân số dùng điện thoại di động mà vẫn dùng tiền mặt thì không tốt. Rồi ông phân tích những điểm lợi của phi tiền mặt như là chống rửa tiền, hạn chế tham nhũng… Tất cả đều cho thấy một nền tảng quan trọng cho sự bùng nổ thanh toán điện tử và thanh toán qua mobile Việt Nam trong thời gian tới.

Trước đó, sau khi hội kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Jack Ma đã có cuộc gặp với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tại trụ sở của cơ quan này. Người đứng đầu Alibaba đã đề cập ngay rằng tập đoàn này đang có định hướng hợp tác với một số công ty Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực Fintech Payment như cung cấp nền tảng kinh doanh trực tuyến cho các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua các ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất; Khai thác thêm mảng bán lẻ trực tuyến phục vụ khách hàng cá nhân; Hợp tác trong thanh toán điện tử, ứng dụng QR code; Hợp tác trực tiếp, gián tiếp với một số công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech Payment…

Và dịp này, Alipay của Alibaba cũng sẽ ký thỏa thuận chiến lược với NAPAS – đơn vị trung gian duy nhất của Việt Nam được NHNN cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cho giao dịch bán lẻ tại Việt Nam, thực hiện vai trò là cổng kết nối với các tổ chức thanh toán quốc tế và mạng thanh toán Châu Á.

Alipay được Jack Ma thành lập năm 2004, ngay chính thời điểm ông dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sỹ), xuất phát từ ý tưởng tạo nên một mảnh ghép niềm tin giữa người bán và người mua.

Dù còn nhiều những khó khăn ban đầu, nhưng nhanh chóng sau đó Alipay được định nghĩa là “nền tảng thanh toán và phong cách sống” cho người Trung Quốc, giúp thanh toán các tiện tích, nạp tiền điện thoại, mua vé tàu, kiểm tra số dư trong tài khoản ngân hàng hay chi trả thay tiền mặt trong hệ thống WalMart và Carrefour ở nước này một cách dễ dàng.

Hiện AliPay có hơn 450 triệu tài khoản hoạt động thường xuyên. Năm 2016, ứng dụng này có đến 91 tỷ lượt giao dịch. Không chỉ dừng lại ở thị trường Trung Quốc, Alipay cũng đã tiến sang các thị trường khác tại châu Á, châu Phi và cả Âu – Mỹ thông qua việc thâu tóm, góp vốn hay mở những dịch vụ mới, phù hợp với từng thị trường.

Riêng thị trường Việt Nam, Alipay của Alibaba đang triển khai ứng dụng dành cho người Trung Quốc đi du lịch ở nước ngoài/Global), phát triển ứng dụng phục vụ cho khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam; Ứng dụng Alipay nội địa (Trung Quốc) chỉ dùng để thanh toán được các website của Tập đoàn Alibaba và các đối tác của Alipay dành cho người nội địa Trung Quốc.

Với sự hợp tác cùng NAPAS và các công ty Fintech khác như đã thổ lộ, ông chủ của Alibaba chắc chắn cũng sẽ gặt hái rất nhiều cơ hội tại thị trường Việt Nam khi Fintech đang được đánh giá là làn sóng cực mạnh trong thời gian tới.

PV

(theo Trí thức trẻ)

Theo Đời sống
back to top