Hỷ lạc liệu pháp – thần dược cho sức khỏe

Thuốc men, can thiệp kỹ thuật, nuôi dưỡng đầy đủ… là cực kỳ quan trọng, nhưng liệu pháp tinh thần cũng có ý nghĩa hết sức to lớn.

Muốn khoẻ phải biết điều dưỡng tinh thần

Trong lịch sử của y học cổ truyền phương Đông, tiếng cười đó được các y gia khá coi trọng vì cười là biểu hiện của niềm vui (hỷ), là một trong 7 loại tình chí có ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ và bệnh tật, cổ nhân gọi là thất tình: hỷ (vui), nộ (giận), ưu (lo), tư (nghĩ), bi (buồn), khủng (sợ), kinh (khiếp).

Nội kinh Tố vấn có viết, khi bình thường các loại tình chí biến đổi có chừng có mực, thuộc phạm vi sinh lý không ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhưng nếu bị kích thích quá độ hoặc kéo dài quá lâu thì có thể gây ra các rối loạn chức năng, làm tổn thương tạng phủ, khí huyết, kinh lạc mà phát sinh thành bệnh. Mặt khác, trong quá trình chẩn trị bệnh tật, cổ nhân đã biết vận dụng các loại tình chí có tính đối kháng để chế ước lẫn nhau nhằm đạt mục đích cuối cùng là tiêu trừ tật bệnh (sử dụng tâm lý trong điều trị) gọi là “Ý liệu pháp” hoặc “Thất tình liệu pháp”.

Trong 7 loại tình chí, hỷ là loại có tác dụng tích cực. Bởi hỷ thông với tạng tâm, có khả năng làm tăng hoạt động của tâm mạch, giúp cho khí huyết lưu thông dễ dàng và hoà hoãn. Hỷ cũng có tác dụng chế ước các loại tình chí dễ gây ra bệnh tật như ưu, tư và bi. Bởi vậy, cổ nhân đã sử dụng “Hỷ lạc liệu pháp” một cách rất linh hoạt trong việc phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ.

Người xưa cho rằng, muốn có sức khoẻ thì phải biết điều dưỡng tinh thần, nghĩa là tạo ra và giữ được đời sống tinh thần vui vẻ, phải bồi dưỡng tính hài hước để cuộc sống không bao giờ thiếu tiếng cười. Tiếng cười là thần dược cho sức khoẻ, có thể giúp cho lục phủ ngũ tạng và cơ bắp được thư giãn, tâm trạng được điều tiết và cân bằng, tuần hoàn và hô hấp được thúc đẩy, khí huyết trong kinh mạch được thông sướng...

hy-lieu-phap-2.jpg
Nụ cười có tác dụng rất tốt để nâng cao sức khỏe và chữa trị bệnh tật.

Sách Y uyển điển cố thập thu có ghi lại một câu chuyện khá thú vị về việc dùng tiếng cười để chữa bệnh. Chuyện kể rằng: Vào đời nhà Thanh (Trung Quốc) có một viên quan chẳng may mắc chứng “u uất”, suốt ngày mặt ủ mày chau, cau cau có có. Mặc dù gia nhân đó cho mời đủ các thầy lang có tiếng trong vùng đến bắt mạch kê đơn nhưng bệnh tình vẫn không hề thuyên giảm. Người nhà đành phải cất công đi tìm một thầy thuốc nổi tiếng ở nơi khác đến để chẩn trị. Vị này sau khi hỏi bệnh kỹ lưỡng và bắt mạch rất lâu rồi cuối cùng mới nói với người bệnh bằng một vẻ mặt nghiêm trọng: “Thưa đại nhân, ngài bị mắc chứng kinh nguyệt không đều”. Nghe vậy, viên quan cười phá lên, cười sảng khoái và rồi mỗi khi nhớ lại lời chẩn bệnh hoang đường nọ lại không nhịn được cười. Nhưng, cũng từ đó chứng bệnh “u uất” của ông ta không cánh mà bay. Vị danh y đó cố tạo ra một chẩn đoán có tính phi lý và ngu ngốc để gây cười cho người bệnh và chính tiếng cười đó đem lại hiệu quả trị bệnh diệu kỳ.

Tâm có an thì thân mới mạnh

Theo các nghiên cứu của y học hiện đại, tiếng cười thực chất là một vận động rất có ích cho cơ thể. Khi cười, các bộ phận như cơ hoành lồng ngực, ổ bụng, tim, phổi… đều được rèn luyện, các nội tạng được xoa bóp. Theo tính toán, mỗi một lần cười cơ hoành vận động khoảng 18 lần, các cơ liên sườn, cơ mặt cũng hoạt động liên tục, vì vậy cười có tác dụng tăng cường tuần hoàn huyết dịch, cải thiện công năng hô hấp, thúc đẩy quá trình chuyển hóa và kích thích sự bài tiết dịch tiêu hóa, làm tăng cảm giác thèm ăn, nâng cao năng lực hoạt động của dạ dày, trợ giúp cho quá trình phục hồi của dạ dày bị sa do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nghiên cứu cho thấy, khi người bị bệnh cao huyết áp bật cười thì chỉ số huyết áp có thể giảm được 20mmHg và làm nhịp tim chậm đi 8 nhịp. Cười cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc điều tiết hoạt động của não bộ, lập lại sự cân bằng của các trạng thái rối loạn tâm lý, nâng cao năng lực hoạt động của hệ miễn dịch. Khi người ta bật cười, vỏ đại não được nghỉ ngơi gấp 3 lần so với khi ngủ.

Trong lúc cười, não sẽ sản sinh ra các catecholamin (adrenalin và noradrenalin) và nhiều hormon khác, các chất này có khả năng kích thích quá trình hình thành morphin nội sinh, có tác dụng trấn tĩnh và giảm đau rất tốt, đưa lại sự yên bình cho hệ thống thần kinh trung ương và cơ thể.

Chính vì tác dụng to lớn của tiếng cười mà ở nhiều quốc gia trên thế giới việc sử dụng tiếng cười trong trị liệu đã được hình thành dưới nhiều hình thức khác nhau như bệnh viện chẩn trị và điều dưỡng bằng nụ cười ở Mỹ, câu lạc bộ cười thư giãn ở Anh, công ty tư vấn nụ cười ở Đức, trường học cười ở Nhật, “công ty xuất khẩu tiếng cười” ở Brazil...

Giờ đây, đại dịch Covid-19 đã và đang hoành hành trên phạm vi toàn cầu mà không biết bao giờ mới đến hồi kết. Đời sống tinh thần của bệnh nhân và cả những người lành là hết sức căng thẳng và suy sụp. Trộm nghĩ, việc chăm lo đến đời sống tinh thần, tâm lý của cả cộng đồng để tạo nên sự cân bằng, an tĩnh và có được thật nhiều tiếng cười quả thật là vô cùng cần thiết. Tâm có an thì thân mới mạnh.

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (nguyên Chủ nhiệm Khoa Đông y, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top