Có nên thu phí điều trị Covid-19 tự nguyện?

(khoahocdoisong.vn) - Trước thông tin UBND TPHCM đã có công văn gửi Bộ Y tế và Bộ Tài chính đề nghị cho phép cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn thành phố thu phí dịch vụ khám và điều trị cho bệnh nhân Covid-19, có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này.

Lợi ích trước mắt, hệ lụy lâu dài

Theo tôi, đây là một đề xuất có nguy cơ đẩy công tác phòng chống dịch, đặc biệt vấn đề khám, chăm sóc điều trị bệnh nhân Covid-19, trở nên phức tạp hơn, thiếu hiệu quả hơn trong tình hình dịch bệnh đang tạo nên những khó khăn nhiều mặt lên hệ thống y tế; thêm nữa, cũng chưa thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo “chống dịch như chống giặc” và “công việc chống dịch là vì lợi ích chung của toàn xã hội”.

Dịch bệnh đang lan tràn khẩn cấp, số cần can thiệp y tế lên nhiều chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn, tạo áp lực rất lớn lên hệ thống y tế. Điều cần nhất hiện nay, là toàn hệ thống y tế phải chung một mục tiêu: Tập hợp cao nhất lực lực hiện có, tổng lực cung cấp dịch vụ chất lượng đảm bảo yêu cầu khoa học và nhân đạo, không vì mục tiêu thương mại.

Yêu cầu ấy, đòi hỏi sự tham gia của các thành phần y tế ngoài nhà nước, trong đó có y tế tư nhân, trước hết phải và duy nhất là THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI, TRÁCH NHIỆM VÀ ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP, không cho mục tiêu thương mại khi phòng chống dịch. Y tế vì dân, không phải là y tế thương mại khi dịch bệnh xẩy ra và lan tràn trên cả nước.

Như vậy, tổ chức dịch vụ khám chữa bệnh dịch Covid-19 mà thu phí, là vi phạm nguyên tắc trên và sẽ tạo ra những hệ lụy sau:

1. Tăng thêm nguy cơ đưa hệ thống y tế đang từ chống dịch nhân đạo vì dân, sang ngả thương mại.

2. Lợi nhuận có sức mạnh vô hình, điều chuyển nhân lực y tế có chuyên môn, từ công sang tư, đe dọa tình trạng thiếu hụt nhân lực y tế công trở nên nặng nề hơn.

3. Lợi nhuận có sức mạnh vô hình, điều chuyển dòng trang thiết bị, vật tư y tế, sang phục vụ cho khối y tế tư nhân, tạo tình trạng thiếu hụt đè nặng lên y tế công.

4. Điều chuyển người bệnh Covid-19 đi viện không cần thiết, đẩy lệch phân cấp, chọn lọc bệnh nhân: Y tế tư nhân cố gắng thu hút người có chuyên môn cao, nhưng chọn khám điều trị những trường hợp dễ, nhẹ, đùn đẩy trường hợp nặng (tốn kém, mất sức). Nguy cơ chảy máu chất xám của y tế công và giải quyết hậu quả cho y tế tư nhân.

5. Khoét sâu đồng thời hai nguy cơ bất bình đẳng: (1) Nguy cơ bất bình đẳng trong chính hệ thống nhân lực y tế: Người làm ở khu vực nặng nhọc (bệnh viện công, nơi khối lượng công việc nhiều, khó, lại thu nhập thấp); (2) nguy cơ bất bình đẳng cho cả bệnh nhân được chăm sóc (dịch vụ bệnh viện tăng phục vụ cho nhóm chưa cần thiết cần đến, trong khi chậm đáp ứng với nhóm Tăng nặng khối lượng công việc không chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ khi dịch bệnh đang đè nặng lên vai, tăng thêm nguy cơ tiếp xúc xã hội tại cơ sở y tế đối với bệnh nhân do phải có dịch vụ tạo phần thu phí, tăng nguy cơ vi phạm giãn cách xã hội!

Tạo thêm gánh nặng cho hệ thống y tế (tỷ lệ lo lắng, dựa vào tiền, để đến cơ sở y tế, thay vì bình tĩnh ở nhà chăm sóc theo hướng dẫn của hệ thống y tế cơ sở và telemedicine), gánh nặng chi phí cho người dân.

Nhiều lợi ích tổng thể

Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, không nên tổ chức loại hình dịch vụ khám chữa bệnh, tiêm văcxin, làm xét nghiệm thu phí vì mấy lý do chính:

- Thứ nhất, không thu phí của dân (tức miễn phí), đưa lại nhiều lợi ích tổng thể, hệ thống, giảm được nhiều hệ lụy do việc thu phí gây ra, bao gồm cả việc tăng nguy cơ vi phạm giãn cách xã hội, tăng các hoạt động không cần thiết của công tác làm hóa đơn, thanh toán...); đảm bảo không có rào cản tài chính nào cho người dân tiếp cận dịch vụ phòng và chống dịch Covid-19.

- Thứ hai, tồn tại phương án tốt hơn, không thu phí mà vẫn đảm bảo cho y tế tư nhân, y tế ngoài nhà nước nhân đạo phi vụ lợi, triển khai làm tốt công tác chuyên môn phục vụ người dân, mà không xảy ra bị “âm” chi tiêu, do Nhà nước đảm bảo hoàn trả theo phương án tính đúng, tính đủ chi phí, dựa trên dịch vụ cung cấp bởi chủ thể y tế ngoài nhà nước, nhân đạo, phi vụ lợi (họ tổ chức dịch vụ tồn tại bền vững được do tính đúng, tính đủ chi phí cho dịch vụ, không lấy thêm cho mục tiêu thương mại).

Dịch bệnh là trường hợp đặc biệt, nên phải có nghiên cứu tính đúng, tính đủ cho phí vận hành. Đúng và đủ ở đây có nghĩa là, đảm bảo cung cấp đủ nguồn tài chính cho nguồn nhân lực, vật lực, trang thiết bị, sinh phẩm, thuốc, các phụ trợ khác, được vân hành trơn tru cho đảm bảo chất lượng công tác khác chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm văcxin.. phòng chống dịch bệnh. Chỉ đủ thế thôi, không có cho “tích lũy” có lãi với dịch vụ y tế. Tức là, không cho mục tiêu thương mại.

Cơ sở để tính đúng tính đủ, là dựa vào hoạt động của phòng khám, bệnh viện từ thiện, nhân đạo, tổ chức cho nghiên cứu đánh giá cho đúng sự vận hành trên thực tế, làm cơ sở để định ra mức thanh toán cho các bệnh viện. Tức là, nguyên tắc chi phí để vận hành dịch vụ y tế cho mục tiêu nhân đạo, cứu người, phòng dịch bệnh, không phải và không được phép, cả về mặt khoa học và đạo đức hành nghề, cho mục tiêu “kinh doanh dịch vụ y tế”.

Khám chữa bệnh, làm xét nghiệm, tiêm vaccine.. miễn phí cho dân, mà các thành phần đều có trách nhiệm tham gia vận hành duy trì được trong suốt thời gian có dịch là như thế.

Và chỉ như thế, mới đảm bảo phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất, đưa lại lợi ích cho toàn xã hội, đảm bảo sự tham gia của toàn xã hội.  

TS Trần Tuấn (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, kiêm điều phối viên trưởng Liên minh Vận động phát triển chính sách y tế dựa vào bằng chứng khoa học - EBHPD)

Theo Đời sống
Xuất huyết não vì tự ý bỏ thuốc huyết áp

Xuất huyết não vì tự ý bỏ thuốc huyết áp

Khi ngừng thuốc trị tăng huyết áp đột ngột, huyết áp có thể tăng lên quá cao, mạch máu não không chịu nổi áp lực cao có thể bị vỡ, lúc đó bệnh nhân bị xuất huyết não, gây liệt nửa người, liệt hoàn toàn,...
back to top