Hy hữu sinh đôi hiếm gặp: Một bé chào đời trong "bọc điều"

Tỷ lệ sinh con bọc điều chỉ khoảng 1/80.000 ca sinh nở, và trong những trường hợp sinh đôi, tỷ lệ này lại càng thấp hơn nữa. Đẻ trong bọc điều là may may hay nguy hiểm?

Ca sinh đôi hiếm gặp

Ngày 23/5, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, bệnh viện vừa mổ sinh cho một ca sinh đôi rất hiếm gặp: một bé chào đời trong “bọc điều” – hiện tượng hiếm gặp vô cùng.

Theo đó, sau khi được theo dõi và chăm sóc cẩn thận bởi đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, chị N.T.B (Hưng Yên) đã hạ sinh 2 bé gái khỏe mạnh ở tuần thứ 37.

Điều đặc biệt là 1 trong 2 bé chào đời còn nằm nguyên trong túi ối. Hai con do BSCKI. Bùi Chí Dũng đón tay, một bé nặng 2150g và bé còn lại nặng 2300g.

Các bác sĩ bệnh viện phụ sản Hà Nội cho biết, hành trình mang thai và sinh con luôn là một điều kỳ diệu của tạo hóa. Việc sinh con bọc điều càng là một hiện tượng hiếm gặp, mang theo niềm vui và sự may mắn cho gia đình. Tỷ lệ sinh con bọc điều chỉ khoảng 1/80.000 ca sinh nở, và trong những trường hợp sinh đôi, tỷ lệ này lại càng thấp hơn nữa.

Theo quan niệm dân gian, "đẻ bọc điều" được ví như mang đến nhiều may mắn và điều tốt lành. Em bé sinh ra sẽ được che chở, bảo vệ và có cuộc đời suôn sẻ, hạnh phúc.

Tỷ lệ sinh con bọc điều chỉ khoảng 1/80.000 ca sinh nở, và trong những trường hợp sinh đôi, tỷ lệ này lại càng thấp hơn nữa. - Ảnh BVCC

Tỷ lệ sinh con bọc điều chỉ khoảng 1/80.000 ca sinh nở, và trong những trường hợp sinh đôi, tỷ lệ này lại càng thấp hơn nữa. - Ảnh BVCC

Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng đẻ bọc điều?

Trong bụng mẹ, bào thai nằm trong túi ối. Túi ối có một màng mỏng nhưng chắc chắn, bên trong đầy chất lỏng giúp giữ ấm và an toàn cho thai nhi. Khi đủ ngày tháng, túi ối sẽ vỡ ra trước khi em bé chào đời.

Theo BSCKI. Dương Ngọc Vân, bệnh viện Melatec, bọc điều hay còn gọi là phần bọc ối trong bụng mẹ, chính là môi trường sống của thai nhi. Bọc ối này gồm 2 lớp màng ối và màng đệm. Tuy có đặc điểm mỏng và trong suốt nhưng lại rất dẻo và dai. Chính vì thế, nó có thể giãn ra khi thai nhi ngày càng lớn đồng thời nước ối ngày càng nhiều và trong đó còn có chứa cả phần nước tiểu của thai nhi.

Khi túi ối vỡ ra, em bé sẽ được sinh ra từ cơ thể mẹ. Nhưng khác với quy luật thông thường này, một số em bé dù đã được sinh ra nhưng vẫn còn nguyên trong bọc ối.

Nguyên nhân dẫn đến đẻ bọc điều là do túi ối của những trường hợp này dày và dai hơn bình thường, dẫn đến khó rách hơn. Rất nhiều trường hợp đẻ bọc điều là trẻ bị sinh non. Ngoài ra, những trường hợp mẹ bầu có tử cung giãn và mềm cũng làm tăng tỷ lệ em bé chào đời và vẫn nằm trong bọc ối.

Trẻ được sinh ra trong "bọc điều" - Ảnh BVCC

Trẻ được sinh ra trong "bọc điều" - Ảnh BVCC

Đẻ bọc điều may mắn hay nguy hiểm?

Người xưa cho rằng, những trường hợp đẻ bọc điều hay chính là những đứa trẻ vẫn còn trong túi ối khi chào đời chính là một dấu hiệu của sự may mắn. Đứa trẻ sinh ra sẽ được che chở, rất thông minh và thậm chí có thể trở thành vĩ nhân.

BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, quan điểm này có lẽ xuất phát từ sự hiếm gặp của hiện tượng này. Liệu rằng đây có phải là một điểm lành cho đứa trẻ hay không? Hiện nay, chưa có một bằng chứng khoa học nào xác định rõ về vấn đề này. Tuy nhiên, trong lịch sử nhân loại, rất nhiều vĩ nhân, thiên tài của thế giới được sinh ra trong bọc điều.

Thậm chí, nhiều quốc gia trên thế giới còn có niềm tin rằng những đứa trẻ được sinh ra và còn nằm nguyên trong bọc ối sẽ không bao giờ bị đuối nước. Với niềm tin này, nhiều người đi biển còn sẵn sàng chấp nhận chi trả một mức giá rất cao để mua lại màng ối đặc biệt này. Họ cho rằng, nó sẽ mang lại nhiều may mắn khi đi biển.

Các nhiếp ảnh gia đã ghi lại được nhiều hình ảnh hiếm gặp và quý giá từ những em bé được sinh ra trong bọc ối. Phần lớn đó là những ca sinh mổ. Rất hiếm ca đẻ bọc điều là sinh thường và gần như không thể chụp lại những khoảnh khắc này. Vì đây là những ca cần được xử trí rạch màng ối ngay lập tức để tránh tình trạng suy hô hấp, đảm bảo tính mạng cho thai nhi.

Hai trẻ sinh đôi tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội - Ảnh BVCC

Hai trẻ sinh đôi tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội - Ảnh BVCC

BSCKI. Dương Ngọc Vân phân tích, bình thường, khi xảy ra những cơn gò tử cung sẽ tạo áp lực lên màng ối và dẫn đến tình trạng vỡ màng ối, giúp ngôi thai tì xuống và ra khỏi cơ thể mẹ. Tuy nhiên, với những thai nhi vẫn nằm trong bọc ối, nghĩa là bọc ối không bị rách, vỡ thì nhau thai sẽ không cung cấp oxy cho thai. Chính vì vậy, thai nhi sẽ cần tự lấy oxy bằng đường hô hấp.

Đây là tình trạng nguy hiểm vì thai nhi sẽ có nguy cơ hít phải dịch trong túi ối dẫn tới tình trạng nghẹt thở hoặc gây ra những tổn thương nghiêm trọng đến phổi. Những trường hợp này cần được rạch túi ối nhanh chóng và kịp thời. Nếu không, thai nhi có thể bị suy hô hấp và thậm chí là tử vong, nhất là đối với những trường hợp sinh thường. Tuy nhiên, đây là tình trạng vô cùng hiếm gặp.

Để hạn chế nguy cơ đẻ bọc điều, các mẹ cần đi khám ngay khi xuất hiện những cơn gò đầu tiên. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ có thể xác định được nguy cơ và biện pháp xử trí kịp thời, phòng tránh tối đa nguy cơ rủi ro cho các bé.

Để có thể “vượt cạn” thành công, mẹ bầu cần lưu ý tuân thủ theo đúng lịch khám của bác sĩ để được theo dõi và hướng dẫn chi tiết cho quá trình “vượt cạn” sắp tới. Nếu chưa đến lịch khám thai mà cơ thể xuất hiện những triệu chứng bất thường thì vẫn nên nhanh chóng đến khám để được bác sĩ chẩn đoán tình trạng sức khỏe và can thiệp, xử trí kịp thời.

Theo Đời sống
Quên khám nghĩa vụ quân sự có bị xử phạt?

Quên khám nghĩa vụ quân sự có bị xử phạt?

Cá nhân có các hành vi vi phạm về kiểm tra, khám sức khỏe nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự thì sẽ chịu các mức xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 6/6/2022 của Chính phủ.
back to top