Ban thờ Hoàng Ngũ Phúc.
Vượt Lũy Thầy, quân không mất một người
Năm 31 tuổi (1744), Hoàng Ngũ Phúc giữ chức trấn thủ Hải Dương, rồi Kinh Bắc, kiêm thống lĩnh Bắc đạo, Tả đô đốc, tước hiệp Quận công.
Chỉ chưa đầy một năm, ông đã thống lĩnh quân, dẹp yên loạn Đông, Nam, Bắc. Năm 37 tuổi (1750), ông làm Tổng tư lệnh Bình Tây. Sau 43 ngày, ông bắt sống thảo khấu Nguyễn Danh Phương dâng nộp, khi bình công đứng thứ nhất, được gia phong Đại tư đồ kiêm trấn thủ Sơn Nam, Hải Dương.
Ông được sử sách khen ngợi là: “Tính cẩn thận, chắc chắn, có trí mưu”. Khi trấn thủ Sơn Nam, Hải Dương, ông có công giúp triều đình mở nước sinh dân, đưa đất nước thịnh trị hơn mọi triều đại trước. Đối với bên ngoài thì bốn nước xung quanh phải phụ thuộc, ngoại xâm không dám nhòm ngó.
Hoàng Ngũ Phúc xin cáo quan năm 1774, tuy nhiên cùng năm đó lại được mời ra giúp việc nước, thống lĩnh đại quân, được phép “Tùy nghi hành sự” đem quân đi bình định vùng đất Thuận – Quảng.
Chiến tích lớn nhất trong đời binh nghiệp của ông là vượt Lũy Thầy (chiến lũy mà trong hơn 200 năm trước đó, quân Lê – Trịnh không thể phá nổi) mà đạn không tốn một viên, quân không mất một người.
Ông đem quân vào lấy Phú Xuân, thu giang sơn về một mối, được phong Bình Nam Thượng tướng kiêm Đại Thống soái đất Thuận – Quảng. Ông mất trên binh thuyền khi quân Trịnh rút về đến Vĩnh Dinh, trấn Nghệ An, thọ 64 tuổi.
Tiến lui đúng lúc
Trong lịch sử Việt Nam, ngoài Lý Thường Kiệt, có lẽ chỉ có Hoàng Ngũ Phúc là tướng xuất thân từ hoạn quan có tài kiêm văn võ và có nhiều quân công nhất.
Tuy nhiên, do thành tích của ông chỉ trong nội chiến, còn Lý Thường Kiệt lập công trong chống ngoại xâm nên Lý Thường Kiệt nổi tiếng hơn ông.
Hoàng Ngũ Phúc làm tướng nghiêm túc, cẩn trọng, có uy tín. Khi lâm trận, là người quả đoán. Những người trưởng thành dưới tay ông như Hoàng Đình Bảo, Nguyễn Hữu Chỉnh sau đều là những người nổi tiếng, ngang dọc thiên hạ, nhưng đều không được trọn vẹn như ông.
Sở dĩ ông được trọn vẹn toàn danh, ngoài hoàn cảnh khách quan (khi thế nước Đàng Ngoài còn mạnh) còn do ông là người biết ứng xử, tiến lui đúng lúc không chỉ trong chính trường mà cả ngoài chiến trường, không mang dã tâm như các hoạn quan Triệu Cao đời nhà Tần, Nguỵ Trung Hiền đời nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc; bản tính ông khiêm tốn, thành thực đối đãi với người khác hết lòng trung tín, thưởng phạt quân sĩ nghiêm minh.
Là người cầm quân dày dặn hơn 30 năm ngoài chiến trận, có lẽ hơn ai hết ông tự hiểu sức quân Trịnh khi tiến vào tới Quảng Ngãi như dây cung đã trương hết cỡ, không thể cố giành đất phương Nam, vì thế ông chủ động nhường Quảng Nam cho Tây Sơn, hy vọng làm thoả mãn đội quân này…
Không chỉ là người có công ổn định tình hình Bắc Hà, Hoàng Ngũ Phúc còn có công mở mang đất đai Bắc Hà xuống phía Nam, lần đầu tiên đánh bật chúa Nguyễn khỏi đất Thuận – Quảng, khôi phục lại cương thổ nhà Hậu Lê như thời Lê Sơ, điều mà bao thế hệ chúa Trịnh trước chưa làm được.
Nhưng dường như cũng chỉ có ông là người hiểu mình và hiểu người, biết lui tiến ngoài mặt trận. Sau khi các tướng thế hệ ông và Bùi Thế Đạt mất, cha con chúa Trịnh quá say sưa vì chiến thắng, sinh kiêu ngạo, các tướng kế tục buông lỏng việc quân cơ nên không giữ được cương thổ ông đã mở mang và cơ đồ họ Trịnh tiêu tan nhanh chóng.
Ít ra Bắc Hà sẽ được bảo tồn lâu hơn. Một khi Tây Sơn không đánh chiếm được Bắc Hà, sẽ không phải phân tán lực lượng ra Bắc và khó có thể khẳng định họ Nguyễn còn cơ hội phục hồi ở Nam Bộ hay không.
(còn nữa)
Nguyễn Thành Trung