Hóa đơn điện tử: Tiện nhưng... vướng

(khoahocdoisong.vn) - Việc sử dụng hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích, như: tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí vận chuyển bảo quản hóa đơn, giảm thiểu các thủ tục hành chính, an toàn, bảo mật... Tuy nhiên,  quá trình triển khai hoá đơn điện tử gặp không ít vướng mắc khiến nhiều doanh nghiệp còn né tránh.

Chuyển đổi số: ai nhanh sẽ thắng

Nghị định số 119/2018 quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, đã đưa ra lộ trình chuyển đổi từ việc sử dụng hóa đơn tự in, hóa đơn giấy sang HĐĐT trong vòng 24 tháng. Theo đó, chậm nhất là ngày 1/11/2020 các doanh nghiệp phải hoàn thành việc chuyển đổi sử dụng từ hóa đơn tự in, hóa đơn giấy sang HĐĐT. Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai HĐĐT vẫn còn nhiều vướng mắc khiến các doanh nghiệp chưa mấy mặn mà.

Theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, sử dụng HĐĐT thay cho hóa đơn giấy mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp (DN). Nếu sử dụng hóa đơn giấy, DN phải chi phí giấy in, mực in, chi phí chuyển hóa đơn cho khách hàng đối với trường hợp khách hàng ở xa, người bán phải chuyển phát nhanh hoặc gửi bưu điện hóa đơn trả khách hàng; đặc biệt giảm chi phí lưu trữ hóa đơn.

Mặt khác HĐĐT có thể lưu giữ trong kho dữ liệu điện tử, nên DN không mất không gian lưu trữ như hóa đơn giấy; giảm thời gian tìm kiếm hóa đơn, tăng cường khả năng bảo mật hóa đơn; giúp việc lưu trữ, quản lý hóa đơn vĩnh viễn; không có rủi ro mất, nhàu nát như khi lưu trữ hóa đơn giấy. Đồng thời, phương thức này nâng cao hiệu quả quản lý hóa đơn do việc tập hợp các thông tin qua phương tiện điện tử một cách nhanh chóng và kịp thời; chi phí vận hành và quản lý thấp, hiệu quả.

Theo số liệu khảo sát của Tổng cục Thuế, chi phí cao nhất mà DN sử dụng hóa đơn tự in là khoảng 2.500 đồng/tờ hóa đơn, tương đương 125.000 đồng/quyển 50 số hóa đơn. Thống kê của Tập đoàn điện lực VN (EVN) cho thấy, số lượng hóa đơn trung bình sử dụng mỗi tháng là 23,6 triệu, tương đương khoảng 283 triệu hóa đơn/năm. Chi phí hóa đơn tự in (chưa tính phần quản lý, lưu kho) khoảng 420 đồng/hóa đơn; chi phí HĐĐT (đã tính chi phí quản lý, lưu trữ) chỉ khoảng 292 đồng/hóa đơn. Với việc sử dụng HĐĐT, EVN tiết kiệm được gần 130 đồng/hóa đơn so với hóa đơn giấy và giúp EVN tiết kiệm được khoảng 36 tỉ đồng/năm.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, áp dụng HDĐT là xu thế tất yếu khi doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số. Việc sử dụng HĐĐT giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian (giảm tới 70% các bước quy trình phát hành và 90% các tranh chấp liên quan đến hóa đơn, rút ngắn tới 99% thời gian thanh toán, quản lý hóa đơn, tiết kiệm 80% chi phí cho mỗi hóa đơn).

Ông Lộc cũng khẳng định, bản chất của chuyển đổi số là vận hành, tích hợp công nghệ số vào tất cả các tiến trình vận hành của một tổ chức nhằm mang lại nhiều giá trị tích cực cho tổ chức đó như tối ưu quy trình quản lý, nâng cao hiệu suất làm việc, tiết kiệm chi phí... Trong chuyển đổi số, ai đi nhanh sẽ giành thắng lợi. Vì thế áp dụng HĐĐT là xu thế tất yếu khi doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số.

Theo xu hướng phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ thông tin cũng như các giao dịch điện tử, việc triển khai HĐĐT được nhiều doanh nghiệp công nhận đây là giải pháp mang lại nhiều lợi ích cho ba bên (doanh nghiệp, khách hàng, và cơ quan Thuế). Tuy nhiên có một nghịch lý là dù số lượng HĐĐT đã tăng mạnh và Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 119/2018 quy định về HĐĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, nhưng tỷ trọng HĐĐT chưa thực sự được áp dụng rộng rãi.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Lý giải về những vướng mắc, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng: việc áp dụng HĐĐT rất cần một hạ tầng kỹ thuật tốt, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu về mặt hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin - viễn thông. Bên cạnh đó, hiện thói quen sử dụng tiền mặt của người dân Việt Nam cũng là nguyên nhân dẫn tới HĐĐT chậm được áp dụng và triển khai trên quy mô lớn.

Chia sẻ về những vướng mắc, ông Nguyễn Tương - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết, để triển khai HĐĐT, cần giải quyết đồng bộ các vấn đề: Thứ nhất, cần tạo ra nền tảng cho thực hiện HĐĐT, đồng bộ hóa trong triển khai HĐĐT của chính nội bộ các cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Thứ hai, Nghị định 119/2018/NĐ-CP đã được ban hành, nhưng chưa có Thông tư hướng dẫn gây khó cho doanh nghiệp trong việc triển khai HĐĐT.

Thứ ba, hiện có khoảng 200 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ kỹ thuật điện tử cho doanh nghiệp ứng dụng HĐĐT. Trong đó, có những doanh nghiệp lớn và nhỏ nhưng hiện chưa có quy định, tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp cung ứng này. Thứ tư, hiện doanh nghiệp làm khai báo hải quan và 1 cửa quốc gia tốt, nhưng việc kết nối với các Bộ, ngành chưa được nhiều, nhất là với các cơ quan thuế, bảo hiểm, kho bạc. Vì vậy, cần giải quyết vấn đề đó để doanh nghiệp thực hiện ứng dụng HĐĐT...

Ông Nguyễn Khơ Din - Tổng thư ký CLB chữ ký số và giao dịch điện tử Thuộc Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cho hay, đang có những “khoảng trống” quy định, quy định về ngày ký, ngày lập hóa đơn chưa rõ ràng, chưa có hướng dẫn... Bên cạnh đó, hoạt động triển khai chưa đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp như thuế, kho bạc, bảo hiểm, quản lý thị trường gây nhiều vướng mắc. Trong khi cơ quan thuế khuyến khích việc sử dụng HĐĐT, DN dùng HĐĐT mang đến kho bạc hay đơn vị bảo hiểm thì lại chưa chấp nhận loại hóa đơn này. Các đơn vị đó yêu cầu doanh nghiệp chuyển đổi sang hóa đơn giấy.

Rõ ràng, các cơ quan cần ngồi lại để đưa ra những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, không gây khó khăn cho DN sử dụng HĐĐT. Bộ Tài chính, Tổng cục thuế cần đưa ra lộ trình triển khai rõ ràng theo từng giai đoạn cụ thể để tránh dồn vào thời điểm năm 2020. Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho DN, cần ban hành sớm Thông tư hướng dẫn Nghị định 119.

Tính đến tháng 7/2019, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký phát hành hóa đơn điện tử có mã của Cơ quan Thuế là 279 doanh nghiệp. Trong đó, số lượng doanh nghiệp đã xuất hóa đơn điện tử có mã là 255 (Hà Nội có 107 doanh nghiệp đã xuất hóa đơn, TP HCM là 117 doanh nghiệp và tại Đà Nẵng là 31 doanh nghiệp). Tổng số hóa đơn được xác thực của doanh nghiệp là 8.111.337 hóa đơn/255 doanh nghiệp; Tổng cục thuế đã xác nhận: hơn 8.033 tỷ đồng.

Theo Đời sống
Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng đang được các nhà sản xuất trong nước điều chỉnh giảm thêm 100.000 đồng/tấn. Với việc giảm giá lần thứ ba của thép cuộn, tính từ đầu năm 2024 tới nay, tổng mức giảm lũy kế là 500.000 đồng/tấn.
back to top