Hồ Tông Thốc, nhà sử học lớn- kỳ 2: Người đầu tiên đưa danh xưng Việt Nam

Người đầu tiên đưa danh xưng Việt Nam với ý nghĩa là quốc hiệu chính là Hồ Tông Thốc. Ông cũng là người đầu tiên có quan điểm độc đáo, đúng đắn về thời Hùng Vương và mối quan hệ giữa huyền thoại và lịch sử.

Lễ dâng hương tại đền thờ Trạng nguyên Hồ Tông Thốc-người đầu tiên đưa danh xưng Việt Nam.

Người đầu tiên đưa danh xưng Việt Nam

Về sử sách, Hồ Tông Thốc đã viết các tập: Phụ học chỉ nam; Việt Nam thế chí; Thảo nhân hiệu tần thi tập; Việt sử cương mục…  Ông là người đầu tiên đưa thời đại Hùng Vương vào chính sử.

Ngô Sỹ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư bàn về sách Việt sử cương mục của Hồ Tông Thốc, cho rằng sách ghi chép thận trọng mà có phương pháp, bình luận sự việc thiết đáng mà không rườm rà.

Không thấy Ngô Sĩ Liên nhận xét về tác phẩm Việt Nam thế chí, nhưng chính Ngô Sĩ Liên là người đã đi tiếp con đường Hồ Tông Thốc khai sáng, đưa thời đại Hùng Vương vào sử.

Nguyên bản Việt Nam thế chí đã mất, nhưng Lời tựa tác phẩm này được Phan Huy Chú chép lại đầy đủ trong thiên Văn tịch chí bộ Lịch triều hiến chương loại chí  cho ta biết, Việt Nam thế chí chép 18 đời vua Hùng và các đời nhà Triệu. Và Hồ Tông Thốc là người đầu tiên đưa danh xưng Việt Nam với ý nghĩa là quốc hiệu; người đầu tiên có quan điểm độc đáo, đúng đắn về thời Hùng Vương và mối quan hệ giữa huyền thoại và lịch sử.

Với hai tác phẩm Việt sử cương mục và Việt Nam thế chí, Hồ Tông Thốc không chỉ làm “kinh người” tài thơ và rượu mà còn làm “kinh người” bởi trí tuệ uyên bác của ông.

Hồ Tông Thốc là người đã viết những cuốn sử đầu tiên của nước ta và hai từ “Việt Nam” được dùng lần đầu tiên trong tác phẩm của ông từ thời Trần.

Cái làm “kinh người” của sử gia Hồ Tông Thốc ở chỗ, chính ông là người đầu tiên đưa thời đại Hùng Vương vào chính sử. Nếu Lê Văn Hưu viết sử chỉ từ thời Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) thì Hồ Tông Thốc mạnh dạn và sáng suốt chép toàn bộ thời Hồng Bàng vào sử.

Sử quan vừa thoáng lại vừa sâu, cách viết sử có phương pháp rành mạch của ông đã được Ngô Sĩ Liên nhận xét và đánh giá cao, xếp ông còn vượt hơn Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên.

Ngô Sĩ Liên tiếp tục sự nghiệp Hồ Tông Thốc, đưa thời đại Hùng Vương vào Đại Việt sử ký toàn thư, nhờ vậy 18 triều Hùng nước Việt được lưu truyền trong con rồng cháu tiên mãi tới ngày nay.

Con cháu đỗ đạt

Các tác phẩm Việt sử cương mục và Việt Nam thế chí của Hồ Tông Thốc hẳn còn chứa đựng nhiều thông tin xác thực và giá trị nên mới bị “thất lạc” dưới thời giặc Minh xâm lược. Ý đồ tiêu hủy sử sách Việt Nam của nhà Minh rất rõ ràng, sách gì cũng đốt, bia gì cũng đập…

Cũng may, Lời tựa sách Việt Nam thế chí của Hồ Tông Thốc còn lưu lại được đầy đủ. Trong đó đã nói rõ quan điểm sử học của ông khi đưa những huyền thoại, truyền thuyết vào chính sử.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Hồ Tông Thốc mất khi 80 tuổi, không rõ năm nào. Tên ông được đặt cho Trường Trung học cơ sở Hồ Tông Thốc (Thọ Thành, Yên Thành, Nghệ An) và đường Hồ Tông Thốc (Nghi Phú, Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An).

Hồ Tông Thốc có hai con là Hồ Tông Đốn và Hồ Tông Thành đều đậu trạng nguyên đời Trần.

Các con khác và cháu chắt của ông nhiều ngư­ời đậu đại khoa, có phẩm t­ước lớn, như­ Hồ Thị là Th­ượng t­ướng quân, tư­ớc hầu; tiến sĩ Hồ Đình Trung và tiến sĩ Hồ Đình Quế, đều tư­ớc Quận công; tiến sĩ Hồ Doãn Văn là Hiến sát sứ, Hoàng giáp Hồ Bỉnh Quốc là thị lang bộ Lại.

(còn nữa)

TS Nguyễn Thành Hữu

Theo Đời sống
back to top