Đền thờ Trạng nguyên Hồ Tông Thốc.
Mỗi chén rượu ứng khẩu một bài thơ
Hồ Tông Thốc sinh tại Kẻ Cuồi, xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; là cháu đời thứ 15 Trạng nguyên Hồ Hưng Dật, ngang thế thứ với Hồ Quý Ly; cha ông là Hồ Cao…
Thuở nhỏ, Hồ Tông Thốc con nhà nghèo nhưng nổi tiếng ham học mà học giỏi, được xem là bậc thần đồng. Tương truyền, gặp tết Nguyên tiêu, có đạo nhân là Lê Pháp Quan treo đèn đặt tiệc, mời khách văn chương đến dự làm vui.
Hồ Tông Thốc uống mỗi chén rượu ứng khẩu một bài thơ, mà bài nào cũng hay và làm xong cả trăm bài thơ ngay trên bữa tiệc, ai nấy đều “kinh người”, thán phục. Từ đấy tiếng dậy kinh sư, người đương thời kính trọng.
17 tuổi Hồ Tông Thốc dự thi Đình và đỗ Trạng nguyên. Sau khi đỗ đầu khoa thi, ông được vua Trần Hiến Tông cho giữ chức Trung thư lệnh; năm 1372, giao chức Hàn lâm viện đại học sỹ; năm 1386, được thăng Hàn lâm viện kiêm Thẩm hình viện sứ. Là người giỏi thơ văn, có tài ứng đối linh hoạt, ông được vua Trần cử đi sứ nhiều lần và lần nào cũng làm tốt phận sự của mình.
Hồ Tông Thốc là một vị quan thanh liêm, là một nhà thơ, nhà sử học, nhà văn hoá, đã để lại nhiều trước tác có giá trị. Về thơ, sách Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ và Hoàng Việt thi tuyển của Bùi Huy Bích còn chép được mấy bài thơ của ông như Thị ý; Đề Hạng vương từ; Du Động Đình họa Nhị Khê.
Trong bài Thị ý (Tỏ ý), có hai câu thể hiện bản lĩnh của nhà thơ: Hàn mặc tranh vi Vương Bột hậu – Văn chương thùy thí Giả Sinh tiền (tài bút mực quyết không chịu đi sau Vương Bột – Nghiệp văn chương ai biết ta còn đứng trước Giả Sinh)…
Phê Hạng Vũ, sửa thơ Vương Bột
Trong thời gian đi sứ sang Trung Quốc, Hồ Tông Thốc đã sáng tác nhiều bài thơ xuất sắc. Tương truyền, lúc đi thuyền trên sông Ô Giang, qua miếu thờ Hạng Vũ, thường ai đi qua cũng phải đốt hương vàng cúng lễ mới yên ổn, nhưng Hồ Tông Thốc cho thuyền đi thẳng.
Bỗng sóng gió nổi lên ầm ầm, thuyền tròng trành sắp lật. Ông bình thản đứng trước mũi thuyền đọc: Quân bất quân hề, thần bất thần – Như hà miếu mạo tại Giang Tân – Giang Đông tích nhật do hiềm tiểu – Hà tích thiên tiền bách vạn càn? Nghĩa là: Chẳng phải vua chẳng phải tôi, bên sông miếu mạo để thờ ai, Giang Đông ngày ấy còn chê nhỏ, tiền giấy nay sao lại cố đòi? (nguyên ngày trước, Hạng Vũ đánh cho Lưu Bang thua liểng xiểng, sau lại bị Lưu Bang đánh bại, Hạng Vũ uống rượu vĩnh biệt nàng Ngu Cơ, rồi cùng tàn quân chạy đến sông Ô Giang, người đình trưởng mời xuống thuyền sang Giang Đông lập căn cứ khôi phục lại cơ nghiệp, Hạng Vũ chê đất ấy hẹp, quay lại đánh nhau đến chết).
Thơ đọc xong, tự nhiên gió lặng sóng yên. Sau đó, Hồ Tông Thốc làm bài thơ khác nói về sự nghiệp và tính cách hảo hán của Hạng Vũ, dán ở miếu thờ nhân vật này. Từ đó mọi người đi qua không phải đốt vàng nữa.
Lại có chuyện Hồ Tông Thốc sửa thơ Vương Bột – người được tôn là thi bá Trung Quốc. Một hôm đô đốc Hồng Châu mở hội thơ, bảo rể làm bài Tựa gác Đằng vương, rồi mời khách hạ bút, ý muốn khoe tài chàng rể.
Mọi người còn do dự thì Vương Bột cầm bút hạ ngay bốn câu, trong đó có hai câu được truyền tụng là tuyệt cú: Lạc hà dự cô vụ tề phi – Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc. Nghĩa là: ráng chiều với cánh cò cô độc cùng bay, làn nước thu với bầu trời một mầu.
Rất nhiều năm sau khi Vương Bột chết rồi, người ta vẫn thường nghe tiếng ngâm hai câu thơ ấy trên mộ. Hồ Tông Thốc nghe xong, nói: “Có gì mà tuyệt cú! Câu nào cũng thừa một chữ: đã dự sao còn tề, đã cộng sao còn nhất ?” (nghĩa tương đương). Từ đó người ta không còn nghe tiếng ngâm thơ trên mộ Vương Bột nữa.
(còn nữa)