Làng Quỳnh Đôi, quê hương Hồ Sĩ Dương.
Mất giải Nguyên, phải sung lính
Hồ Sĩ Dương ban đầu có tên là Á Ngọc. Thuở bé Á Ngọc rất thông minh, 15 tuổi đã học hết chữ của các thầy đồ trong vùng và theo cha tìm vào Yên Lạc, Quán Triều, Đông Thành (nay thuộc Yên Thành) theo học thầy Mạc Phúc Thanh từ Bắc vào. Mười tám tuổi, Á Ngọc đổi tên là Khả Trí, dự khảo hạch ở huyện đỗ đầu, thi Hương đỗ Sinh đồ.
Năm 23 tuổi (1643), Khả Trí đỗ Giải nguyên trường Nghệ An, năm sau thi Hội trúng Tam trường. Vì có đại tang (cha mất năm 1648), ông không thể dự thi Hội khóa tiếp; lại do sinh kế nên ra dạy học ở Quảng Xương, Thanh Hóa, rồi đổi họ tên giả Trần Độ thi Hương ở trấn này và lại đỗ Giải nguyên (có tài liệu ghi ông thi hộ).
Việc bị phát giác, ông bị cách tuột học vị Giải nguyên cả hai trường và phải sung lính 3 năm. Nhờ lập công, ông được giải ngũ trước thời hạn.
Đến năm 1651 với tên mới là Sĩ Dương, ông lại đỗ Giải nguyên trường Nghệ An, nhưng do có “tiền án” nên bị giáng xuống Á nguyên.
Năm sau thi Hội, thi Đình, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Tiếp đó, năm 1659, ông lại đỗ thứ 2 khoa Đông các – khoa thi đặc biệt chọn người có tài văn học bổ sung vào Đông các viện.
Ân điển vua ban cho những người đỗ khoa này giống như ân điển ban cho các vị Tam khôi, do đó học vị Hồ Sĩ Dương có sách ghi là Bảng nhãn.
Bước hoạn lộ hanh thông
Chặng đường thi cử của Hồ Sĩ Dương không thật suôn sẻ, nhưng bước hoạn lộ của ông lại rất hanh thông.
Theo các bộ chính sử và gia phả họ Hồ lưu giữ, thì từ khi xuất chính với chức Cấp sự trung cho đến lúc về hưu với chức Thượng thư Tham tụng, ông đã làm quan ở kinh đô trải 4 triều vua: Lê Thần Tông (1649 – 1662), Lê Huyền Tông (1662 – 1671), Lê Gia Tông (1671 – 1675), Lê Hy Tông (1675 -1705); 2 đời chúa: Thanh Đô vương Trịnh Tráng (1623 – 1657), Tây Đô vương Trịnh Tạc (1658 – 1682) và thăng tiến rất nhanh, là điều hiếm có trong xã hội phong kiến.
Bước vào chốn quan trường thông qua đường khoa hoạn, tài năng, trí lực của Hồ Sĩ Dương tỏ ra đắc dụng khi phò vua, giúp nước. Hậu thế biết đến Hồ Sĩ Dương không chỉ là một vị đại quan thành đạt, mà trước hết vì ông là một trí thức tài cao, đức cả, được thăng tiến nhanh vì có thực tài.
Trong khoảng từ 1660 – 1670, ông từng giữ chức Đốc thị trong 2 lần Nam chinh (các năm 1660, 1662) đánh chúa Nguyễn; 2 lần Bắc chiến (các năm 1667, 1670) đánh họ Mạc.
Theo Phan Huy Chú, Đốc thị là chức quan dự coi việc biên cương buổi đầu triều Lê Trung Hưng. Với chức vụ này, ông đã hiến kế hay, cho người xúi quân chúa Nguyễn đào ngũ hàng loạt vào năm 1660.
Sử cũ cho hay, vào năm Nhâm Dần (1662), đời vua Lê Thần Tông, với tài học vấn, sự mẫn tiệp của tiến sĩ họ Hồ, nên “Sai bọn Bồi tụng Hồ Sĩ Dương lên cửa quan đón tiếp sứ thần phương Bắc” Tiếp đó lại sai ông cùng các quan khác lên cửa quan hầu mệnh, tiếp sứ, nhận tiền lụa và các vật ban thưởng của nhà Thanh, đưa sắc dụ về kinh.
(còn nữa)
Nguyễn Bảo Nam