Nghiên cứu mới được CDC thực hiện dựa trên các dữ liệu thu thập về hơn 241.204 người đến thăm khám tại khoa cấp cứu hoặc khoa điều trị khẩn cấp và 93.408 ca nhập viện là người trưởng thành mắc các triệu chứng giống COVID-19 trong giai đoạn từ ngày 26/8/2021 đến 22/1/2022.
Hiệu quả của vắc xin được đánh giá bằng cách so sánh tỷ lệ mắc COVID-19 ở những bệnh nhân đã tiêm phòng và chưa tiêm phòng kết hợp với việc sử dụng các phương pháp phân tích dữ liệu dựa trên các thông số như thời gian mắc bệnh, khu vực sinh sống, độ tuổi và mức độ lây nhiễm ở địa phương và các đặc điểm bệnh lý của bệnh nhân để có được kết quả tổng hợp.
Kết quả nghiên cứu mới của CDC chỉ ra trong giai đoạn làn sóng dịch do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, hiệu quả bảo vệ của vắc xin trước nguy cơ phải cấp cứu hoặc điều trị khẩn cấp là 87% trong vòng 2 tháng sau khi tiêm mũi tăng cường, nhưng giảm xuống còn 66% trong tháng thứ 4.
Hiệu quả bảo vệ trước nguy cơ nhập viện là 91% trong 2 tháng đầu sau tiêm nhưng giảm xuống 78% vào tháng thứ 4 sau khi tiêm.
Theo bà Kristen Nordlund, người phát ngôn của CDC Mỹ, việc tiêm thêm mũi vắc xin tăng cường vẫn an toàn và tiếp tục có hiệu quả cao để ngăn tình trạng bệnh biến chuyển nặng hơn.
Các tác giả kết luận việc phát hiện ra hiệu quả của mũi tăng cường vắc xin mRNA giảm trong vài tháng sau tiêm sẽ củng cố thông tin để quyết định về việc tiêm mũi thứ 4 nhằm duy trì hoặc cải thiện hiệu quả của vắc xin phòng bệnh.