Không phải ai cũng hiểu rõ bản chất của hạn sử dụng thuốc, dẫn đến nhiều hiểu lầm nghiêm trọng, thậm chí gây nguy hiểm cho sức khỏe. Việc hiểu đúng về hạn sử dụng không chỉ giúp người tiêu dùng sử dụng thuốc an toàn mà còn góp phần hạn chế tình trạng lãng phí và tăng hiệu quả điều trị.
Hạn sử dụng thuốc là gì?
Hạn sử dụng thuốc là khoảng thời gian mà nhà sản xuất bảo đảm thuốc vẫn giữ được đầy đủ hiệu lực và độ an toàn nếu được bảo quản đúng cách.

Thông tin này thường được in rõ ràng trên bao bì dưới dạng “EXP” (Expiration Date) hoặc “HSD”. Thông thường, HSD được xác định thông qua các nghiên cứu ổn định của thuốc trong điều kiện bảo quản chuẩn. Sau thời gian đó, nhà sản xuất không đảm bảo chất lượng thuốc như ban đầu – cụ thể là về hiệu lực điều trị, độ ổn định và an toàn.
Những hiểu lầm phổ biến và hậu quả
Thuốc hết hạn chỉ mất tác dụng, không gây hại: Đây là quan điểm sai lầm phổ biến nhất. Trên thực tế, không phải thuốc nào hết hạn cũng “vô hại”. Một số thuốc sau khi hết hạn có thể phân hủy thành các chất độc hại hoặc gây kích ứng. Ví dụ điển hình là tetracycline – một loại kháng sinh có thể gây tổn thương thận nếu dùng sau hạn sử dụng.
Ngoài ra, thuốc giảm đau, hạ sốt hay kháng sinh khi mất tác dụng sẽ khiến bệnh không được kiểm soát, kéo dài tình trạng bệnh, tạo điều kiện cho biến chứng xuất hiện.
Hạn sử dụng chỉ là hình thức, thuốc còn dùng được lâu sau đó; Một số người có thói quen tích trữ thuốc và tiếp tục sử dụng dù đã quá hạn với lý do “thuốc vẫn còn nguyên bao bì, không đổi màu, không có mùi lạ”. Tuy nhiên, sự thay đổi hóa học bên trong thuốc không phải lúc nào cũng thể hiện ra bên ngoài. Việc đánh giá thuốc bằng cảm quan là vô cùng rủi ro và không thể thay thế cho các phân tích trong phòng thí nghiệm.
Thuốc hết hạn vẫn có thể dùng nếu giảm liều: Đây là cách sử dụng sai lầm và nguy hiểm. Việc tự ý giảm liều không giúp tăng hiệu quả hay làm giảm rủi ro khi thuốc đã mất ổn định. Thậm chí, với một số thuốc, hiệu lực đã suy giảm thì dù có tăng liều cũng không đạt được tác dụng điều trị cần thiết, nhưng lại làm tăng gánh nặng chuyển hóa lên gan, thận.
Một số trường hợp đặc biệt cần lưu ý
Thuốc dạng lỏng, hỗn dịch, thuốc nhỏ mắt: Các dạng thuốc này có nguy cơ nhiễm khuẩn cao sau khi mở nắp. Ngay cả khi chưa hết hạn sử dụng, chúng cũng cần được loại bỏ sau một thời gian mở nắp (thường là 14-30 ngày). Dùng thuốc nhỏ mắt quá hạn có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng cho mắt.
Kháng sinh: Kháng sinh là nhóm thuốc cần đặc biệt chú ý đến hạn sử dụng. Dùng kháng sinh hết hạn có thể dẫn đến điều trị không hiệu quả, gây kháng thuốc – một trong những vấn đề y tế nghiêm trọng toàn cầu.
Người tiêu dùng cần làm gì?
Kiểm tra hạn sử dụng trước khi dùng: Luôn kiểm tra kỹ hạn sử dụng in trên bao bì trước khi dùng. Nếu không rõ ngày hết hạn (do mờ, rách), tốt nhất không nên sử dụng.
Bảo quản đúng cách: Mỗi loại thuốc có yêu cầu bảo quản riêng. Thuốc không được bảo quản đúng có thể bị hỏng dù chưa đến hạn sử dụng.
Không tích trữ thuốc quá nhiều: Chỉ nên mua thuốc khi cần thiết, tránh mua theo cảm tính hoặc để dành.
Xử lý thuốc hết hạn đúng cách: Không vứt thuốc bừa bãi. Có thể đem đến các điểm thu hồi thuốc hoặc tham khảo hướng dẫn xử lý rác thải y tế tại nhà an toàn.
Tham khảo ý kiến chuyên môn: Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về hạn dùng, màu sắc, mùi vị hoặc hiệu quả thuốc, hãy hỏi dược sĩ hoặc bác sĩ.