Hi hữu vụ kiện "văn bản khống chỉ" dài 6 năm tại Lào Cai

(khoahocdoisong.vn) - Qua 6 năm xét xử, TAND huyện Bảo Thắng, Lào Cai đã chuyển vụ án tranh chấp thương mại giữa Công ty TNHH Đông Nam Á Lào Cai và Cty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Bao Bì thành một vụ án đòi nợ tài sản.

Hai công ty “anh em”

Năm 2008, Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Bao Bì (Công ty Bao Bì) đã bán cho Công ty TNHH Đông Nam Á Lào Cai (Công ty Đông Nam Á) 8.000 thùng phuy chuyên dùng đựng phốt pho, trị giá hơn 4,7 tỷ đồng, theo hợp đồng kinh tế số 66/KĐKT (HĐ 66).

Hai công  ty này là “hàng xóm” của nhau, đều có trụ sở ở Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, Lào Cai. Thậm chí, Giám đốc Công ty Bao Bì - ông Phạm Văn Mạnh - từng làm nhân viên của Công ty Đông Nam Á. Năm 2005, ông Mạnh được Giám đốc Công ty Đông Nam Á – ông Trần Việt Dũng - giao làm trưởng ban quản lý dự án xây dựng nhà máy phốt pho vàng III tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng cho Công ty Đông Nam Á.

Sau 3 lần giao dịch, đến ngày 15.4.2009 hai bên đã làm Biên bản thanh lý HĐ 66. Nhưng 4 năm sau, ngày 15.9.2013, Công ty Bao Bì đã khởi kiện Công ty Đông Nam Á ra TAND huyện Bảo Thắng đòi số tiền nợ 1,01 tỷ đồng của lần giao dịch thứ hai và tiền lãi chậm trả tính từ tháng 12.2008.

Việc khởi kiện của Công ty Bao Bì căn cứ ở văn bản xin hoãn thời gian trả nợ cho HĐ 66 của Công ty Đông Nam Á, ngày 15.2.2010. Nội dung: “Công ty Đông Nam Á xin hoãn thời gian trả 1,01 tỷ đồng tiền mua hàng năm 2008 (nằm trong HĐ 66) vì Công ty đang gặp khó khăn kinh doanh sản xuất. Thời gian hoãn nợ đến ngày 30.9.2011”.

Đáng chú ý, văn bản khất nợ này có chữ kỹ và con dấu của ông Trần Việt Dũng. Tuy nhiên, phía Công ty Đông Nam Á bác bỏ đã lập văn bản này.

Theo ông Trần Việt Dũng, khi ông Mạnh làm Trưởng Ban quản lý Dự án xây dựng Nhà máy phốt pho vàng III cho Công ty Đông Nam Á, ông Dũng đã ký và đóng dấu lưu không vào một số tờ giấy không có nội dung để giao ông Mạnh quản lý sử dụng khi cần thiết mà ông Dũng không có mặt để ký.

Ông Dũng cho rằng, ông Phạm Văn Mạnh đã chế tác văn bản khất nợ trên từ những giấy lưu không này để trục lợi cá nhân.

Tại phiên sơ thẩm lần 1 và phúc thẩm năm 2015, TAND huyện Bảo Thắng và TAND tỉnh Lào Cai đều tuyên “Bản án kinh doanh thương mại”, với nội dung Công ty Đông Nam Á phải trả cho Công ty Bao Bì 1,01 tỷ đồng tiền gốc và khoảng 1,5 tỷ đồng tiền lãi.

Sau khi Công ty Đông Nam Á kháng cáo, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã kháng nghị Giám đốc thẩm và đã tuyên hủy toàn bộ 2 bản án này, với lý do tòa huyện chưa thu thập chứng cứ để làm rõ nhiều vấn đề có liên quan nhưng đã buộc Công ty Đông Nam Á phải thanh toán tiền nợ gốc và nợ lãi.

Đến giữa năm 2018, vụ án này lại được TAND huyện Bảo Thắng đưa ra xét xử sơ thẩm (vòng 2), kết quả tiếp tục tuyên Công ty Đông Nam Á phải trả cho Công ty Bao Bì 1,01 tỷ tiền gốc và số tiền lãi đã lên tới 2 tỷ đồng. Vụ án lại được kháng cáo lên TAND tỉnh Lào Cai. Tại Bản án số 05/2018, TAND tỉnh Lào Cai nhận định rằng chưa đủ căn cứ để xác định văn bản khất nợ có giá trị pháp lý hay không.

Văn bản khống chỉ

Có thể thấy, điểm cốt lõi của vụ án trên nằm ở văn bản khất nợ do Công ty Bao Bì (chủ nợ) xuất trình. Văn bản này đã được các bên đưa đi giám định tới 5 lần, mỗi lần một nơi và cho ra kết quả khác nhau.

Tuy nhiên, theo kết luận giám định số 118/C54B ngày 10.2.2015 của Phân viện Hhoa học Hình sự TP.HCM (thuộc Tổng cục Cảnh sát): “hình dấu tròn “Công ty TNHH Đông Nam Á Lào Cai” được đóng khống chỉ, thời gian đóng khống chỉ được xác định trong khoảng từ 24.9.2009 trở về trước đến ngày 01.2.2008”. Tức là dấu đã đóng trước ngày lập văn bản khất nợ (15.2.2010). Điều này cũng có nghĩa việc Công ty Đông Nam Á khẳng định Công ty Bao Bì đã chế tác ra văn bản khất nợ từ các giấy trắng có chữ ký và dấu lưu không là có cơ sở.

Vẫn theo Phân viện giám định hình sự TP Hồ Chí Minh: do đây là “văn bản khống chỉ”, nên thiếu căn cứ để có thể sử dụng làm chứng cứ mang tính pháp lý. Bởi lẽ, văn bản trên không xác định được có phải là văn bản do Công ty Đông Nam Á phát hành hay không, dù trên văn bản đó có ký tên và đóng dấu công ty của ông Trần Việt Dũng, Giám đốc công ty.

Tuy nhiên, trong phiên xét xử mới nhất, ngày 20.8.2019, TAND huyện Bảo Thắng đã chuyển vụ kiện “Kinh doanh thương mại” trước đó thành vụ kiện “đòi nợ tài sản”. Hội đồng xét xử đã chấp nhận sử dụng văn bản khống chỉ “hoãn thời gian trả nợ đến ngày 30.9.211” như đã nêu ở trên, và tuyên Công ty Đông Nam Á phải trả cho Công ty Bao Bì 1,01 tỷ đồng, nhưng không phải trả lãi.

Theo đại diện của Công ty Đông Nam Á, việc TAND huyện Bảo Thắng chuyển vụ “tranh chấp thương mại” thành "đòi nợ tài sản” đã thay đổi tính chất vụ án vốn đang chịu điều chỉnh của Luật Thương mại sang vụ kiện đòi tài sản chịu điều chỉnh của Luật Dân sự. 

Nếu là vụ án “đòi tài sản”, thì Công ty Bao Bì phải đi đòi số thùng phuy nêu trên, chứ không phải số tiền hơn 1 tỷ đồng như án đã tuyên. Mặt khác, nếu tòa án xác định đây là vụ “tranh chấp hợp đồng thương mại” thì thời hiệu khởi kiện của bên nguyên không còn, và cũng không đủ căn cứ để đưa ra xét xử. Còn nếu coi đây là vụ án “đòi tài sản”, thì TAND huyện Bảo Thắng lại đã cố tình chấp thuận văn bản khất nợ đã bị khẳng định không căn cứ để sử dụng làm chứng cứ mang tính pháp lý.

Với lập luận ấy, việc Công ty Đông Nam Á tiếp tục kháng cáo bản án là điều đương nhiên. Vụ án hy hữu này, với hai vòng xét xử kéo dài tới 10 năm, với 6 lần tuyên án, hai lần hủy án chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc. 

Theo Đời sống
back to top