Hãy tự bảo vệ mình trước “dị nhân Delta”

(khoahocdoisong.vn) - Biến chủng virus Delta có thể được coi “dị nhân Delta” với tốc độ lây lan kinh khủng. Để chống lại dịch bệnh, chúng ta không thể dựa vào sự may mắn, mà phải thật tỉnh táo và bình tĩnh, phải hiểu biết rất rõ virus thì mới có cách đối phó tối ưu.

Những ổ dịch dương tính 100%

"Dị nhân Delta" lây lan nhanh hơn 225% so với phiên bản Delta gốc của nó, tải lượng virus trong cổ họng nhiều hơn gấp 1.000 lần, được các nhà nghiên cứu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc đã công bố ngày 7/7. Đó là lý do sử dụng thuật ngữ “dị nhân Delta”.

Phiên bản Delta gốc tăng 40% tạm ước tính. Ví dụ, giả sử dịch bùng phát ở TPHCM với chu kỳ gia tăng của virus là 14 ngày, thời điểm bùng phát tạm coi từ ngày 31/5 bắt đầu giãn cách xã hội với con số trung bình 21 ca nhiễm mỗi ngày. Sau 14 ngày = 77 ca (thực tế = 59 ca). Sau 28 ngày = 280 ca (thực tế 228 ca). Sau 42 ngày = 1.021 ca (thực tế 996 ca). Sau 56 ngày = 3.728 ca (thực tế 4.147 ca).

Nhìn vào con số trực quan, sau 16 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, số ca lây nhiễm tăng lên đột biến. Có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân hàng đầu vẫn là do dị nhân Delta siêu lây nhiễm, bằng chứng là 21 người ở Vĩnh Long đi dự đám ma đều dương tính hết, hoặc trước đó 689 nhân viên và học viên trại cai nghiện Bố Lá ở Bình Dương đều dương tính 100%.

Thế giới chưa có ổ dịch nào dương tính 100% như vậy. 

Cá nhân hóa phòng chống dịch bệnh

Đó là giải pháp quan trọng nhất lúc này, đặc biệt với các tỉnh Nam Bộ đang dần rơi vào căng thẳng, cũng như Hà Nội khi số ca nhiễm còn nằm trong tầm kiểm soát. Hãy cá nhân hoá phòng chống dịch bệnh là chìa khoá giúp chúng ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Nghĩa là mỗi người phải tự bảo vệ để mình không bị Covid-19.

Chỉ khi hầu hết mọi người không bị nhiễm thì cộng đồng mới an toàn, ngược lại, đa số người mắc bệnh thì dịch sẽ mất kiểm soát. Khi số ca nhiễm tới hạn, với siêu dị nhân Delta thì các biện pháp giãn cách xã hội dù có nghiêm ngặt đến mấy cũng rất ít hiệu quả, lockdown càng kéo dài thì khủng hoảng càng trầm trọng. Đó là lý do tôi dự đoán, dịch ở TPHCM còn rất lâu mới kiểm soát được, trong tháng 8 số ca nhiễm sẽ tăng đột biến và cùng với đó là số bệnh nhân tử vong cũng gia tăng, hệ thống y tế sẽ rơi vào quá tải.

Vậy mỗi người hãy tự bảo vệ mình trước virus. Đầu tiên, chúng ta cần hiểu rằng trên 99% virus lây truyền trong nhà ở những nơi có không gian kín, chỉ dưới 1% lây truyền ở ngoài trời.

Lấy ví dụ cách mô phỏng không gian kín của nhà virus học Margarita Del Val, bà chọn một chiếc ô tô cá nhân. Nếu chúng ta ngồi một mình trong chiếc xe đó, đóng kín cửa thì 15 phút sau chúng ta hít trở lại phổi 4% lượng không khí chúng ta đã thở ra. Nếu có một người khác ngồi bên cạnh thì chỉ 10 phút sau chúng ta đã hít đến 8% lượng khí của người bên cạnh. Giả sử người ngồi cùng bị Covid-19 thì xác suất chúng ta bị nhiễm là 30% trong 30 phút và 71% trong vòng 1 giờ. Nhưng nếu kéo hai cửa kính xuống 5cm, hệ thống thông gió chéo sẽ làm mới không khí tới 9 lần mỗi phút, khí thở ra của chính chúng ta và người bên cạnh biến mất, nguy cơ lây nhiễm gần như không có.

Dựa vào nguyên lý này, mọi người hạn chế đi cầu thang máy. Cá nhân tôi ở tầng 26 toà chung cư, luôn coi cầu thang bộ lúc đi xuống là cơ hội thể dục tuyệt vời. Khi lên tầng 6, tôi luôn chọn cầu thang bộ, đây là cách rèn luyện cung lượng tim và sức bền rất tốt, lại phòng tránh Covid-19 hiệu quả.

Cũng như vậy, khi ở chung với những người lạ trong một căn phòng quá 15 phút, thì nên bật quạt và mở cửa đảm bảo thông gió. Thời gian 15 phút là con số mà các CDC đưa ra khi định nghĩa tiếp xúc gần, để nói về trường hợp tiếp xúc với người khác ở khoảng cách dưới 2m, trong tổng thời gian 15 phút của một ngày. Với hầu hết các virus đều tuân theo con số này.

Như vậy, đừng tiếp xúc với người lạ quá 15 phút ở trong phòng kín, cố gắng cách xa họ trên 2m.

Điều cần chú ý tới hành vi cá nhân. Chúng ta biết rằng, virus SARS-CoV-2 chủ yếu lây qua giọt bắn khi hắt hơi, ho, nói chuyện quá to, la hét, gào thét, hát hò. Đi trong thang máy rất nhiều người nói chuyện với nhau, nói chuyện điện thoại... Hãy tránh xa những người nói nhiều và hay nói.

Trong bữa ăn ở nhà ăn tập thể, nhiều người thoải mái nói chuyện, thoải mái cười đùa, thoải mái ho; không ít lần tôi để ý nước bọt của họ bắn tung toé vào suất ăn của người bên cạnh. Vấn đề quan trọng là người ngồi cùng chẳng nhận ra. Người ốm, mũi sụt sịt ho và sốt nhưng vẫn thản nhiên đến bếp ăn tập thể, đến chỗ đông người, đã vậy lại hay lấy tay ngoái mũi, lau chùi và vẩy vót lung tung.

Thói quen của rất nhiều người bán hàng khi dùng túi bóng đựng độ ăn cho khách là lấy túi bóng rồi kéo khẩu trang xuống, dùng miệng thổi phù vào túi bóng, sau đó múc đồ ăn vào. Nếu người bán hàng bị nhiễm Covid-19, thì những khách hàng khác khó thoát khỏi.

Thói quen dùng lưỡi liếm phong bì hoặc đưa tay lên chấm nước bọt dán phong bì hoặc đếm tiền rồi mời mọi người ăn, tụ tập uống nước, dùng chung cốc, chén... là nguồn dễ dàng lây lan dịch bệnh. Vì vậy, chúng ta phải biết tự bảo vệ bản thân, chẳng riêng gì Covid-19 mà ngay cả với các chủng virus hay vi khuẩn khác cũng vậy.

5K thì mọi người đều thuộc, nhưng vẫn có không ít hành vi như kể trên, nếu ở trong một cộng đồng có nhiều người mắc như TPHCM bây giờ, thì rất khó tránh khỏi nhiễm virus, sau đó họ trở thành những ca siêu lây nhiễm. 

BS Trần Văn Phúc (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn)

Theo Đời sống
Xuất huyết não vì tự ý bỏ thuốc huyết áp

Xuất huyết não vì tự ý bỏ thuốc huyết áp

Khi ngừng thuốc trị tăng huyết áp đột ngột, huyết áp có thể tăng lên quá cao, mạch máu não không chịu nổi áp lực cao có thể bị vỡ, lúc đó bệnh nhân bị xuất huyết não, gây liệt nửa người, liệt hoàn toàn,...
back to top