Thế đấy, cái lễ hội có xuất xứ từ nước ngoài ấy đã phổ biến đến nỗi đứa trẻ con cũng biết. Mà không thể không biết được, khi trước đó cả tháng các hàng đồ chơi bán đầy đồ hóa trang, trên TV, trên mạng tràn lan thông tin về các hoạt động nhân ngày lễ này. Đến đứa trẻ con cũng biết Giáng sinh thì có ông già Noel tặng quà, Halloween thì mặc đồ hóa trang đi xin kẹo…
Hình minh họa
Thì cũng chẳng sao, khi hội nhập, những cái mới tràn vào là chuyện bình thường. Lâu nay, lễ Giáng sinh, Phục sinh, lễ tạ ơn, ngày lễ tình yêu Valentine, rồi ngày của mẹ, của cha… cũng được tổ chức rất rầm rộ. Thôi thì thêm một ngày lễ, thêm một dịp vui, một dịp để tặng quà… cũng chẳng thiệt gì.
Nhưng vấn đề là đừng vì hào hứng chạy theo những cái mới mà lơ là, quên lãng những ngày lễ của mình. Phải biết mình là người Việt Nam thì có những gì đặc biệt để giữ gìn và phát huy.
Chúng ta có Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong năm, không thể quên. Rằm Trung thu cũng là một ngày lễ lớn. Còn ngày lễ rằm tháng Bảy xá tội vong nhân, xét về nguồn gốc cũng na ná như ngày Halloween, tức là ngày để người sống tưởng nhớ về những người đã mất.
Hay lễ Thanh minh cũng là ngày để ta tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên… Sao các nhà trường, các phương tiện truyền không tuyên truyền cho trẻ con biết.
Có lần tôi trò chuyện với nhà thơ Y Phương, ông bảo với người Tày quê ông, lễ Thanh minh còn quan trọng hơn cả ngày Tết Nguyên đán. Những người đi xa, Tết có thể không về, nhưng ngày Thanh minh thì không thể vắng mặt. Tự dưng thấy ngưỡng mộ khi ngoài những cái chung như mọi người ra, dân tộc ông lại có những phong tục, tập quán riêng của mình.
Cái riêng đó là cái đáng để tự hào, để dù xung quanh có đổi thay đến đâu, vẫn biết mình là ai, mình có những gì.
Mỗi dân tộc, thậm chí với mỗi vùng miền hay trong một cộng đồng đều có những ngày lễ trọng, không thể lơ là. Nhất là trong thời đại ngày nay, toàn cầu hóa, khi mọi nền văn hóa đều là mở để tiếp nhận những cái mới, thì càng cần phải giữ gìn để không đánh mất bản sắc của mình.
Minh Anh