Hạn hán nghiêm trọng đang xảy ra ở miền Trung. Ở Nam Bộ, lượng nước sông Mê Kông đang thấp kỷ lục. Dự báo tình trạng này còn kéo dài đến tháng 11/2019.
Hạn hán, xâm nhập mặn đạt kỷ lục mới
Theo ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hiện nay, ở khu vực Trung Bộ do nắng nóng và thiếu hụt lượng mưa trong thời gian dài, mực nước trên một số lưu vực sông đã xuống thấp nhất lịch sử. Mực nước một số hồ chứa xuống dưới mực nước chết, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang diễn ra tại một số địa phương ở Trung Bộ. Tập trung chính tại các tỉnh từ Nghệ An đến Ninh Thuận, đặc biệt là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Tình hình xâm nhập mặn sâu vào nội đồng đã diễn ra tại các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng và nhất là tại Quảng Nam đã xuất hiện độ mặn cao nhất kể từ khi có số liệu quan trắc đến nay (năm 2005).
Dự báo, hiện tượng El Nino yếu duy trì từ nay đến khoảng tháng 11/2019 với xác suất khoảng 50-55%, sau đó, ENSO có khả năng trở về trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng từ tháng 12/2019. Từ nay đến hết tháng 8/2019, lượng dòng chảy trên các sông thuộc khu vực Trung Bộ tiếp tục suy giảm và ở mức thiếu hụt so với TBNN phổ biến từ 40-65%, một số nơi thiếu hụt trên 80% như ở Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên.
Mực nước trên các sông thuộc khu vực Trung Bộ tiếp tục xuống mức thấp hơn so với TBNN cùng kỳ. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra tập trung tại các tỉnh từ Nghệ An đến Ninh Thuận, đặc biệt là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Hạ lưu một số sông có khả năng xuất hiện độ mặn cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc và có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 7 đầu tháng 8/2019.
Dòng chảy sông Mê Kông đang cạn kiệt
Cũng theo ông Vũ Đức Long, từ đầu tháng 6 đến nay, tổng lượng mưa trên lưu vực sông Mê Kông ở mức thấp hơn TBNN từ 30-80% và thấp hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 33%. Tổng lượng dòng chảy các trạm trên dòng chính sông Mê Kông thiếu hụt từ 35-45% so với TBNN. Mực nước tại các trạm trên thượng lưu ở mức thấp hơn TBNN từ 2,5 -5,5m, các trạm trung lưu thấp hơn từ 3,0-6,2m, hạ lưu thấp hơn từ 2,5-5,4m. Đặc biệt tại một số trạm trung, hạ lưu như Pakse (Lào), Strungtreng (Camphuchia) mực nước đã xuống mức thấp hơn năm 2015 và đạt giá trị thấp nhất cùng thời kỳ. Như vậy có thể nói là hiện nay dòng chảy trên sông Mê Kông đang ở mức rất cạn kiệt.
Từ tháng 8-10/2019, tổng lượng dòng chảy tại các trạm trên dòng chính sông Mê Kông ở mức thấp hơn TBNN từ 10-30% và cao hơn năm 2015 từ 5-10%. Do thiếu hụt lượng mưa và dòng chảy ở thượng nguồn nên đỉnh lũ năm ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức thấp (báo động 1), thời gian xuất hiện mực nước đỉnh lũ khả năng xảy ra vào cuối tháng 9 đầu tháng 10/2019.
Theo GS Trần Thục, Hội Khí tượng Thủy văn, nếu trong các tháng lũ chính vụ còn lại, từ tháng 8-10, trên lưu vực sông Mê Kông không có mưa diện rộng thì có nguy cơ mất lũ năm 2019, dẫn đến suy giảm dòng chảy mùa cạn năm 2020 trên lưu vực. Hiện tại lưu lượng trung bình 10 ngày cuối tháng 7/2019 tại Kratie giảm so với trung bình nhiều năm khoảng 11.000m3/s, so với năm có mùa lũ thấp (là năm 2015) khoảng 3000m3/s, dẫn đến thiếu nước. Tình trạng này sẽ càng trầm trọng hơn khi các thủy điện trên dòng chính ở thượng lưu và các thủy điện dòng nhánh tích nước. Khi đó sẽ xảy ra thiếu nước trầm trọng và xâm nhập mặn gia tăng ở ĐBSCL.
Để có thể chủ động ứng phó, trước hết cần phải có những cảnh báo về khả năng xảy ra thiên tai hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL, yêu cầu các hộ dùng nước, các chủ công trình sử dụng tài nguyên nước có những giải pháp sử dụng nước hiệu quả và tiết kiệm trong mùa cạn năm 2020.
Bảo Khánh