Ngày 6/8 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định công nhận Di tích quốc gia đặc biệt Đền Voi Phục (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) là điểm du lịch với tên gọi chính thức là “Điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt Đền Voi Phục”.
Đến ngày 10/8, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục ban hành Quyết định công nhận Di tích quốc gia đặc biệt Đền Quán Thánh (phường Quán Thánh, quận Ba Đình) là "Điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt".
Theo quan niệm dân gian, Đền Voi Phục và đền Quán Thánh là hai ngôi đền nằm trong Thăng Long Tứ trấn, gồm bốn ngôi đền thiêng trấn giữ các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc của kinh thành Thăng Long xưa, tức thủ đô Hà Nội ngày nay.
Đền Voi Phục - ngôi đền trấn giữ hướng Tây
Tọa lạc tại số 362 phố Kim Mã, cạnh công viên Thủ Lệ, đền Voi Phục (tên chữ là Tây trấn từ) là ngôi đền trấn giữ hướng Tây trong bốn ngôi đền thuộc Thăng Long Tứ trấn của kinh thành Thăng Long. Theo sử sách, đền được lập từ thời Lý Thái Tông (1028-1054) trên địa phận làng Thủ Lệ.
Đền thờ hoàng tử Linh Lang, theo chính sử là con Vua Lý Thái Tông, còn theo truyền thuyết là con của Long Quân, người có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống.
Vì trước cửa đền có đắp tượng hai con voi quỳ gối nên quen từ xưa dân gian đã gọi đền là đền Voi Phục. Và vì đền ở phía Tây kinh thành nên còn được gọi là Tây trấn từ hoặc trấn Đoài (Đoài thuộc hướng Tây trong quan niệm phong thủy). Trong một thiên niên kỷ tồn tại, đền Voi Phục đã nhiều lần được trùng tu, tái thiết. Năm 1947 đền bị thực dân Pháp phá hủy, nhưng sau đó được khôi phục dựa trên kiến trúc cũ có từ thời nhà Nguyễn. Vào thập niên 2000 đền được trùng tu trên quy mô lớn.
Lối vào đền Voi Phục. Ảnh: Quốc Lê. |
Ngày nay, đền Voi Phục là một trong những ngôi đền có không gian kiến trúc đẹp nhất Hà Nội. Sau cổng nghi môn ở sát mặt đường, một khoảng không gian khoáng đạt được mở ra với con đường lát gạch rợp bóng cây xanh, lộng gió hồ Thủ Lệ. Đi qua hai lớp cổng, khu đền chính nằm trên nền cao hiện ra. Có ba lối lên sân đền, trong đó lối chính giữa có 12 bậc đá rộng, chỉ để rước kiệu trong ngày lễ, còn bình thường khách thập phương đi bằng hai lối hai bên.
Khu điện thờ của đền Voi Phục có dạng chữ Công, gồm tòa Tiền tế năm gian, kết cấu vì chồng rường, mái lợp ngói mũi hài cổ, tòa Trung đường một gian chạy dọc vào phía trong nối với tòa Hậu cung. Hậu cung cũng 5 gian, là nơi có tượng đức Linh Lang. Không gian thờ tự trong đền được bài trí tôn nghiêm. Ngoài các pho tượng thờ được tạo tác sinh động còn có nhiều hoành phi, câu đối, nhang án, long ngai, cửa võng bát bửu cùng các đồ tế khí đều được sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Một nét hấp dẫn của đền Voi Phục là khuôn viên đền có nhiều cây cổ thụ cành lá xum xuê, soi bóng xuống mặt hồ Thủ Lệ. Cảnh quan này mang vẻ đẹp kỳ ảo khiến du khách phương xa ghé thăm đền một lần sẽ nhớ mãi.
Lễ hội chính của đền Voi Phục diễn ra vào ngày 9 và 10 tháng hai Âm lịch. Từ xa xưa, lễ hội này đã được tổ chức theo nghi thức quốc lễ với các đoàn khách hành hương đến từ nhiều địa phương quanh Hà Nội.
Vào năm 1962, đền Voi Phục trở thành một trong 12 di tích đầu tiên được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia của Việt Nam. Đến năm 2022, đền được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Đền Quán Thánh - ngôi đền trấn giữ hướng Bắc
Tọa lạc trên đường Thanh Niên, Hà Nội, đền Quán Thánh (tên chữ là Trấn Vũ Quán) đền trấn giữ hướng Bác trong Thăng Long Tứ trấn. Tương truyền đền Quán Thánh có từ đời Lý Thái Tổ (1010-1028). Theo nhà nghiên cứu Vũ Tam Lang, ban đầu đền nằm ở một vị trí khác và được di dời về phía hồ Tây trong đợt mở rộng Hoàng thành Thăng Long năm 1474 của vua Lê Thánh Tông.
Đền là nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, một vị thần gắn với đạo Lão. Truyền thuyết kể rằng Huyền Thiên Trấn Vũ là một vị thần cai quản phương Bắc. Ngài đã giúp dân chúng trừ tà ma và các loại yêu quái phá hoại đời sống của dân chúng vùng xung quanh thành Thăng Long.
Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ở đền Quán Thánh. Ảnh: Quốc Lê. |
Đền Quán Thánh từng trải qua nhiều đợt trùng tu vào các năm 1618, 1677, 1768, 1836, 1843, 1893, 1941. Diện mạo ngày nay của đền về cơ bản có từ đợt tu sửa vào năm 1836-1838 dưới thời vua Minh Mạng.
Về tổng thể, đền có bố cục không gian thoáng và hài hòa. Hồ Tây phía trước mặt tiền tạo nên bầu không khí mát mẻ quanh năm. Kết cấu kiến trúc của đền sau khi trùng tu bao gồm tam quan, sân, ba lớp nhà tiền tế, trung tế, hậu cung. Các mảng chạm khắc trên gỗ của đền Quán Thành có giá trị nghệ thuật cao. Nhà tiền tế có khám thờ và án thư cùng tượng thờ nghệ nhân đúc tượng Trấn Vũ, Luân Quận Công Vũ Công Chấn. Ngôi chính điện (bái đường) là nơi đặt tượng thần Huyền Thiên Trấn Vũ được đúc bằng đồng vào năm 1677, đời Lê Hy Tông.
Bức tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ở đền Quán Thánh được coi là một công trình nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu cho kỹ thuật đúc đồng của các nghệ nhân Việt Nam cách đây 3 thế kỷ. Tượng cao 3,96 mét, chu vi 8 mét, nặng 4 tấn, tạo hình thần Huyền Thiên Trấn Vũ mặc áo đạo sĩ tọa trên tảng đá cẩm thạch cao 1,2 mét với hai bàn chân để trần. Người dân Hà Nội tin rằng bức tượng này rất linh thiêng. Thiện nam tín nữ khi đi lễ ở đền thường chạm vào các ngón chân của tượng để lấy lộc.
Không chỉ là một di tích lịch sử, một địa điểm sinh hoạt tâm linh, đền Quán Thánh còn có vai trò như một điểm nhấn cảnh quan cho hồ Tây. Nằm bên cạnh nước nổi tiếng của Hà Nội, đền Quán Thánh cùng với chùa Kim Liên, chùa Trấn Quốc và phủ Tây Hồ tạo nên sự hài hoà trong kiến trúc cảnh quan và văn hoá tín ngưỡng đối với cả khu vực phía Tây Bắc của thủ đô Hà Nội.
Hàng năm cứ đến ngày 3/3 và 9/9 âm lịch, người dân làng Yên Quang xưa (nay là phường Quán Thánh) lại tổ chức lễ hội đền Quán Thánh để tưởng nhớ, tri ân công lao của Đức Huyền Thiên Trấn Vũ, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân.
Cũng như đền Voi Phục, đền Quán Thánh được công nhận nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia của Việt Nam vào đợt đầu tiên - năm 1962, và được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 1922.
Theo Khoản 7 Điều 3 Luật Du lịch 2017, "điểm du lịch" là nơi có tài nguyên du lịch được đầu tư, khai thác phục vụ khách du lịch. Theo Điều 11 Nghị định 168/2017/NĐ-CP, một nơi được công nhận là một điểm du lịch cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Có tài nguyên du lịch, có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Tỷ lệ bản đồ phụ thuộc vào yêu cầu quản lý và địa hình khu vực.
- Có kết cấu hạ tầng, dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch.
- Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường.