Hà Nội muốn vay thêm 34.296 tỷ đồng làm Đường sắt đô thị ga Hà Nội - Hoàng Mai

(khoahocdoisong.vn) - Theo đó, Hà Nội dự kiến sử dụng 34.296 tỷ đồng từ nguồn ODA và 6.280 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để đầu tư cho tuyến đường sắt đô thị số 3 dài 8,7km, đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai.

Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã vận hành thử nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào hoạt động. Ảnh: Trần Hải

84,5% vốn vay ODA

UBND TP Hà Nội vừa trình HĐND TP về việc đưa dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai, vào danh mục dự án đầu tư từ vốn vay của chính quyền địa phương (nguồn vay ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài). Dự kiến tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai có điểm đầu tại Quảng trường 1-5, điểm cuối qua nút giao với cầu Pháp Vân Vành đai 3 dài khoảng 8,7km.

Tuyến đi ngầm toàn bộ theo hành lang Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Nguyễn Tam Trinh. Ống hầm kép đi song song, ngầm qua nút giao Ô Đông Mác (VDD1), Mai Động (VDD2) và kết thúc phía sau Vành đai 3 với 07 ga ngầm (Hàng Bài, Trần Thánh Tông, Kim Ngưu, Mai Động, Tân Mai, Tam Trinh, Yên Sở), 01 khu đề pô diện tích khoảng 10ha (phía sau, sát Trạm bơm Yên Sở).

Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đang triển khai, tuy nhiên chậm tiến độ.

 Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đang triển khai, tuy nhiên chậm tiến độ.

UBND TP Hà Nội cho biết, đây là dự án dự kiến tổng mức đầu tư lên đến 1.752,78 triệu USD, tương đương 40.576 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA dự kiến 1.481,49 triệu USD, tương đương 34.296 tỷ đồng (chiếm 84,5% tổng mức đầu tư); vốn đối ứng ngân sách Thành phố dự kiến 271,29 triệu USD, tương đương khoảng 6.280 tỷ đồng (chiếm 15,5% tổng mức đầu tư).

UBND TP Hà Nội dự kiến thành phần chi phí cho dự án bao gồm: xây lắp 742,23 triệu USD, tương đương 17.182 tỷ đồng; Thiết bị 397,24 triệu USD, tương đương 9.196 tỷ đồng; Chi phí khác 183,67 triệu USD, tương đương 4.252 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng 86,1 triệu USD, tương đương 1.993 tỷ đồng; chi phí dự phòng 343,54 triệu USD, tương đương 7.953 tỷ đồng.

Với tổng mức đầu tư lên đến 40.576 tỷ đồng thì đây thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia theo Luật Đầu tư công, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là Quốc hội. Chính phủ sẽ là cơ quan thẩm định và trình để Quốc hội phê duyệt dự án này.

UBND TP Hà Nội cho rằng, đây là trục giao thông có lưu lượng hành khách lớn dự báo sẽ thu hút khoảng 488.000 hành khách/ngày vào năm 2020. Thời gian thực hiện dự án sẽ rơi vào giai đoạn 2021 - 2025.

Tiềm ẩn nhiều bất lợi nếu không sử dụng ODA hiệu quả

Từng ý kiến trước Quốc hội, đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh giá, ODA là nguồn vốn tiềm ẩn nhiều hậu quả bất lợi nếu như nước tiếp nhận ODA sử dụng không hiệu quả, làm tăng gánh nặng nợ quốc gia, tăng sự phụ thuộc nước ngoài. Nguồn vốn ODA có thể tạo ra sự tăng trưởng nhất thời nhưng sau một thời gian sẽ lâm vào tình trạng nợ nần do không có khả năng trả nợ. Do vốn ODA không được đầu tư trực tiếp cho sản xuất và xuất khẩu trong khi trả nợ phải dựa vào việc xuất khẩu để thu ngoại tệ. Việc vay ODA cần được thống nhất, minh bạch, đảm bảo khả năng trả nợ an toàn và bền vững, đặt trong chiến lược vay, trả nợ nước ngoài. Cần đặt kế hoạch giảm dần việc vay vốn ODA trong tương lai gần nhằm giảm áp lực gia tăng nợ công…

Khẳng định đủ vốn

Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước 2015 và Nghị định số 63/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, mức dư  nợ vay của ngân sách TP Hà Nội không vượt quá 70% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Trong khi đó, mức dư nợ tối đa của TP Hà Nội năm 2019 là 70.379 tỷ đồng, dự kiến năm 2020 là 73.281 tỷ đồng.

Nhà ga S12 là ga cuối trên tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đặt ngầm dưới lòng đường khu vực Trần Hưng Đạo.

 Nhà ga S12 là ga cuối trên tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đặt ngầm dưới lòng đường khu vực Trần Hưng Đạo.

Dự kiến năm 2019 Hà Nội sẽ ký với Bộ Tài chính Hợp đồng vay lại cho dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông với giá trị khoảng 2.306 tỷ đồng; Giai đoạn 2021 - 2025 Hà Nội tiếp tục giải ngân đối với các dự án đang triển khai có phần vốn ODA thực hiện theo cơ chế vay lại khác với tổng giá dự kiến 17.868 tỷ đồng.

Theo lý giải của UBND TP Hà Nội thì nếu tính thêm phần vốn ODA dự kiến của dự án Đường sắt đô thị số 3 thì tổng mức vay nợ của TP tại thời điểm năm 2021 khoảng 66.207 tỷ đồng nhỏ hơn 73.281 tỷ đồng (là hạn mức TP Hà Nội có thể huy động vay tối đa tại thời điểm 2020).

Đối với nguồn vốn ODA 1.481,49 triệu USD (34.296 tỷ đồng) UBND TP Hà Nội cho biết hiện đã có cam kết tài trợ 450 triệu của ADB.

Ngoài ra, các nhà tài trợ khác như Ngân hàng tái thiết Đức (Kfw), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Chính phủ Pháp, Ngân hàng Thế giới (WB) đã bày tỏ quan tâm tiếp tục tài trợ phần vốn ODA còn lại của dự án. Dự kiến trong tháng 06/2019, UBND TP và các nhà tài trợ sẽ ký Biên bản ghi nhớ chính thức về việc đồng tài trợ với ADB cho dự án.

Đối với nguồn vốn đối ứng dự kiến 271,29 triệu USD (6.280 tỷ đồng), Hà Nội dự kiến tổng thu ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 là 1.766 - 1.792 nghìn tỷ đồng, vậy trung bình sẽ đạt khoảng 353 - 358 nghìn tỷ đồng/năm. Ngoài ra giai đoạn 2021 - 2025 tổng vốn đầu tư xã hội cần huy động khoảng 2,84 - 2,9 triệu tỷ đồng. Trong khi đó chi đầu tư phát triển dự kiến từ 388-410 nghìn tỷ đồng. Như vậy, UBND TP Hà Nội khẳng định, Ngân sách TP đảm bảo bố trí đối ứng cho dự án.

Hà Nội dự kiến sẽ bắt đầu trả nợ vay triển khai dự án từ năm 2026 (sau khi hoàn thành xây dựng và hết thời gian ân hạn từ 5 - 10 năm), việc trả nợ thực hiện theo chu kỳ bán niên (6 tháng một lần) trong vòng từ 20 - 30 năm, tùy thuộc vào điều kiện vay của từng nhà tài trợ.

Theo Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 mạng lưới đường sắt đô thị của TP Hà Nội bao gồm 9 tuyến. Trong đó, tuyến số 3 đoạn Trôi - Nhổn - Ga Hà Nội - Hoàng Mai có chiều dài 26km, đoạn Trôi - Cầu Giấy đi trên cao, còn lại là đi ngầm với 26 ga, giai đoạn 1 xây dựng đoạn từ Nhổn đến ga Hà Nội với chiều dài khoảng 12,5km, 12 ga và 01 đề pô tại Nhổn.

Hiện nay, TP Hà Nội đang triển khai thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 3) với nguồn vốn ODA vay của Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2009, với tổng mức đầu tư hơn 550 triệu USD (gần 8.800 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Dự án khởi công tháng 10/2011 với mục tiêu hoàn thành vào tháng 6/2014, một năm sau chính thức khai thác. Tuy nhiên, sau đó dự án lùi tiến độ vận hành đến tháng 6/2016, rồi tiếp tục lùi đến cuối năm 2016, cuối quý 2/2017.

Sau khi được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 868 triệu USD (18.000 tỷ đồng), dự án lùi đến tháng 10/1017, rồi đến tháng 2/2018, cuối năm 2018. Tháng 9/2018, dự án chạy thử nghiệm và lại lùi thời gian vận hành đến tháng 4/2019. Dịp 30/4, dự án tiếp tục lỡ hẹn, lùi đến quý 2/2019.

Theo Đời sống
back to top