Hà Nội: Hàng loạt trạm trộn bê tông gây ô nhiễm

(khoahocdoisong.vn) - Người dân phường Liên Mạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phản ánh, nhiều năm nay hàng loạt các trạm trộn bê tông hoạt động không đảm bảo các vấn đề liên quan tới công tác bảo vệ môi trường.

Khói bụi, tiếng ồn trong hoạt động sản xuất lẫn vận chuyển của các trạm trộn bê tông đã gây ô nhiễm môi trường một cách nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân trong khu vực, đồng thời vi phạm luật đê điều khi xâm phạm hành lang thoát lũ vùng sông Hồng.

Bụi phủ trắng khu dân cư

Theo người dân phường Liên Mạc, hàng loạt các trạm bê tông ở địa phương mỗi khi hoạt động là gây ra tiếng ồn lớn, khói bụi bay tán loạn vào cả nhà dân. Không những thế, những chiếc xe tải, xe bồn chở bê tông với trọng lượng hàng chục tấn chạy đi chạy lại tấp nập, khiến cho đoạn đường đê Liên Mạc phải oằn mình chống chọi với xe quá tải.

Các trạm trộn bê tông này đã vi phạm hành lang đê điều, gây mất an toàn giao thông, hư hỏng các công trình đê điều, đường xá, ảnh hưởng tới an ninh trật tự trên địa bàn. Sự việc đã diễn ra nhiều năm nay nhưng không bị các ngành chức năng xử lý triệt để.

Các trạm bê tông tại phường Liên Mạc đều bị "tố" gây ô nhiễm môi trường.

Các trạm bê tông tại phường Liên Mạc đều bị "tố" gây ô nhiễm môi trường.

Một người dân giấu tên sống gần các trạm trộn bê tông, cho biết: Tuyến đê sông Hồng đang bị nhiều doanh nghiệp, cá nhân dùng làm nơi tập kết cát, sỏi và xây dựng trạm trộn bê tông. Hàng ngày, lưu lượng xe tải, xe trộn bê tông chạy qua rất nhiều, bụi bay mù mịt, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, xâm phạm hành lang thoát lũ.

Trước thực tế đang diễn ra ở phường Liên Mạc, đa số người dân đều rất bức xúc nhưng họ không hiểu tại sao nhiều năm nay hàng loạt các trạm trộn bê tông không phép mọc lên mà không thấy chính quyền xử lý? Hầu hết các hộ dân gần khu vực trạm trộn đều bị bụi phủ trắng, cây cối hoa màu cũng mang màu trắng của bụi.

Ghi nhận của phóng viên tại phường Liên Mạc hiện có 4 trạm trộn bê tông hoạt động gồm trạm trộn bê tông Công Thanh, bê tông Việt Trung, bê tông Chèm, bê tông Việt Nga. Các trạm trộn này ra sức hoạt động sản xuất liên tục suốt ngày đêm, các phế phụ phẩm bê tông, nước thải đều được trạm xả trực tiếp ra môi trường.

Hình ảnh nhếch nhác tại con đường sau khi các be bồn vận chuyển bê tông.

Hình ảnh nhếch nhác tại con đường sau khi các be bồn vận chuyển bê tông.

Xả thải “bức tử” môi trường

Điều đáng nói là đằng sau những tấm biển đoạn cửa khẩu K51+220, K52 + 515 có ghi “Công trình phục vụ quốc phòng, an ninh – Cấm xâm phạm” là hàng loạt bến bãi tập kết vật liệu xây dựng và trạm trộn bê tông hoạt động một cách công khai.

Được biết, các công ty ở đây đã mở bến bãi bốc xếp, tập kết vật liệu xây dựng từ nhiều năm nay. Mặc dù chưa hoàn thiện các thủ tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng các công ty này vẫn vận hành bất chấp các qui định của pháp luật.

Cũng theo phản ánh của người dân, việc các trạm trộn bê tông khoan giếng ồ ạt để lấy nước phục vụ trạm trộn đã khiến nguồn nước ngầm khu vực xung quanh đang bị sụt giảm nghiêm trọng.

Được biết, mặc dù UBND TP. Hà Nội, UBND quận Bắc Từ Liêm đã có thông báo về việc tạm dừng hoạt động trạm trộn bê tông xi măng trong mùa mưa lũ, cưỡng chế các trạm trộn bê tông hoạt động không phép, gây ô nhiễm môi trường thuộc Công ty CP Thương mại Nam Thăng Long và Công ty CP Đầu tư xây lắp và Khai thác cảng từ năm 2018. Nhưng cho đến nay đã cả năm trôi qua, các trạm trộn bê tông này vẫn ngang nhiên hoạt động, và hoạt động với công suất ngày càng lớn.

Các trạm trộn bê tông tại phường Liên Mạc đã và đang gây bức xúc trong dư luận.

Các trạm trộn bê tông tại phường Liên Mạc đã và đang gây bức xúc trong dư luận.

Phạt xong lại cấp giấy phép?

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 27/6/2018, UBND phường Liên Mạc đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính số 324/BB-VPHC đối với Công ty CP Thương Mại Nam Thăng Long và Công ty CP Đầu tư xây lắp và Khai thác cảng về hành vi vi phạm: Dựng trạm trộn bê tông không có giấy phép.

Ngày 3/7/2018, UBND phường Liên Mạc đã ban hành 2 Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm nêu trên đối với 02 Công ty trên tại Quyết định số 168/QĐ-KPHQ đối với Công ty CP Thương Mại Nam Thăng Long và Quyết định số 169/QĐ-KPHQ đối với Công ty CP Đầu tư xây lắp và Khai thác cảng.

Và ngày 13/7/2018, UBND phường Liên Mạc đã ban hành 2 Quyết định cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với 2 Công ty trên (Quyết định 199/QĐ-CCXP và Quyết định số 198/QĐ-CCXP).

Ngày 14/8/2018 UBND phường Liên Mạc đã tiến hành cưỡng chế với hình thức: Tháo toàn máy nén khí của các trạm trộn bê tông thương phẩm và cắt điện cấp cho các trạm trộn bê tông trên khuôn viên đất của Công ty CP Thương Mại Nam Thăng Long và Công ty CP Đầu tư xây lắp và Khai thác cảng.

Sau biển báo cấm xâm phạm là hàng loạt trạm trộn, bãi tập kết VLXD.

Sau biển báo cấm xâm phạm là hàng loạt trạm trộn, bãi tập kết VLXD.

Tuy nhiên, từ đó đến nay các trạm trộn bê tông vi phạm này vẫn bình yên vô sự. “Sau đó thì họ được cấp giấy phép hoạt động, cho nên hoạt động của các trạm bê tông trên địa bàn là hợp pháp”, ông Nguyễn Huy Tưởng, Chủ tịch UBND phường Liên Mạc khẳng định.

“Đúng là có việc ô nhiễm môi trường từ các trạm trộn bê tông trên địa bàn. Sau mỗi lần người dân phản ánh, kiến nghị thì chúng tôi đều cho kiểm tra. Hiện, cả 4 trạm bê tông đều đã được cấp phép, còn vì sao được cấp phép hoạt động ở bãi đê hành lang thoát lũ thì đó là việc thẩm định của cơ quan cấp phép”, ông Nguyễn Huy Tưởng, Chủ tịch UBND phường Liên Mạc.

Theo Đời sống
Đắk Lắk xác minh xe có dấu hiệu quá tải

Đắk Lắk xác minh xe có dấu hiệu quá tải

Ngày 21/03, Chỉ huy Đội CSGT Công an TP Buôn Ma Thuột cho biết đang xác minh, xử lý các phương tiện vi phạm sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của báo chí. Đồng thời sẽ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát để kiểm tra, xử lý.
"Bát nháo" khai thác cát trên sông Krông Ana

"Bát nháo" khai thác cát trên sông Krông Ana

Sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ sông, tàu hết đăng kiểm vẫn hoạt động, xe chở cát có dấu hiệu "né" qua trạm cân,… là những nguyên nhân gây ra tình trạng "bát nháo" trong khai thác khoáng sản trên sông Krông Ana, Đắk Lắk.
back to top