Cục Thuế Hà Nội cũng đăng công khai lại 78 đơn vị nợ thuế, phí, tiền phạt và tiền chậm nộp "chây ì" không nộp qua các năm 2015, 2016, 2017 hoặc 2018; đứng đầu là Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại – Vinawaco 25 nợ hơn 12,8 tỷ đồng tính đến ngày 30/9/2019.
Cụ thể, trong danh sách 363 đơn vị nợ thuế, phí công khai lần đầu có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản với số nợ 61,5 tỷ đồng. Đứng đầu danh sách là 2 đơn vị Công ty CP bất động sản Thăng Long với số nợ hơn 2,7 tỷ đồng tính đến ngày 30/9/2019. Từ ngày 01/10/2019 đến ngày 08/11/2019, Công ty đã nộp 238 triệu tiền nợ, số chưa nộp là 2,5 tỷ đồng. Và Công ty CP tập đoàn Đất Việt với số nợ hơn 1,8 tỷ đồng.
Nhiều công ty hoạt động ở lĩnh vực xây dựng, bất động sản nợ thuế, phí, tiền thuê đất. |
Nhiều công ty hoạt động ở lĩnh vực xây dựng, bất động sản cũng nợ nhiều như: Công ty Xây dựng Trường Giang nợ hơn 5,8 tỷ đồng; Công ty CP Rosland nợ hơn 4,7 tỷ đồng; Công ty CP tư vấn xây dựng Xuyên Việt nợ gần 2 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng và thương mại AGS Việt Nam nợ gần 1,6 tỷ đồng; Công ty CP Xây Dựng Số 15 Thăng Long nợ 785 triệu đồng; Công ty CP đầu tư xây dựng và tư vấn bất động sản An Việt Hưng nợ 680 triệu đồng; Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings - chi nhánh Thăng Long nợ đọng 427 triệu đồng...
Theo lý giải của các chuyên gia kinh tế, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thường xuyên nằm trong danh sách nợ thuế là do lúc nào cũng trong tình trạng thiếu vốn.
Với mức lãi suất vay tiền ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp đã lên đến hơn 11%/năm. Còn nợ thuế thì không phải thế chấp, doanh nghiệp có thể sử dụng số tiền nợ thuế để kinh doanh, sản xuất.
Theo quy định, mức phạt đối với việc chậm nộp thuế hiện nay là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp, tương đương khoảng 0,9%/tháng, thấp hơn mức lãi vay đầu tư. Mức phạt này đã không đủ sức răn đe các doanh nghiệp chưa chấp hành việc thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước, điều đó khiến tình trạng nợ thuế ngày càng gia tăng.