Google sắp " khai tử" mật khẩu truyền thống

Google hiện ưu tiên passkey (mã khóa), phương thức đăng nhập bằng cách xác thực vân tay, khuôn mặt hay mã pin, thay cho mật khẩu truyền thống.

Google đang tiếp tục hướng tới việc tạo ra một tương lai trong đó mọi người sẽ không cần mật khẩu để đăng nhập vào tài khoản một cách an toàn.

Gã khổng lồ công nghệ đã công bố phương thức đăng nhập passkey sẽ là tùy chọn mặc định cho tài khoản Google cá nhân sau phản hồi tích cực từ người dùng. Công ty ra mắt Google Passkey từ tháng 5, nhưng bắt đầu triển khai đại trà trên các dịch vụ từ tháng này. Google cho biết, passkey là một giải pháp thay thế mật khẩu an toàn hơn và nhanh hơn, giúp mọi người không phải nhớ nhiều mật khẩu.

Ngoài ra, Passkey loại bỏ xác thực hai lớp vì để xác nhận bạn phải đang sở hữu thiết bị của mình. Passkey cũng sẽ giúp thao tác đăng nhập nhanh hơn gấp 4 lần.

Lợi ích của passkey là không chỉ giúp giảm bớt rắc rối khi ghi nhớ mật khẩu, mà còn có khả năng chống lừa đảo, từ đó bảo vệ người dùng khỏi các cuộc tấn công chiếm đoạt tài khoản phổ biến hiện nay.

Google cho biết trong blog: “Chúng tôi sẽ cập nhật cho bạn về những ứng dụng mà bạn có thể bắt đầu sử dụng Passkey”. “Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích người dùng chuyển hướng sang Passkey”.

Bài đăng trên của Google cũng cho biết, những người dùng thích mật khẩu truyền thống có thể từ chối sử dụng Passkey.

Google Passkey sẽ được sử dụng làm phương thức đăng nhập mặc định trên các ứng dụng gồm YouTube, Search, Maps, cũng như một số app như Uber và eBay. Ngoài ra, WhatsApp cũng sắp bổ sung tính năng này.

Khi đăng nhập tài khoản Google trên các ứng dụng, một thông báo gợi ý tạo và thiết lập passkey sẽ xuất hiện. Trong phần cài đặt, người dùng sẽ có thể lựa chọn tính năng "Skip password when possible" (bỏ qua mật khẩu khi có thể). Tuy nhiên, Google chưa loại bỏ hẳn hệ thống mật khẩu. Người dùng vẫn có thể sử dụng mật khẩu nếu muốn. Hoặc sử dụng cả mật khẩu (password) và mã khóa (passkey) cùng lúc.

Đến nay, mật khẩu vẫn là phương pháp bảo mật thông dụng vì tính tiện dụng, nhưng được đánh giá đã lỗi thời. Do cần nhớ nhiều ký tự, người dùng thường chọn các cụm chữ số dễ nhớ như "123456" hay "password". Đây cũng chính là kẽ hở để hacker khai thác.

Theo Đời sống
“Chat” với... ChatGPT

“Chat” với... ChatGPT

“Việc một nhà báo lạm dụng ChatGPT để viết báo có thể dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực, bao gồm các vấn đề về độ tin cậy, chất lượng bài viết, đạo đức nghề nghiệp và uy tín cá nhân…”, ChatGPT trả lời câu hỏi của phóng viên.
back to top