Trước đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết, sau gần 2 tháng triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, chưa có hồ sơ doanh nghiệp nào đề nghị vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động được phê duyệt, mặc dù đơn vị này đã nhận được khoản tiền 16.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước. Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do điều kiện để doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi theo quy định tại Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quá khắt khe.
Theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, doanh nghiệp phải có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ 1/4 đến hết 30/6/2020; gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động; đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc và không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm 31/12/2019.
Nhiều doanh nghiệp phản ánh, hầu hết đều cố cầm cự sản xuất bằng cách giãn ca, luân phiên sản xuất nên vẫn phát sinh doanh thu. Đồng thời, doanh nghiệp vẫn bố trí kinh phí và thỏa thuận trả lương giãn việc, ngừng việc cho người lao động. Mặt khác, khi lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ, doanh nghiệp phải chứng minh tài chính nên khiến cho doanh nghiệp e ngại ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, dẫn tới không chủ động trong việc lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho người lao động.
Trước thực trạng trên, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết đang đề xuất sửa đổi khoản 2 Điều 13 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg. Sửa tiêu chí doanh nghiệp: “Đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc”, thành “doanh thu quý 1/2020 giảm từ 20% trở lên so với quý 4/2019 hoặc so với cùng kỳ năm 2019”. Các quy định khác vẫn được giữ nguyên. Hiện, Bộ LĐ-TB&XH đang chờ ý kiến từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp, sau đó, sẽ trình Thủ tướng xem xét, quyết định.