Giáo sư “đam mê” với ký sinh trùng, nặng lòng bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm

Hơn 40 năm đam mê chuyên ngành ký sinh trùng, đến nay dù đã về hưu nhưng bệnh nhân liên quan đến ký sinh trùng vẫn bủa vây lấy TTND.GS.TS Nguyễn Văn Đề.

Hầu như bệnh nhân đến với ông đều ngỡ ngàng vì tác hại vô cùng to lớn của ký sinh trùng. Từ trước đến nay, người ta cứ nghĩ ký sinh trùng chỉ là con giun trong ruột, là hiện tượng bình thường mà không biết hàng trăm bệnh gây ra từ ký sinh trùng.

Say mê, cuốn hút vì người bệnh nghèo

Sinh ra và lớn lên tại vùng nông thôn nghèo thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, ước mơ của Nguyễn Văn Đề thủa thiếu thời là trở thành một viên chức để thoát cảnh chạy ăn hàng ngày. Vì vậy, từ nhỏ khi đi chăn trâu, ông đã miệt mài học tập. Năm 1970, Nguyễn Văn Đề là một trong sáu học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi Toán miền Bắc (cấp quốc gia thời bấy giờ).

Sự nỗ lực của Nguyễn Văn Đề được đền đáp, ước mơ thành hiện thực khi ông thi đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội, khóa 1973-1979.

Giáo sư “đam mê” với ký sinh trùng, nặng lòng bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm ảnh 1

Giáo sư “đam mê” với ký sinh trùng, nặng lòng bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm

TTƯT.GS.TS Nguyễn Văn Đề tâm sự, khi bước vào trường Y, mỗi sinh viên đều mong muốn khi ra trường sẽ được khám chữa bệnh trực tiếp cho bệnh nhân. Ít ai nghĩ sau này, mình sẽ trở thành những bác sĩ cận lâm sàng, hay nghiên cứu khoa học cơ bản, ví dụ như chuyên ngành Ký sinh trùng.

Năm 1978, sau khi học hết Y5, Nguyễn Văn Đề là một trong những sinh viên đạt điểm cao trong kỳ thi nội trú và được GS Đỗ Dương Thái nhận vào lớp bác sĩ nội trú đầu tiên của Bộ môn Ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội.

Thời gian đầu, Nguyễn Văn Đề khá bỡ ngỡ và chưa thực sự say mê vì cho rằng chuyên ngành Ký sinh trùng không có gì đáng phải quan tâm. Tuy nhiên, khi thực sự “dấn thân” ông mới thấy, với Việt Nam quả thật ký sinh trùng là một vấn đề nan giải.

Với bề dày kinh nghiệm về Ký sinh trùng, GS.TS Nguyễn Văn Đề được đề bạt là Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng Trường Đại học Y Hà Nội, xây dựng phòng xét nghiệm tại Đại học Y Hà Nội. Ông đã biên soạn giáo trình đào tạo bác sĩ, thạc sĩ và tiến sĩ và hướng dẫn nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, BSCK2....

Ông tâm sự: Tôi rất yên tâm khi nhận được sự hướng dẫn của GS Đỗ Dương Thái – một người thầy hết sức mẫu mực và là tấm gương nghề cho các học trò noi theo. Đặc biệt, trước GS Đỗ Dương Thái còn có thầy lớn về chuyên ngành ký sinh trùng là GS Đặng Văn Ngữ, tuy không được thầy trực tiếp giảng dạy nhưng qua đồng nghiệp, tôi biết GS Ngữ là một tấm gương tuyệt vời.

Năm 1982, tốt nghiệp khóa bác sĩ nội trú chuyên khoa ký sinh trùng, BS Nguyễn Văn Đề được GS Đỗ Dương Thái là Phó Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương nhận về công tác tại Viện. Sự kiện đánh dấu bước ngoặt khi ông quyết định lựa chọn đi sâu nghiên cứu về giun sán ký sinh trên cơ thể người.

Nhiễm bệnh do ký sinh trùng vốn là căn bệnh khá phổ biến ở các nước nhiệt đới đang phát triển như nước ta. Đặc biệt, trong khám lâm sàng, bệnh do ký sinh trùng hay bị chẩn đoán nhầm với bệnh khác dẫn đến nhiều hệ lụy cho bệnh nhân, gia đình và xã hội. Trong khi đó, nếu chẩn đoán đúng nguyên nhân gây nên bệnh ký sinh trùng thì vấn đề trở nên đơn giản.

Một số biểu hiện của ký sinh trùng

Một số biểu hiện của ký sinh trùng

Các cán bộ trong ngành thường nói vui rằng, cán bộ nghiên cứu về ký sinh trùng giống như những anh bộ đội, họ đi từ địa phương này sang địa phương khác. Để nghiên cứu, khám chữa bệnh, ông thường lên các vùng sâu xa, vùng dân tộc thiểu số ở Hòa Bình, Lào Cai, Lai Châu…

Càng đi nhiều nơi, ông càng thấy đời sống của người dân hết sức khó khăn, dân trí thấp, ăn uống sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh nên mắc nhiều bệnh do ký sinh trùng gây nên. Chính sự chân chất trong khó khăn của bà con vùng cao đã khiến ông nặng lòng và ông nhận thấy được vai trò của chuyên ngành ký sinh trùng với chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Điều đó đã thúc giục ông tích cực và say mê cuốn hút ông vào những công trình nghiên cứu phục vụ sức khỏe người dân.

“Thế kỷ 20 nỗi ám ảnh về bệnh ký sinh trùng là sốt rét, nhất là sốt rét ác tính. Bắt đầu sự nghiệp, tôi đã giúp cho bệnh viện Chợ Quán (nay là Viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh) cứu sống nhiều bệnh nhân sốt rét ác tính đã hôn mê sâu. Lúc đó (1980), bệnh sốt rét còn phổ biến hầu khắp cả nước, ngay cả TP Hồ Chí Minh, nhưng nay do hoạt động tốt của chương trình phòng chống sốt rét quốc gia và WHO tài trợ nên đã khống chế được bệnh” - GS.TS Nguyễn Văn Đề cho biết.

Ảnh xquang em bé 3 tuổi bị tràn dịch đa màng: Màng bụng, màng tim, màng phổi do sán lá gan lớn

Ảnh xquang em bé 3 tuổi bị tràn dịch đa màng: Màng bụng, màng tim, màng phổi do sán lá gan lớn

Tổn thương tại gan do sán lá gan ở bệnh nhi 3 tuổi

Tổn thương tại gan do sán lá gan ở bệnh nhi 3 tuổi

Hiện nay bệnh giun sán mới là bệnh ký sinh trùng cần được quan tâm. Giun đường ruột như giun đũa, giun tóc, giun móc/mỏ phổ biến trên toàn quốc.

Tuy vậy những loài giun ký sinh trong mô, tạng còn nguy hiểm hơn nhiều. Trong thời gian 25 năm làm việc, cống hiến tâm sức tại Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương, GS.TS Nguyễn Văn Đề đã đi sâu nghiên cứu về giun sán ký sinh trên cơ thể người. Năm 1995, ông cùng với Viện trưởng xin Bộ Y tế thành lập Khoa Khám bệnh chuyên ngành ký sinh trùng do ông làm trưởng khoa (nay là bệnh viện Đặng Văn Ngữ).

Đặc biệt, ông đã xác định được sự phân bố của một số loài nguy hiểm như: sán lá gan lớn Fasciola phân bố trên 63/63 tỉnh thành, sán lá gan nhỏ Clornorchis/Opisthorchis phổ biến ít nhất 32 tỉnh thành cùng với sán lá ruột nhỏ Haplorchis/Echinostoma, sán lá ruột lớn Fasciolopsis ở 16 tỉnh thành, sán lá phổi Paragomimus lưu hành ở 10 tỉnh miền núi phía Bắc.

Giun đũa chó/mèo Toxocara, giun đầu gai Gnathostoma, giun lươn não Angiostrongylus, giun lươn ruột Strongyloides phân bố trên toàn quốc. Giun xoắn Trichinella đã xảy ra 5 ổ bệnh ở Yên Bái, Điện Biên(2), Sơn La, Thanh Hóa với 8 ca tử vong. Sán dây chó Echinococcus phân bố rải rác. Sán máng Schistosoma có 4 ca ngoại lai từ Angola về....

Ân nhân giải cứu cho nhiều bệnh nhân hiểm nghèo

Theo GS.TS Nguyễn Văn Đề, bệnh Ký sinh trùng hết sức nguy hiểm vì chúng có khả năng ký sinh bất kỳ cơ quan phủ tạng nào của con người: từ ruột, gan, tim, phổi, thận, não, mắt, cơ…chúng không những chiếm thức ăn, gây tổn thương tại chỗ mà còn gây rối loạn toàn thân dẫn đến tử vong.

Đặc biệt bệnh ký sinh trùng gây nhiều triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng tương tự với bệnh khác dẫn đến nhiều trường hợp chẩn đoán nhầm đáng tiếc xảy ra.

Trong quá trình công tác, ông đã chữa trị cho hàng trăm bệnh nhân sán lá phổi bị chẩn đoán nhầm là lao phổi phải điều trị lao hàng chục năm, có bệnh nhân phải điều trị lao 30 năm (1969-1999), có bệnh nhân phải mổ cắt phổi mới biết do sán lá phổi, trong lúc đó điều trị sán lá phổi chỉ 2 ngày.

Nhiều bệnh nhân u gan bị chẩn đoán nhầm ung thư gan, trong đó có bệnh nhân ở Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh và TP Vinh, Nghệ An bệnh viện Trung ương chẩn đoán ung thư gan giai đoạn cuối trả về nhà nhưng gia đình thuê xe 115 chở ra nhờ tôi cứu chữa đã được xác định chẩn đoán nhầm và chữa khỏi hoàn toàn.

Có bệnh nhân ở Đài TH bị sán lá gan lớn nhưng chẩn đoán đau dạ dày để hậu quả vỡ gan phải cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Vì u gan do sán lá gan lớn dễ nhầm với u do nguyên nhân khác đặc biệt là ung thư nên năm 2005-2010 bệnh viện Việt Đức gửi toàn bộ bệnh nhân u gan nhập viện cho tôi sàng lọc cho kết quả 34% là u do sán lá gan lớn, điều trị khỏi không phải mổ.

Ngoài ra, có bệnh nhân sán lá gan lớn biểu hiện đặc biệt như 2 chị em gái ở Thanh Oai, Hà Nội bị sán lá gan lớn, trong đó có em bị sán chui ra khớp gối, có em 4 tuổi vào Viện Nhi Trung ương do sán lá gan lớn chui thủng đại tràng, hay bệnh nhân 50 tuổi ở Tuyên Hóa, Quảng Bình bị sán lá gan lớn chui ra da ngực rồi chui vào vú.

Hoặc ổ bệnh giun xoắn nhiều bệnh nhân tử vong do chẩn đoán nhầm với bệnh xoắn khuẩn Leptospira như ở Tuần giáo, Điện Biên; Bắc Yên Sơn La; Mường Lát, Thanh Hóa. Hoặc nhiều bệnh nhân nhức đầu, thậm chí hôn mê sâu như bệnh nhân 19 tuổi ở Thanh Hóa (cấp cứu A9 Bạch Mai) và bệnh nhân 80 tuổi ở Nghệ An, không tìm được nguyên nhân, khi tôi hội chẩn xác định giun lươn não và cho uống thuốc qua sonde, bệnh nhân tỉnh dần và khỏi.

GS.TS Nguyễn Văn Đề thăm khám cho bệnh nhân

GS.TS Nguyễn Văn Đề thăm khám cho bệnh nhân

Có bệnh nhân nữ 35 tuổi ở Hà Tĩnh bị liệt nửa người, chẩn đoán nhầm với xuất huyết não, khi chụp MRI thấy nhiều u trong não, tôi đã xác định là giun đầu gai và đã chữa khỏi.

Hoặc nhiều bệnh nhân sẩn ngứa/mề đay chữa mãi không khỏi nhưng khi tôi xác định do ký sinh trùng lại chữa khỏi.

Đặc biệt có 4 người đi Angola về đều bị đái ra máu, trong đó có một người bị chẩn đoán nhầm là ung thư bàng quang và cắt bỏ bàng quang gây nhiễm trùng nặng sau phẫu thuật, ba người còn lại được tôi chẩn đoán sán máng và chữa khỏi hoàn toàn.

Hoặc nhiều trường hợp xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn nhưng trong đó nhiều trường hợp do giun sán mà y văn chưa đề cập …

Đến nay, dù đã về hưu nhưng GS.TS Đề vẫn khám và tư vấn miễn phí bệnh ký sinh trùng cho người dân và hàng ngày ông vẫn đón tiếp rất nhiều những bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng.…

Với những đóng góp, cống hiến ý nghĩa, đáng trân trọng trong chặng đường 40 năm, TTNSD.GS.TS Nguyễn Văn Đề đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ GD & ĐT trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, Chiến sĩ thi đua Toàn quốc, Kỷ niệm chương Vì sức khỏe Nhân dân; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Giáo dục; nhiều Bằng khen của Bộ Y tế, của Thủ tướng Chính phủ, Bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam; Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước, Thầy thuốc Nhân dân....

Theo Đời sống
Vi khuẩn Salmonella và E.coli nguy hiểm thế nào?

Vi khuẩn Salmonella và E.coli nguy hiểm thế nào?

So với E.coli, ngộ độc do Salmonella triệu chứng nặng và nguy hiểm hơn. Để đảm bảo sức khỏe, nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn, bạn nên đi khám khi có dấu hiệu sốt cao kèm tiêu chảy, mất nước, đau bụng dữ dội,...
back to top