Giải quyết hai điểm nghẽn để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

Dung lượng thị trường và chênh lệch giá thành giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu đang là hai điểm nghẽn, thách thức lớn nhất hiện nay của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Giải quyết hai điểm nghẽn để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam ảnh 1Người tiêu dùng quan tâm đến các mẫu xe tại một triển lãm ô tô ở Việt Nam. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Đây là khẳng định của Bộ Công Thương trong báo cáo về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và đề xuất các giải pháp trong thời gian tới để tập trung giải quyết 2 điểm nghẽn này của ngành công nghiệp ô tô.

Theo Bộ Công Thương, dung lượng thị trường và chênh lệch giá thành giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu cũng như chênh lệch chi phí sản xuất với các quốc gia trong khu vực đang là hai điểm nghẽn, thách thức lớn nhất hiện nay của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Hiện tại, quy mô thị trường ô tô Việt Nam mới chỉ bằng 1/3 của Thái Lan và 1/4 của Indonesia. Thị trường nhỏ, bị phân tán bởi nhiều nhà lắp ráp và nhiều model khác nhau khiến cho các công ty sản xuất (cả sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất linh kiện phụ tùng) rất khó đầu tư, phát triển sản xuất hàng loạt.

Mặt khác, GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua chưa đủ để đa số người dân có thể sở hữu ô tô cũng như thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển, tạo ra lợi nhuận. Hệ thống giao thông yếu kém (mà chủ yếu do tổ chức giao thông kém) cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới cầu của thị trường, làm cho nhu cầu về sử dụng ô tô của nền kinh tế chưa lớn.

Bên cạnh điểm nghẽn về thị trường, hiện nay chi phí sản xuất ô tô trong nước cao hơn các quốc gia trong khu vực từ 10 – 20% khiến giá thành xe sản xuất trong nước chịu nhiều bất lợi so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN trong bối cảnh hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, bởi 2 nguyên nhân chính.

Đó là dung lượng thị trường hiện tại của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn nhỏ, nên không tận dụng được lợi thế kinh tế theo quy mô của ngành, khiến các chi phí cao hơn so với các nước ASEAN khác vốn đã có thị trường và ngành công nghiệp ô tô đi trước rất lâu.

Bên cạnh đó, các linh kiện, phụ tùng để sản xuất, lắp ráp ô tô hầu hết phải nhập khẩu từ nước ngoài – phải chịu thêm các chi phí đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo hiểm… từ đó ảnh hưởng đến giá thành của xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Để khắc phục các điểm nghẽn nêu trên, Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan đề xuất, triển khai một số giải pháp.

Theo đó, về giải pháp tạo dựng thị trường, Bộ Công Thương đề xuất quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng xe ô tô của người dân, đặc biệt tại các đô thị lớn như thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, có các biện pháp hợp lý bảo đảm sự phát triển minh bạch, lành mạnh của thị trường ô tô trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại. Đồng thời đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước trong vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, có thể xem xét, cân nhắc một số giải pháp khác để phát triển thị trường như chính sách cho vay ưu đãi mua ô tô trong nước; rà soát các loại thuế, phí liên quan đến ô tô trên toàn chuỗi giá trị để điều chỉnh theo hướng thuận lợi hoá sản xuất và tiêu dùng ô tô, phát triển lành mạnh thị trường ô tô trong nước.
Về giải pháp tháo gỡ vướng mắc về chênh lệch chi phí sản xuất giữa ô tô trong nước và ô tô nhập khẩu, Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục duy trì và triển khai có hiệu quả Chương trình ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng cho hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô và Chương trình ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP để hỗ trợ các doanh nghiệp giảm chi phí lắp ráp ô tô trong nước.

Cùng với đó là nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng áp dụng chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô kèm theo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao sản lượng sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước.

Giải quyết hai điểm nghẽn để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam ảnh 2Một góc triển lãm ô tô ở Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong năm 2020 tổng doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên chỉ đạt 296.634 xe, giảm 8% so với năm ngoái.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, ngoại trừ tháng 3 có doanh số bán hàng nhiều nhất với 30.935 xe, tăng đến 127% so với tháng trước, thì các tháng còn lại đều có doanh số giảm, từ 3% đến 45%.

Cụ thể, tháng 1/2021 doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 26.432 xe, giảm 45%; tháng 2/2021 đạt 13.585 xe, giảm 22%; tháng 4/2021 đạt 30.065 xe, giảm 3% và tháng 5 doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 15.585 xe, giảm 15% so với tháng trước.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP ngày 28/6/2020 về việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020. Nhờ đó, giá xe lăn bánh giảm từ 15 triệu đến gần 300 triệu đồng và đã hâm nóng thị trường ô tô sau thời gian dài ảm đạm vì đại dịch COVID-19.

Tiếp đó, VAMA kiến nghị Bộ Tài chính xem xét giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe đăng ký mới để tháo gỡ khó khăn cho thị trường ô tô trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biế, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Bộ đã trình Chính phủ nhiều chính sách giãn, giảm, gia hạn thuế.

Do đó, Bộ Tài chính cho rằng đề nghị giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô đăng ký mới là không phù hợp với bối cảnh hiện nay. Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp thuộc VAMA thực hiện theo quy định hiện hành về chính sách lệ phí trước bạ.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ cập nhật số liệu, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và diễn biến, tác động của đại dịch COVID-19 để phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền các chính sách phù hợp để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển./.

Theo bnews.vn
Có gì mới trong macOS Sequoia?

Có gì mới trong macOS Sequoia?

Apple đã chính thức giới thiệu macOS 15 Sequoia, phiên bản mới nhất của hệ điều hành dành cho máy Mac. macOS Sequoia là một bản cập nhật miễn phí, có thể được tải xuống trên các dòng máy.
back to top