Giải ngân đầu tư công: Có tiền nhưng không tiêu được!

Tính đến hết tháng 10/2021, việc giải ngân vốn đầu tư công cả nước chỉ đạt 56% kế hoạch. Vậy trong vòng chưa đầy 2 tháng cuối năm, cách nào để các bộ, ngành, địa phương hoàn thành giải ngân 44% vốn còn lại.

Thách thức giải ngân 44% vốn đầu tư công

Báo cáo cuối tháng 9/2021 của Bộ KH&ĐT cho thấy, chỉ 4 bộ, 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%. 76/114 ban, bộ, cơ quan trung ương, địa phương dưới mức trung bình cả nước (47%), có cơ quan chưa giải ngân được đồng nào. Thậm chí, 9 bộ, ngành xin trả lại hơn 8.000 tỷ đồng vốn ODA. Đến hết tháng 10/2021, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt gần 56% kế hoạch 2021 Thủ tướng giao, thấp hơn khoảng 11% so với cùng kỳ 2020.

Bên cạnh đó, thời gian vừa qua nhiều chương trình đầu tư quốc gia vẫn chưa được phân bố, ví dụ như 16.000 tỷ đồng cấp cho Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, 56.000 tỷ cấp cho các địa phương.

Với tỷ lệ vốn công cần giải ngân trong những tháng còn lại năm nay khoảng 44% là thách thức rất lớn, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm rất cao mới có thể giải ngân hết theo kế hoạch.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, rất nhiều đại biểu đã nêu thực trạng của vấn đề này. Tuy nhiên, cũng chưa rõ trách nhiệm thuộc về cơ quan Trung ương hay địa phương, trong khi đó cơ chế pháp luật khá hoàn chỉnh.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan giải thích cho việc giải ngân vốn đầu tư công chậm.

Trong đó có những nguyên nhân đã tồn tại cố hữu từ lâu gồm: Công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu; thay đổi chính sách và quy định; năng lực chủ đầu tư, nhà thầu; tính chất đặc thù của chi đầu tư, niên độ ngân sách nhà nước là 1 năm, giao kế hoạch vốn đầu năm, quyết toán cuối năm, nên kế hoạch thực hiện, thi công xây dựng các công trình, dự án cũng phụ thuộc vào kế hoạch vốn…

Ngoài ra, năm 2021 là năm chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ và kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự gắn với đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội, HĐND, UBND các cấp; năm đầu tiên của một chu kỳ kế hoạch mới, với ưu tiên đầu tư công tập trung chủ yếu vào công tác chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới;… cũng là nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công còn gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 khiến nhiều địa phương phải giãn cách xã hội nhiều tháng. Bên cạnh đó, dịch bệnh khiến giá nhiên vật liệu tăng cao, thiếu lao động, chi phí đối ứng tăng cao.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, để khắc phục tình trạng này thì tổ chức thực hiện vẫn là khâu chính. Bởi hiện nay Bộ KH&ĐT đã phân cấp phần lớn quyền quyết định về lựa chọn dự án giải ngân, tỷ lệ giải ngân, thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn… về các bộ, ngành và địa phương.

dautucongcham.jpg

Việc giải ngân vốn đầu tư công hàng loạt tại nhiều bộ, ngành, địa phương chậm.

Kiên quyết xử lý trách nhiệm

Theo PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chính phủ cần yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị nghiêm túc tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công và khẩn trương đẩy nhanh tiến độ những dự án, nhiệm vụ chưa hoàn thành.

Việc quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay và trách nhiệm trả nợ cần được gắn với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân ra quyết định đầu tư từ các khâu lập kế hoạch đến kiểm tra giám sát thẩm định. Cần kiên quyết xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân có năng lực chỉ đạo điều hành, quản lý yếu kém, gây cản trở, làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công so với kế hoạch đã được phê duyệt.

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cho rằng, để khắc phục các thực trạng trên, góp phần tăng hiệu quả sử dụng nợ công, Chính phủ cần tập trung kiểm soát dịch bệnh nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; nghiên cứu điều chỉnh, đơn giản hóa các thủ tục pháp lý và hành chính liên quan tới giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện và giải quyết các nút thắt trong giải ngân vốn đầu tư công cần được đẩy mạnh theo hướng đề cao vai trò, trách nhiệm của những người đứng đầu, nhanh chóng xử lý những cá nhân, đơn vị không đủ năng lực, làm chậm tiến độ giải ngân. Việc xây dựng cơ chế phân bổ vốn đầu tư công linh hoạt để nhanh chóng điều chuyển nguồn vốn tới các dự án tùy theo tiến độ thực hiện và mức ảnh hưởng của dịch bệnh trong bối cảnh hiện tại cũng cần được coi là một nhiệm vụ cấp bách, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ký quyết định thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đến ngày 31/10/2021 dưới 60% kế hoạch được giao do các Phó Thủ tướng Chính phủ và một số Bộ trưởng làm Tổ trưởng.

“Năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt kỷ lục 98%. Cùng môi trường thể chế như nhau nhưng sao đơn vị giải ngân cao, đơn vị giải ngân thấp? Doanh nghiệp, người dân đều mong có gói kích thích mới, trong khi tiền chúng ta có còn chưa tiêu hết, năng lực hấp thu vốn của chúng ta như thế nào?", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói tại Kỳ họp 2, Quốc hội khoá XV vừa diễn ra.

“Cần kiên quyết xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân có năng lực chỉ đạo điều hành, quản lý yếu kém, gây cản trở, làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công so với kế hoạch đã được phê duyệt”, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top