Giải mã bí quyết trường thọ ở “làng nhỏ” An Giang

Nằm ven bờ sông Hậu, thuộc cù lao Nhơn An (xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) có một ngôi làng được nhiều người gọi là “làng trường thọ”. Nơi đây có nhiều cụ sống trên 100 tuổi và là nơi “độc” nhất Việt Nam từng có hơn 10 cụ sống 117 tuổi.

Lao động thay thể dục

Ông Nguyễn Văn Thứng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Nhơn Mỹ (huyện Chợ Mới, An Giang) cho biết, toàn xã có 1.785 cụ ông, cụ bà từ 60 tuổi trở lên. Riêng ấp Nhơn An có nhiều cụ cao tuổi nhất với 85 cụ trên 80 tuổi. Trong số những cụ vừa qua đời, có 3 cụ bà trên 100 tuổi, trong đó có cụ Nhộng cao tuổi nhất, 112 tuổi. So với trước đây, con số này là rất khiêm tốn, bởi ấp Nhơn An từng có hơn 10 cụ sống tới 117 tuổi.

Ông Nguyễn Văn Sơn (Trưởng ấp Nhơn An) cũng cho hay, từ 3 đời trở lại đây, người dân ấp Nhơn An trung bình đã sống thọ hơn trước rất nhiều. Tuổi cao nhưng hầu hết mọi người có lối sống rất trẻ trung và có sức khỏe đặc biệt. Họa hoằn lắm mới có cái chết trẻ ở ấp Nhơn An thì đều là bệnh hiểm, tai nạn lao động, tai nạn giao thông. Thanh niên trong ấp đi làm ăn xa, thiếu lao động trầm trọng nên các cụ dù ngưỡng 70 - 80 tuổi vẫn là thành phần lao động chính của ấp. Tầm tuổi ấy vẫn chưa phải là già, nhiều cụ đi làm công, sức vóc thanh niên còn theo không kịp.

Đi tìm bí quyết trường thọ, dạo quanh làng phóng viên bắt gặp những lò gạch nghi ngút khói, người lao động trong làng làm việc nhộn nhịp. Đáng nói là công nhân trong các lò gạch đều ở độ tuổi "thất thập", nhiều cụ ở tuổi xưa nay hiếm. Dù đã ở tuổi 76, ông Huỳnh Văn Tiến vẫn đẩy xe ba gác chở đầy ắp đồ đạc chạy băng băng ngoài đường. Cụ Phạm Văn Lương (75 tuổi) nhưng đang giữ danh hiệu "lao động tiên tiến" năng suất cao của lò gạch.

Nhìn cụ Tiến và cụ Lương làm việc, ai cũng ngỡ họ mới ở độ tuổi tứ tuần. Các cụ cho biết, ở đây trên 80 tuổi vẫn còn làm việc "ngon lành" nên chủ lò họ vẫn cứ thuê. Nhiều cụ, kinh tế gia đình khá giả, con cái muốn cha mẹ được nghỉ ngơi nhưng các cụ vẫn quyết đi làm, để cuộc sống không nhàm chán, có bầu có bạn và cũng để tập luyện cho sức khỏe dẻo dai. Cụ Lương dí dỏm khoe, chúng tôi lao động, vừa có tiền, vừa khỏe người, đỡ mất thời gian tập thể dục lại hạn chế rượu chè tối ngày.

Những tưởng các cụ chỉ làm chơi cho khuây khỏa tuổi già, nhưng thu nhập từ việc làm chân tay của các cụ thuộc hàng khá cao. Cụ Lương, cụ Tiến mỗi ngày công lao động ở lò gạch cả 500.000đ. Các cụ đi phun thuốc trừ sâu độc hại hơn thì lương cả triệu bạc mỗi ngày. Thu nhập ổn định, có đồng ra đồng vào, không phụ thuộc con cái, giúp các cụ sống no ấm, hạnh phúc hơn.

Cụ Nguyễn Thị Triêu cho biết, bí quyết sống trường thọ là làm từ thiện và giữ tinh thần luôn vui tươi.Cụ Nguyễn Thị Triêu cho biết, bí quyết sống trường thọ là làm từ thiện và giữ tinh thần luôn vui tươi.

Bí quyết trường thọ

Nằm ven bờ sông Hậu, ấp Nhơn An thanh bình với những lò gạch cuộn khói, vườn ruộng xanh tươi, lục bình trôi lững lờ… Khi được hỏi về bí quyết sống thọ, cụ Lê Thị Kiềm, trong tốp bô lão sống trọn một thế kỷ nhanh nhẹn cho biết, có lẽ bí quyết chính là cuộc sống đơn giản, thanh bình nơi đây. Cụ Kiềm cho biết thích ăn cá lóc đồng với tép rang khô và cơm trắng. Thực đơn hằng ngày của cụ cũng đơn giản như bao người dân miền sông nước ở trong ấp. Cụ Kiềm chưa phải nhập viện điều trị lần nào, thi thoảng cảm sốt thì đi khám và uống vài ngày thuốc là khỏi.

Ông Nguyễn Văn Thứng chia sẻ, hiện vùng đất Nhơn An có nhiều gia đình cả cha mẹ, con cái đều sinh hoạt trong Hội Người cao tuổi. Con trai cụ Đoàn Văn Chấn thọ 117 tuổi là cụ Tiển (90 tuổi) hiện vẫn khỏe mạnh, tinh nhanh, chưa hề có dấu hiệu của tuổi già. Cụ vẫn còn vác dao phăng phăng đi đốn cây về làm củi và cuốc đất chẳng thua kém mấy đứa chắt trong dòng họ. Ở ấp Nhơn An, chuyện cụ ông 70 tuổi cưới vợ cũng là bình thường, chẳng ai bàn tán. Họ cho đó là điều nên làm với những cụ ông đơn thân mà vẫn còn sức khỏe. Cụ Nguyễn Văn Luyên (75 tuổi) hóm hỉnh tiết lộ: "Với chúng tôi, dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng cuộc sống vẫn chẳng khác thời trẻ là bao. Chuyện tình yêu, vợ chồng vẫn mặn nồng không kém".

Đi tìm lời giải cho bí quyết trường thọ của người dân ấp Nhơn An, chúng tôi nhận thấy, nơi đây có phong trào tập dưỡng sinh và ngồi thiền. Tuy nhiên, phong trào này mới xuất hiện một thời gian ngắn trong khi "truyền thống" sống thọ đã có cả thế kỷ. Người dân trong ấp cũng không giàu có, an nhàn, từ thời trẻ đến lúc già đều lao động chân tay vất vả mưu sinh. Do vậy, nhiều người ví von, có khi nghèo khổ, lao động vất vả chính là bí quyết trường thọ.

Một số cụ cho rằng, cuộc sống miền sông nước nghèo, con người Nhơn An cũng an phận với hoàn cảnh, chẳng bon chen với ai, lao động chân chính kiếm sống, lại nằm dưới chân đất Phật (núi Cấm), nên người dân ít buồn phiền, sống vui vẻ hòa nhã. Ai có ưu phiền thì lên chùa thắp nén nhang, nghe bài kinh… lại thấy lòng thanh thản.

Ông Trần Văn Dũng (Phó trưởng ấp Nhơn An) cho biết, từ năm 2015, những người cao niên trong ấp đã đứng ra thành lập nhóm hốt thuốc từ thiện, thành viên đều có tuổi đời trên 80. Mỗi ngày, các cụ đi tìm dược liệu rồi chặt thuốc đem phơi, bào chế, đóng gói… cung cấp cho các phòng khám từ thiện. Hàng ngày các cụ bảo nhau giữ thói quen ăn uống điều độ, chịu khó vận động, rảnh là đi làm từ thiện, sống thảnh thơi, tâm nhẹ nhàng nên cả làng sống thọ.

Ông Nguyễn Văn Sơn cũng cho biết thêm, thực đơn thường ngày của bà con trong ấp khá đơn giản, thường chỉ rau với cá. Cá bắt trực tiếp dưới sông Hậu. Cù lao Nhơn An hứng trọn luồng chảy từ sông Mê Kông về. Vào mùa lũ, hàng ngàn loại tôm cá đổ vào, tràn lên các cánh đồng ngập nước, đẻ trứng, sinh con, rồi khi nước rút lại men theo các kênh rạch trở về sông Cả. Người dân nơi đây thường chặn kênh rạch, vào mùa bắt được nhiều đến nỗi cá tôm ăn không hết, làm nước mắm, có khi đổ thành từng đống để làm... phân bón. Ngoài món cá, người dân còn dùng rau sạch do gia đình tự trồng trong vườn nhà, rất ít khi phải mua thực phẩm từ chợ. Vì thế, có lẽ ăn "sạch", lao động chăm chỉ, sống không bon chen, không đố kỵ chính là bí quyết khiến người dân Nhơn An trường thọ.

Lao động được cho là bí quyết sống thọ.

Lao động được cho là bí quyết sống thọ.

Theo số liệu thống kê mới nhất, xã Nhơn Mỹ có 477 cụ trong độ tuổi 80 trở lên. Trong đó, ấp Nhơn An có tới 83 cụ, 13 cụ từ độ tuổi 90 - 100; 3 cụ trên 100 tuổi. Cụ cao tuổi nhất chạm mốc 112 tuổi.

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top