Giải bài toán khó tích tụ ruộng đất, thu hồi đất

(khoahocdoisong.vn) - Ngày 8/7, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức diễn đàn Khuyến nghị một số nội dung trọng tâm cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Đất đai 2013.

Tích tụ đất đai là tất yếu

Theo TS Nguyễn Đình Bồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam, quá trình tích tụ ruộng đất của hộ gia đình ở Việt Nam đang diễn ra với quy mô nhỏ, việc sử dụng đất nông nghiệp manh mún theo quy mô hộ tiểu nông sản xuất tự cấp tự túc chiếm ưu thế làm cho việc sử dụng đất kém bền vững và ít hiệu quả. Số liệu ước tính cho thấy, bình quân diện tích đất sản xuất nông nghiệp/hộ gia đình sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2005 - 2020 đạt 0,94 - 1,21 ha/hộ, đất lúa 0,39 - 0,47ha/hộ.

Các đại biểu đóng góp ý kiến tại diễn đàn.

Các đại biểu đóng góp ý kiến tại diễn đàn.

Tương tự, quy mô tập trung ruộng đất ở nước ta còn nhỏ. Các hình thức dồn điền đổi thửa đặc biệt xây dựng cánh đồng lớn với các mô hình liên doanh liên kết khác nhau áp dụng chủ yếu đối với đất sản xuất nông nghiệp trồng cây hàng năm (lúa, ngô, mía) và  trồng cây lâu năm, chăn nuôi gia súc quy mô nhỏ.

PGS.TS Nguyễn Thị Nga (Trưởng Bộ môn Luật Đất đai, Đại học Luật Hà Nội) trong tham luận gửi tới diễn đàn nêu rõ, pháp luật hiện hành về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp đã được quy định, song chưa thực sự rõ ràng, cụ thể, thiếu những quy định hoặc có những quy định chưa phù hợp đã làm cho việc thực thi trên thực tế gặp nhiều khó khăn, nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Đơn cử, Luật Đất đai 2013 quy định nhiều phương thức tập trung, tích tụ đất đai để tổ chức phát triển sản xuất nông nghiệp nhưng lại chưa có quy định để hướng dẫn thực hiện đầy đủ và cụ thể, nhất là chính sách khuyến khích áp dụng các phương thức mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng ít có tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất.

Thực tế, thời gian qua mỗi địa phương thực hiện cách thức tích tụ và tập trung khác nhau, với cơ chế quản lý và kiểm soát khác nhau trên cơ sở sự thống nhất của chính quyền địa phương với nhà đầu tư và người nông dân không phản đối. Thực hiện đó mang tính thử nghiệm. Vì vậy, một số địa phương hoạt động không hiệu quả, rủi ro nhưng không phân định được trách nhiệm thuộc về ai, cuối cùng, người nông dân vẫn là người thiệt thòi nhất.

Bởi vậy, bà Nga đề nghị phải có khái niệm rõ ràng, cụ thể về tích tụ và tập trung đất nông nghiệp để người dân và doanh nghiệp, người thực thi pháp luật về vấn đề này không bị nhầm lẫn, nhằm thực hiện đúng, đầy đủ và có hiệu quả vấn đề này trên thực tế. Tránh tình trạng lợi dụng khái niệm chưa cụ thể, mục đích không rõ ràng để đầu cơ, thâu tóm đất nông nghiệp ở các vùng nông thôn. Quy định rõ các nguyên tắc, cụ thể điều kiện để thực hiện tích tụ và tập trung đất đai.

Khiếu kiện nhiều nhất là về bồi thường, thu hồi đất

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, theo quy định của luật, thu hồi đất thuộc thẩm quyền HĐND cấp tỉnh nhưng trong thực tế, quyền thu hồi đất này chỉ nằm ở một số đơn vị tham mưu và người có chức có quyền thiếu hẳn quy chế công khai minh bạch, dân chủ, giám sát của cộng đồng, đa số trường hợp thực hiện theo cơ chế xin-cho, không đấu thầu gây tổn thất rất lớn, tạo điều kiện cho tham ô, tham nhũng và lợi ích nhóm. Bên cạnh đó, các tiêu chí thu hồi cũng chưa được quy định rõ ràng khiến việc thu hồi đất diễn ra tràn lan, mọi đối tượng đều có thể bị thu hồi. Bởi vậy, cần có các tiêu chí thu hồi đất để tránh tình trạng chiếm đoạt lợi ích của nhóm người hộ gia đình bị thu đất để giao cho chủ đầu  tư khác chiếm dụng quyền sử dụng để kinh doanh kiếm lời.

Về thu hồi đất, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, cần xác định khung quy định để các văn bản hướng dẫn tuân thủ, phù hợp với thực tiễn Nhà nước đã có nhiều hình thức công nhận khác nhau, nhất là khi cải tạo đô thị hiện hữu (như thu hồi, thu mua, góp vốn..). Mỗi trường hợp cần có phương án bồi thường hỗ trợ khác nhau, trong sửa đổi luật lần này cần xác định nguyên tắc chung và cơ quan quyết định có thẩm quyền để sửa các thông tư hướng dẫn như thông tư 37/2017/TT-BTNMT.

Nói thêm về vấn đề thu hồi đất, ông Phan Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) cho biết, các Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Nghị định 01/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai của Chính phủ đã thu hẹp phạm vi chuyển dịch đất đai tự nguyện.  Các dự án đầu tư đều thực hiện theo cơ chế Nhà nước thu hồi đất (chuyển dịch đất đai bắt buộc), như vậy cơ chế chuyển dịch đất đai tự nguyện trên thực tế không còn giá trị.

Nhiều dự án được thành lập, người dân vì nhiều lý do như không đủ năng lực, trình độ, kỹ thuật để vào làm ở dự án nên bị đẩy ra đường. Bản thân doanh nghiệp không có nghĩa vụ phải "nuôi" người dân nên  đã gây ra nhiều biến động không hồi kết.

Ông đề nghị cơ chế Nhà nước thu hồi đất chỉ áp dụng cho các dự án đầu tư công không sinh lợi. Nhà nước bồi thường bằng đất cùng loại, hoặc bằng đất khác loại, nhà ở, cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc bằng tiền có giá trị tương đương tùy theo sự lựa chọn của người bị thu hồi đất.

Bên cạnh đó, giá đất áp dụng để tính toán giá trị bồi thường phải do tổ chức định giá đất độc lập thực hiện; Hội đồng thẩm định phải có đủ thành phần, kể cả đại diện người bị thu hồi. Phải tham khảo ý kiến của các tổ chức xã hội, chuyên gia, người dân về việc giải quyết hợp lý việc tái định cư.

Theo Đời sống
Thu hồi Bath Gel - MM Professional của Công ty Mỹ Nguyên

Thu hồi Bath Gel - MM Professional của Công ty Mỹ Nguyên

Sản phẩm Bath Gel - MM Professional (chai 35ml, số lô 19/10/2023; ngày sản xuất 19/10/2023) của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Mỹ Nguyên (Công ty Mỹ Nguyên) bị Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc.
back to top