Giá vàng “nhảy múa”, kinh tế Việt Nam có ảnh hưởng?

Giá vàng SJC vừa được điều chỉnh vượt mức 90 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia cho rằng, giá vàng cứ tăng mãi sẽ ảnh hưởng nền kinh tế.

Đấu thầu không phải giải pháp phù hợp bình ổn thị trường vàng

Đến 12h ngày 15/5, giá vàng SJC trong nước lại tăng vượt mức mức 90 triệu đồng mỗi lượng sau phiên giảm giá hôm 14/5.

Vàng SJC vọt tăng lên 92 triệu đồng/lượng sáng 15/5.
Vàng SJC vọt tăng lên 92 triệu đồng/lượng sáng 15/5.

Ghi nhận của PV Khoa học và Đời sống sáng 15/5, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng ở mức 87,7-90,2 triệu đồng mỗi lượng. Trong khi đó, Tập đoàn DOJI niêm yết ở ngưỡng 87,7 - 89,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tại Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở ngưỡng 87,8 - 90,0 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Theo nhận định của TS Đinh Thế Hiển, giá vàng trong nước đang tăng do chịu 3 yếu tố tác động cùng lúc.

Thứ nhất, giá vàng thế giới tăng do bất ổn của kinh tế, chính trị.

Thứ hai, trong nhiều năm nay, không có khung vàng miếng ở thị trường nội địa, trong khi nhu cầu mỗi năm đều có và đặc biệt nhu cầu tăng mạnh trong năm 2022, 2023 - thời điểm thị trường bất động sản suy thoái, dòng tiền “chảy” nhiều vào kênh đầu tư vàng.

Thứ ba, lãi suất tiết kiệm giảm cũng là nguyên nhân gián tiếp khiến nhu cầu mua vàng tăng mạnh, từ đó đẩy giá vàng trong nước tăng nhanh và tăng cao hơn cả giá vàng thế giới.

Dù mục tiêu của đấu thầu vàng vẫn là hạ nhiệt giá, giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam và thế giới, nhưng việc đấu thầu chưa diễn ra thành công, cũng như chưa có lượng cung vàng trên thị trường để hạ nhiệt nhu cầu. Vì vậy, giá vàng vẫn tăng. Sắp tới, khi nguồn cung vẫn còn khan hiếm, giá vàng sẽ còn tăng.

Rõ ràng, đấu thầu không phải giải pháp phù hợp cho quản lý thị trường vàng, cụ thể ở đây là giảm giá vàng trong nước xuống mức hợp lý so với giá vàng thế giới.

Trên thực tế, đấu thầu vàng là cách để Ngân hàng Nhà nước cung lượng vàng ra với một mức giá không bị trách nhiệm. Có thể hiểu nôm na, nếu Ngân hàng Nhà nước cung giá thấp quá, có thể bị trách nhiệm; ngược lại cung giá cao quá cũng bị trách nhiệm.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước mới dùng biện pháp đấu thầu để giảm trách nhiệm về xác định giá. Cách làm này về bản chất không giải quyết được yếu tố chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, mà chỉ đưa được giá vàng ra ở mức sát nhất với thị trường qua đấu thầu.

“Vàng tăng giá vì chịu ảnh hưởng của vàng thế giới, lãi suất tiết kiệm giảm, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản suy yếu… khiến cung không đủ cầu. Do đó, chỉ cần lượng vàng được tung ra một cách có kế hoạch, từng bước sẽ dần dần đáp ứng được nhu cầu nhất định cho người dân và làm giá vàng trên thị trường hạ nhiệt”, TS Đinh Thế Hiển nói.

Lo tác động xấu đến nền kinh tế

Ông Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - phân tích trên báo chí rằng, giá vàng tăng mãi tác động tới tâm lý rất lớn. Điều này khiến dân tìm cách mua vàng để tích trữ và bảo toàn. Như vậy, một lượng vốn lớn không đi vào sản xuất kinh doanh.

“Giá vàng tăng một cách vô lý, tăng giá do độc quyền. Ông không nhập khẩu về hay nói cách khác là ngăn sông cấm chợ”, ông Nghĩa nói và cho rằng nếu cho nhập khẩu và quản lý qua hải quan điện tử, thuế sẽ khiến giá vàng hạ nhiệt.

Hình ảnh ghi nhận bên trong một tiệm vàng tại Hà Nội chiều 10/5.
Hình ảnh ghi nhận bên trong một tiệm vàng tại Hà Nội chiều 10/5.

Nói về câu chuyện đấu thầu vàng để hạ nhiệt giá vàng, ông Nghĩa không đồng tình. “Đấu thầu không phải biện pháp để tăng nguồn cung. Quan trọng nhất tăng nguồn cung là cho phép ngân hàng thương mại, doanh nghiệp vàng được xuất nhập khẩu vàng, Nhà nước chỉ nên kiểm soát bằng thuế. Nếu cho phép nhập khẩu vàng, ngay lập tức trong một tuần, giá vàng trong nước và thế giới sẽ liên thông. Nhập khẩu vàng từ Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan… về Việt Nam rất nhanh”, ông Nghĩa nói.

Diễn biến giá vàng SJC tại DOJI những phiên gần đây. Đơn vị: Triệu đồng/lượng.
Diễn biến giá vàng SJC tại DOJI những phiên gần đây. Đơn vị: Triệu đồng/lượng.

Theo tính toán của Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu vàng trong nước khoảng 50 tấn/năm, nếu nhập khẩu tốn khoảng 3 tỷ USD - con số không quá lớn. Chưa kể, cho phép xuất nhập khẩu vào chính thức sẽ khuyến khích được xuất khẩu vàng nữ trang, giúp thị trường cân bằng được ngoại tệ.

Về nỗi lo vàng hóa, theo chuyên gia này, Ngân hàng Nhà nước đã tách vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng (cấm vàng trở thành tiền gửi và cho vay trong hệ thống ngân hàng) nên vàng hóa đã kết thúc, không cần lo lắng về vấn đề này.

Phó Thủ tướng yêu cầu thanh tra thị trường vàng trong tuần này

Ngày 14/5, tại cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan về quản lý thị trường vàng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cử các cán bộ có năng lực, am hiểu thực tế tham gia Đoàn thanh tra liên ngành. Qua thanh, kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm, phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan công an xử lý.

Tiếp đó, tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo công tác dân nguyện tháng 4, tham gia ý kiến vào báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, tổ chức sáng 15/5, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết, thời gian qua, tình hình biến động giá vàng rất phức tạp. Bộ Công an đã nắm bắt tình hình, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ nhiều vấn đề, đặc biệt là kiến nghị các giải pháp quan trọng liên quan an ninh tiền tệ, quản lý thị trường vàng.

Theo Đời sống
Thanh long rớt giá chỉ còn 2.000 đồng/kg

Thanh long rớt giá chỉ còn 2.000 đồng/kg

Dù là sản xuất trái vụ, nhưng giá thanh long tại tỉnh Bình Thuận chỉ được thương lái thu mua xô (mua hết vườn, không kể lớn nhỏ) ở mức 2.000 - 3.000 đồng/kg.
back to top