Giá vàng lao dốc không phanh do chịu áp lực từ nhiều yếu tố. Đầu tiên là do giá dầu thô giảm mạnh và giao dịch ở mức 103 USD/ thùng. Việc giá dầu thô quay đầu lao dốc được cho là hệ quả sau khi Trung Quốc công bố phong tỏa thành phố Thượng Hải để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19
Kim loại quý mất giá còn do do lợi suất trái phiếu Mỹ và giá đôla Mỹ tăng đột biến. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm hôm qua lên cao nhất kể từ tháng 4/2019, chốt ở mức 2.452%, nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi mạnh tay để đối phó lạm phát.
Đồng đôla hôm qua cũng tăng 0,4%, khiến vàng đắt đỏ hơn với những người nắm giữ tiền tệ khác. Vai trò công cụ trú ẩn của kim loại quý còn chịu sức ép trước kỳ vọng về cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.
Mặc dù có diễn biến khá tiêu cực, nhưng dường như việc vàng giảm giá không làm giảm đi sự lạc quan của các nhà đầu cơ trên thị trường kim loại quý. Nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là một trong những đợt điều chỉnh giảm như thường lệ trước xu hướng tăng trong ngắn hạn của vàng.
Jim Wycoff – nhà phân tích cấp cao tại Kitco Metals cho rằng, đà giảm của vàng đã bị chặn lại vì lo ngại lạm phát.
Trên thị trường dầu thô, giá trong phiên châu Á sáng nay tiếp tục đi xuống sau khi đã giảm 7% phiên đầu tuần. Nguyên nhân lo ngại đại dịch tái bùng phát ở Trung Quốc gây sức ép lên nhu cầu.
WTI hiện giảm 1,3% xuống 105 USD một thùng. Hôm qua, giá dầu này giảm 7%. Dầu Brent cũng mất 1,7% sáng nay, về 110,5 USD sau khi giảm gần 7% phiên trước đó.
Ở thị trường trong nước, sáng nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 68,6 - 69,32 triệu đồng/ lượng (mua vào - bán ra).
Vàng DOJI niêm yết giá vàng ở mức 68,5 - 69,3 triệu đồng/ lượng.
Phú Quý SJC niêm yết giá vàng ở mức 68,5 - 69,3 triệu đồng/ lượng, giảm 200.000 đồng/ lượng chiều mua vào và 50.000 đồng/ lượng chiều bán ra so với chốt phiên gần nhất.