Ghi nhận nền nhiệt cao kỷ lục trong tháng 5 tại Hà Nội

Hà Nội bắt đầu nắng nóng đỉnh điểm vào lúc giữa trưa và đầu giờ chiều, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến gần 40 độ C.

Theo thông tin từ Phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết ngày 17/5 vừa qua, nắng nóng đặc biệt gay gắt đã xảy ra trên phạm vi toàn thành phố Hà Nội, 100% số trạm trên địa bàn Thủ đô ghi nhận mức nhiệt tối cao trên 39 độ C.

Riêng 2 trạm Láng và Hà Đông còn ghi nhận lần lượt 41.0 và 41.3 độ C. Đây là mức nhiệt cao nhất cả nước trong ngày 17/5 và cũng là cao nhất vào tháng 5 trong lịch sử quan trắc của trạm Hà Đông.

Trưa ngày 17/5, Hà Nội bắt đầu nắng nóng cục bộ trở lại. Đỉnh điểm nắng nóng vào lúc giữa trưa và đầu giờ chiều, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến gần 40 độ C. Ảnh: Trần Hải.

Trưa ngày 17/5, Hà Nội bắt đầu nắng nóng cục bộ trở lại. Đỉnh điểm nắng nóng vào lúc giữa trưa và đầu giờ chiều, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến gần 40 độ C.

Ảnh: Trần Hải.

Nguyên nhân của nắng nóng kỷ lục đợt này ở Hà Nội là vùng thấp nóng phía Tây với tâm thấp khơi sâu nằm ngay ở Đông Bắc Bộ, lại mở rộng về phía đông nên kéo gió Phơn khô nóng (hay còn gọi là gió Lào) vượt Trường Sơn và Hoàng Liên Sơn tràn lên đến đồng bằng Bắc Bộ, thêm với đó là trường phân kỳ trên cao ôm trọn Bắc và Trung Bộ.

Nóng bức ở Hà Nội được gia tăng thêm do hiệu ứng đảo nhiệt đô thị từ bê tông, đường nhựa... nên không khó hiểu nên trở thành chảo lửa của cả nước hôm nay. Hôm nay hình thế gây nóng trên tiếp tục hoạt động ổn định, thời tiết và mức nhiệt sẽ tương tự hôm nay.

Dự báo từ ngày 19/5 đến cuối tuần này, mức độ nắng nóng có khả năng giảm nhẹ, nhiệt độ cao nhất ngày 36-38 độ C. Đến đầu tuần sau, cao điểm nắng nóng quay trở lại, 39-40 độ C.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, nắng nóng gay gắt đến đặc biệt gay gắt khả năng còn kéo dài, người dân lưu ý các biện pháp bổ sung nước, chống nắng để bảo vệ sức khỏe. Bên cạnh đó, nên sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý để hạn chế sự cố do quá tải điện trong thời tiết nắng nóng./.

Để bảo đảm việc cung ứng điện, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản 2466/BC-EVN ngày 15/5/2023 kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo công tác sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn. Đẩy mạnh truyền thông về tình hình cung ứng điện khó khăn trong năm 2023 trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương để các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người dân biết, cùng chia sẻ khó khăn và tăng cường thực hành tiết kiệm điện.

Trong đó, EVN kiến nghị tăng cường các giải pháp về tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện phi thương mại (DR).

Theo đó, các đơn vị hành chính sự nghiệp tiết kiệm điện năng tiêu thụ hằng tháng 10% so với cùng kỳ. Các trường học, bệnh viện, bệnh xá, trạm xá, khu điều dưỡng tiết kiệm điện năng tiêu thụ hằng tháng 5% so với cùng kỳ.

Các đơn vị chiếu sáng công cộng áp dụng các biện pháp để tiết kiệm điện năng tiêu thụ hằng tháng 50% so với cùng kỳ.

Các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời vào ban đêm, tuân thủ các quy định về chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả...

Chỉ đạo/thông báo đến các khách hàng sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các khách hàng có mức tiêu thụ điện lớn, thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện (DR) theo Thông tư số 23/2017/TT-BCT ngày 16/11/2017 của Bộ Công Thương, khi có thông báo của đơn vị điện lực. Tăng cường công tác truyền thông đối với các hộ sử dụng điện sinh hoạt để các hộ chủ động giảm nhu cầu tiêu thụ, không đặt nhiệt độ điều hòa dưới 26 độ C...

Theo Đời sống
back to top