Gần 190.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn nửa cuối 2023: DN xoay sở ra sao?

Theo tính toán của Công ty Chứng khoán VNDirect, nửa cuối năm nay, tổng giá trị trái phiếu phải đáo hạn là 187.311 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là trái phiếu của ngành bất động sản và ngân hàng.

Theo báo cáo mang tên “La bàn đầu tư” tháng 6 với chủ đề “sẵn sàng nắm bắt cơ hội” vừa công bố, Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, sau khi loại trừ các trái phiếu được mua lại trước hạn đến ngày 23/05/2023 thì trong tháng 6 này, thị trường có hơn 35.530 tỷ đồng TPDN đáo hạn, tăng gấp đôi so với tháng 5/2023.

Công ty cổ phần sông Hồng đã thông báo chậm thanh toán 105 tỷ đồng tiền gốc và lãi của lô trái phiếu SHHCH2125001

Công ty cổ phần sông Hồng đã thông báo chậm thanh toán 105 tỷ đồng tiền gốc và lãi của lô trái phiếu SHHCH2125001

Bất động sản, ngân hàng áp đảo

Trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 187.311 tỷ đồng. Phần lớn giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với 96.820 tỷ đồng, chiếm 51.7%, theo sau là nhóm ngân hàng với 31.661, chiếm 16.9%.

Cũng theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect, tính đến ngày 23/05/2023, có khoảng 62 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN theo thông báo của HNX.

Theo ước tính của VNDirect, tổng dư nợ TPDN của các doanh nghiệp chậm thanh toán nợ này vào khoảng 157.710 tỷ đồng, chiếm khoảng 14,4% dư nợ TPDN toàn thị trường. Ngoài ra, có hơn 45.200 tỷ đồng TPDN của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 19,4% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.

Doanh nghiệp “bất lực” dòng tiền

Trong bối cảnh thị trường địa ốc còn nhiều khó khăn, từ đầu tháng 6 tới nay, nhiều doanh nghiệp phải xin chậm thanh toán lãi, gốc hoặc gia hạn thời gian thanh toán của các lô trái phiếu đến hạn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngày 24/6 vừa qua, Công ty CP Sông Hồng Hoàng Gia đã thông báo chậm thanh toán 105 tỷ đồng tiền gốc và lãi của lô trái phiếu SHHCH2125001 với lý do doanh nghiệp chưa thu xếp kịp nguồn lực thanh toán. Trong khi đó, ngày thanh toán của lô trái phiếu này là 20/6/2023.

Cũng với lý do trên, ngày 22/6, CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland, mã: NVL) cũng đã thông báo gia hạn lô trái phiếu giá trị 1.000 tỷ đồng phát hành vào tháng 9/2022 thêm 21 tháng kể từ ngày đáo hạn 19/6/2023. Novaland cho biết lãi suất trái phiếu áp dụng từ ngày 19/6 đến ngày cuối cùng của kỳ hạn trái phiếu điều chỉnh sẽ cố định tại mức 11,5%/năm.

Ngoài ra, Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát (Hưng Lộc Phát) thông báo trái chủ đã thống nhất chấp thuận thay đổi một số điều khoản, điều kiện của 150 tỷ đồng trái phiếu mã HLPCH2223001. Cụ thể, Hưng Lộc Phát công bố kéo dài kỳ hạn của trái phiếu đến ngày 21/9/2024 và tổ chức phát hành được quyền mua lại trái phiếu trước hạn khi chủ động được nguồn tài chính. Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu mới cũng thay đổi tăng lên 14%/năm cho kỳ hạn từ ngày 21/06/2023 đến ngày 21/09/2024 (lãi suất cũ là 12%/năm).

Đáng chú ý, ngày 13/6/2023, Công ty TNHH Saigon Glory đã gửi công bố thông tin về việc chậm thanh toán gốc của lô trái phiếu SGL-2020.01 lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Saigon Glory cho biết chưa thể có nguồn tài chính để thanh toán ngay tiền gốc của các lô trái phiếu. Đồng thời, công ty này đề xuất người sở hữu trái phiếu (NSHTP) cho phép được gia hạn việc thanh toán gốc trái phiếu theo phân kỳ.

Theo các chuyên gia nhận định, mức lãi suất sau khi gia hạn thời gian thanh toán trái phiếu thường cao hơn so với thời điểm phát hành và ở mức 12% đến hơn 14%, cao hơn cả mặt bằng chung lãi suất cho vay của ngân hàng.

Chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh cho biết, trước tiên việc doanh nghiệp phải đàm phán lại thời gian trả lãi, gốc hoặc gia hạn thời gian đáo hạn trái phiếu là trường hợp bất khả kháng. Bởi việc phải trả lãi suất cao hơn so với thời điểm phát hành cũng như lãi suất cho vay của ngân hàng khiến chi phí giá vốn trở nên đắt đỏ.

Cũng theo vị này, việc doanh nghiệp xin đàm phán lại thời gian thanh toán cho thấy họ nhìn nhận khả năng trả nợ của mình sẽ tốt hơn trong thời gian tới. Mặt khác, việc thời gian trả nợ càng dài lãi suất càng cao là lẽ đương nhiên. Bởi thời gian giữ trái phiếu càng lâu thì khả năng nhà đầu tư gặp phải rủi ro sẽ càng lớn. Thông thường các rủi ro sẽ phát sinh từ những biến động về giá, tình trạng lạm phát hoặc sự suy thoái kinh tế. Do đó, các doanh nghiệp sẽ phải nâng cao mức lãi suất với những loại trái phiếu có thời hạn đáo hạn dài nhằm bù đắp những tổn thất về tài chính có thể xảy ra với nhà đầu tư.

“Nếu thị trường bất động sản phá băng, tinh thanh khoản của các trái phiếu huy động tăng lên, từ đó khả năng thanh toán của nhà phát hành với trái chủ giá cũng tăng theo. Đây sẽ là tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung”, ông Thịnh nhận định.

Theo VietnamDaily
back to top