Cụ thể, từ tháng 12/2020, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã bố trí chi kinh phí cho hoạt động kinh tế đường sắt là khoảng 2.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, Cục Đường sắt Việt Nam vẫn chưa thể ký hợp đồng đặt hàng với 20 công ty cổ phần đường sắt, thông tin tín hiệu đường sắt thực hiện bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thực hiện quản lý, giám sát bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Nguyên nhân là chưa có đủ cơ sở pháp lý để 2 bên thương thảo nội dung Dự thảo Hợp đồng đặt hàng do Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất. Trong đó, việc triển khai ký hợp đồng bị vướng rất nặng về Luật Đấu thầu, Luật Đường sắt, Nghị định số 46/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và cần có thông tư hướng dẫn giao nhiệm vụ cho từng chủ thể có liên quan đến công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Trước đó, hồi tháng 4/2020, VNR đã có văn bản gửi bộ chủ quản và Chính phủ phản ánh về tình trạng 20 công ty cổ phần đường sắt, thông tin tín hiệu đường sắt có nguy cơ dừng hoạt động vì không có kinh phí. Trước đây, nguồn kinh phí này được trích từ ngân sách, giao trực tiếp cho VNR, và VNR bố trí cho các doanh nghiệp này. Tuy nhiên nguồn vốn này không thể chuyển từ Bộ giao thông sang VNR do VNR đã chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNR đề xuất Thủ tướng Chính phủ (trên cơ sở thẩm quyền pháp luật cho phép) xem xét, chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế cho công tác quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 cho Tổng Công ty như năm 2019 và các năm trước đó.