Chất lượng thuốc không đạt
Trước đó, tháng 8/2019, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh Tây Ninh đã có kết luận về lô thuốc viên nén Ceteco Melocen 7,5 (Meloxicam 7,5mg) do TW3 sản xuất không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan.
Ngày 13/11/2019, Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM đã có công văn gửi Cục Quản lý Dược, báo cáo kết quả lô thuốc viên nén Ceteco Melocen 7,5 trên được xác định là vi phạm mức độ 3.
Theo đó, Cục Quản lý Dược yêu cầu TW3 phải thu hồi và hủy toàn bộ lô thuốc không đạt chuẩn chất lượng nêu trên có SĐK VD-20132-13, số lô 01/280318, HD 280321. Sau 1 năm, đầu tháng 11/2020, Cục Quản lý Dược đã ban hành quyết định xử phạt đối với TW3 liên quan tới lô thuốc trên. TW3 phải nộp phạt 50 triệu đồng và thu hồi, hủy toàn bộ lô thuốc trên.
Thuốc Ceteco Melocen 7,5 bị thu hồi và hủy bỏ. |
Theo thông tin thuốc được giới thiệu trên trang web duoctw3.com, Ceteco Melocen 7,5 (Meloxicam 7,5mg) là thuốc thuộc nhóm kháng sinh và kháng viêm, có tác dụng chữa đau, viêm khớp.
Không chỉ sản xuất thuốc kém chất lượng, TW3 còn nhập khẩu và phân phối thuốc không đạt chất lượng và bị xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể, ngày 20/8/2020, Cục Quản lý Dược đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với TW3, do công ty này đã nhập khẩu và phân phối một loạt thuốc điều trị bệnh tiêu hóa, thuốc giảm đau không đạt chuẩn. Thậm chí có thuốc điều trị viêm loét dạ dày không đạt yêu cầu chất lượng mức độ 2. Có nghĩa, những thuốc điều trị này có thể ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị và an toàn khi sử dụng.
Những loại thuốc không đạt chuẩn chất lượng mà TW3 đã nhập khẩu và phân phối là: H.Pykotif Kit (thuốc nhóm tiêu hóa) do Công ty Cure Medicines (Ấn Độ) sản xuất, dung dịch pha hỗn hợp Cefpodoxime proxetel 100mg (kháng sinh) của Công ty XL Laboraties - Ấn Độ, thuốc giảm đau, hạ sốt (NSAID) Coldrid được nhập từ Công ty Medly Pharmaceuticals - Ấn Độ và Pantosyl do Công ty Sycom Formulations - Ấn Độ sản xuất.
Theo quyết định của Cục Quản lý Dược, TW3 buộc phải thu hồi toàn bộ số thuốc trên đã phân phối. Từ đó, TW3 phải tái xuất hoặc hủy toàn bộ số thuốc kém chất lượng đã nhập khẩu. Đồng thời, TW3 bị xử phạt 100 triệu đồng và cấm nhập khẩu thuốc trong thời hạn 6 tháng.
Tháng 5/2018, Công ty này tiếp tục bị thanh tra sau sự việc bị thu hồi thuốc vào tháng 3. Ngày 4 - 5/5, Đoàn Thanh tra của Cục Quản lý Dược đã thực hiện kiểm tra dây chuyền sản xuất của TW3. Kết luận kiểm tra cho thấy, điều kiện sản xuất thuốc viên nén, viên bao phim, viên bao đường, viên nang cứng, thuốc bột, thuốc cốm của công ty đã không đáp ứng được yêu cầu theo nguyên tắc, tiêu chuẩn của GMP – WHO. Vào ngày 5/6, Cục Quản lý Dược có văn bản yêu cầu TW3 tạm ngưng dây chuyền sản xuất thuốc trên trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày ký công văn.
Dường như chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nên TW3 đã coi nhẹ các quy định của pháp luật, liên tiếp vướng mắc “lùm xùm” liên quan đến chất lượng thuốc và dây chuyền sản xuất. Trong khi, thuốc là một hàng hóa đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng và người dân.
Tài chính lao dốc
Trong vòng 2 năm trở lại đây, tình hình kinh doanh của TW3 có dấu hiệu đi xuống rõ rệt, khi lợi nhuận sau thuế giảm tới 96% trong năm 2018 và tiếp tục giảm thêm 21% vào năm 2019.
Từ năm 2017 về trước, lợi nhuận ròng của TW3 luôn được đảm bảo con số trên dưới 2 tỷ đồng. Thậm chí, TW3 đã báo lãi ròng tới 4,7 tỷ đồng trong năm 2017. Bước sang năm 2018, mặc dù doanh thu bán hàng tăng, nhưng giá vốn cao, các chi phí tăng mạnh, lợi nhuận khác lại giảm. Những kết quả kinh doanh trên đã kéo lợi nhuận ròng của TW3 lao dốc, giảm xuống còn 203 triệu đồng. Tiếp đà giảm, kết quả kinh doanh của TW3 trong năm 2019 còn 159 triệu đồng.
Lợi nhuận ròng của TW3 qua các năm (Đvt: triệu đồng). |
Tài sản của TW3 cũng giảm đáng kể qua các năm. Trong vòng 5 năm gần đây, tài sản của TW đã giảm tới 30%, từ 276 tỷ đồng (năm 2015) xuống con 181 tỷ đồng vào cuối năm 2019. Tại thời điểm 31/12/2019, tài sản ngắn hạn của TW3 đạt 169 tỷ đồng, chủ yếu gồm các khoản nợ phải thu nhiều hơn 111 tỷ đồng và 54 tỷ đồng hàng tồn kho. Trong đó, công nợ phải thu của khách hàng hơn 108 tỷ đồng, đến từ các bệnh viện lớn.
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn sở hữu bình quân (ROE) của TW3 theo đó cũng giảm “không phanh” từ 22,1% trong năm 2017 xuống còn 0,9% trong năm 2018 và 0,7% trong năm 2019. Tỷ suất sinh lời trên vốn dài hạn của công ty cũng giảm từ 36% trong năm 2017 xuống 7,7% trong 2 năm gần đây.
Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản bình quân (ROA) của TW3 trong năm 2017 đạt 2,4%, sang năm 2018 và 2019 chỉ còn 0,1%.
Tiền hàng bị đọng lại chỗ khách hàng, nên TW3 phải quay vòng kinh doanh bằng cách tăng cường “mua chịu”, đẩy số nợ phải trả người bán tăng thêm 105% so với năm trước, tăng từ 77 tỷ đồng nợ người bán trong năm 2018 lên 137 tỷ đồng trong năm 2019.
Dòng tiền lưu chuyển thuần trong kỳ là âm 191 triệu đồng, do công ty tập trung đầu tư mua sắm tài sản cố định và phải chi trả nợ gốc vay nhiều. Vì vậy, khả năng chi trả nợ ngắn hạn từ lưu chuyển tiền thuần trong kỳ là không có, đạt giá trị âm 0,12%.
Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E) của TW3 là 743%, tức nợ phải trả cao gấp 7 lần số vốn của công ty. Theo các chuyên gia tài chính, tỷ lệ nợ trên vốn quá cao như vậy có nghĩa doanh nghiệp đang quá phụ thuộc vào vay nợ. Tài sản của công ty được hình thành từ nợ thay vì được tài trợ bởi vốn chủ sở hữu. Do đó, công ty dễ gặp rủi ro tài chính khi bị “va đập” từ khủng hoảng nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Với mức lợi nhuận ngày càng đi xuống trong thời gian gần đây, cộng thêm việc phải nộp phạt và bị tịch thu thuốc thành phẩm của công ty trên toàn quốc, các cổ đông khó mà an tâm với số vốn đã đầu tư vào TW3.
Được biết, cổ đông lớn nhất của TW3 hiện là Tổng Công ty Dược Việt Nam – Công ty CP nắm giữ 65% cổ phần, tiếp theo đó là Công ty CP Dược phẩm Ceteco USA nắm giữ 10% cổ phần, Ông Trương Thoại Nhân hiện đang là Chủ tịch HĐQT/KTT/Phó TGĐ nắm giữ 9% cổ phần (tính đến 31/12/2019).