Được như người ta…

Người mẹ ôm đứa con nhỏ bị bệnh, cảm động nhận quà và tiền chúng tôi mang đến. Chị rất thật thà kể: “Mấy hôm nay nhiều người cũng đến thăm và cho tiền mẹ con em. Có chị thương con bé quá, còn cho 3 triệu và cả thuốc nữa. Có tiền, hôm qua em vừa phong bì cho bác sĩ một triệu”.

Tôi hỏi: “Thế người ta có nhận không?”. Chị hớn hở khoe: “Có. May quá bác ấy nhận cho. Đỡ tủi thân. Con người ta thì lần nào vào cũng có phong bì cho bác sĩ, con nhà em ở đây lâu rồi mà chưa cảm ơn được. Thôi thì mình cũng cố được như người ta”…

Tôi nghe mà bực quá. Bực vì vị bác sĩ nào đó lại nỡ nhận tiền của trường hợp đáng thương như mẹ con chị. Bực vì chúng tôi đã hết lòng hết sức quyên góp, vận động mọi người được một số tiền để cháu bé chữa bệnh, để mẹ con chị có tiền ăn, tiền thuê nhà, đảm bảo những cái tối thiểu nhất để chữa bệnh lâu dài, chứ đâu phải để chị đưa phong bì cho bác sĩ cho bằng được người nọ, người kia.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/bang-nguoi-ta-300x1811.jpg

Hình minh họa.

Cái tâm lý muốn được bằng chị bằng em ấy lắm lúc chỉ là cái thói sĩ diện hão. Một thanh niên ở quê lên thành phố, đòi bằng được bố mẹ mua cho cái xe máy đắt tiền, cái điện thoại đời mới để được bằng bạn bằng bè. Một cô gái con nhà nghèo mới đi làm, phải vay tiền để mua váy áo hàng hiệu để đồng nghiệp khỏi coi thường…

Rồi ngay cả cái sự phấn đấu mua nhà đẹp, xe sang, cho con đi du học… nhiều khi cũng không hẳn phải là nhu cầu bức thiết, mà chỉ là cố để được bằng người ta. Điều đó có thể là động lực khiến người ta phải phấn đấu, nhưng cũng lại chính là cái khiến ta luôn cảm thấy không hài lòng với mình, không hạnh phúc với những cái mình đang có. Nó khiến người ta không biết mình là ai.

Câu chuyện của chị, tôi thấy giống với việc người ăn xin được người ta cho tiền để mua một cái bánh mì thì lại dùng tiền ấy để đi sơn móng tay vậy. Nó lố bịch và kệch cỡm thế nào ấy. Nó khiến người ta chẳng còn muốn giúp đỡ mình nữa.

Mình đang là người cùng khổ nhất trong xã hội, không nhà không cửa, ốm đau bệnh tật, phải sống nhờ vào lòng thương của những người hảo tâm. Ai chả biết thế. Mình không bằng được những người có tiền của, có điều kiện vào đây chữa bệnh, điều đó rõ ràng quá rồi, việc gì phải cố để được như họ.

                                                                                               Minh Anh

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top