Dược Mekophar kinh doanh kém dần đều

(khoahocdoisong.vn) - Theo Báo cáo tài chính quý 4/2020 của Công ty CP Hóa - Dược phẩm Mekophar (Mekophar - Mã chứng khoán: MKP) được công bố gần đây, lợi nhuận công ty tiếp tục lao dốc, sụt giảm mạnh nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.

Mekophar được thành lập từ năm 1975, tiền thân có tên gọi là Xí nghiệp Dược phẩm trung ương 24, trực thuộc Tổng Công ty Dược Việt Nam. Đến năm 2002, công ty chính thức đổi tên thành Công ty CP Hóa - Dược phẩm Mekophar, có số vốn điều lệ ban đầu là 36 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2020, số vốn điều lệ của công ty là 232,5 tỷ đồng sau 7 lần tăng vốn. Hoạt động chính của công ty là sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dược - mỹ phẩm. Ngoài ra, Mekophar cũng lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản, đầu tư.

Có thể nói, năm 2014 là năm “thăng hoa” của Mekophar, khi ghi nhận mức lãi trước thuế lên tới 217 tỷ đồng. Từ năm 2015, hoạt động kinh doanh bắt đầu đi xuống, lợi nhuận giảm 38%, còn 135 tỷ đồng.

Năm 2020, hoạt động kinh doanh của Mekophar vẫn chưa có dấu hiệu chững lại đà sụt giảm. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 57,7 tỷ đồng, giảm 33% so với năm 2019.

Một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của Mekophar giảm mạnh đến từ chi phí quản lý doanh nghiệp và bán hàng tăng nhanh đột biến. Trong khi đó, doanh thu bán thuốc thành phẩm gần như đi ngang, không có sự tăng trưởng.

Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Mekophar đạt 1.500 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,5% so với đầu kỳ. Tài sản ngắn hạn gần 700 tỷ đồng, trong đó tiền nhàn rỗi chiếm hơn 120 tỷ đồng, tăng gấp hai lần. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 203 tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi trên 6 tháng. Hàng tồn kho gần 242 tỷ đồng, chủ yếu là nguyên vật liệu sản xuất, chiếm 63%. Thời gian tồn kho bình quân là 95 ngày. Đáng chú ý là, Mekophar không trích lập dự phòng rủi ro cho phần tài sản nằm kho này. 

Năm 2003, công ty đã góp vốn thành lập Bệnh viện Đa khoa An Sinh với tỷ lệ góp vốn là 18,34%. Khoản góp vốn đầu tư này đã mang về cho Mekophar 5,2 tỷ đồng từ cổ tức được chia của bệnh viện, nhưng vẫn thấp hơn một nửa so với doanh thu của năm 2019.

Năm 2015, Mekophar đăng ký đầu tư 900 tỷ đồng vào công ty con là Công ty TNHH Mekophar, tưởng đương sở hữu 100% cổ phần công ty. Khoản đầu tư này đã được hạch toản trong bảng cân đối tài sản của công ty mẹ Mekophar. Tuy nhiên, cho đến thời điểm 31/12/2020, công ty con này vẫn chưa đi vào hoạt động. Con số 900 tỷ đồng vẫn nằm trên giấy. Thế nhưng, Mekophar vẫn trích 94 tỷ đồng để dự phòng rủi ro cho khoản đầu tư vào công ty con.

Theo KH&ĐS
back to top