Đừng sợ vốn Trung Quốc “trú ẩn” tại Việt Nam

(khoahocdoisong.vn) - Với tư cách nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, vốn từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam – cũng như các nước trên thế giới - là điều bình thường, và đáng mừng.

Tuyến đường sắt cao tốc Cát Linh - Hà Đông do Trung Quốc làm chủ đầu tư.

Vốn Trung Quốc thâu tóm các công ty thế giới đã diễn ra nhiều năm, gia tăng thêm về mức độ trong thời gian gần đây, làm mọi quốc gia phải chú ý, thậm chí là lo ngại. Nhưng ứng xử thế nào với dòng vốn ấy, mới là điều tạo nên khác biệt của mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế.

Mua đứt, góp vốn… đều được

Hiện tượng các nhà đầu tư Trung Quốc lùng mua doanh nghiệp Việt là có thật, và đã diễn ra từ lâu, gia tăng mạnh hơn trong thời gian gần đây, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2018, tổng vốn đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam là 2,46 tỷ USD, vốn tăng thêm là 1,6 tỷ USD, và hơn 800 triệu USD đầu tư gián tiếp thông qua mua bán cổ phần. Năm 2018 có 1.029 lượt dự án của Việt Nam được người Trung Quốc rót 3,4 tỷ USD mua lại cổ phần.

Vốn từ Trung Quốc đổ vào các doanh nghiệp tiềm năng, và cả các đơn vị thua lỗ hoặc thiếu vốn. Về cơ cấu, vốn Trung Quốc rải đều ở những nhóm ngành thế mạnh như: chế biến nông sản xuất khẩu, may mặc, bất động sản, điện tử, xây dựng... Năm 2018, Tiki.vn - top 5 sàn giao dịch thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam - xác nhận JD.com - tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc - đã trở thành cổ đông lớn trong công ty. JD.com đầu tư 44 triệu USD vào Tiki từ năm 2017. Tới tháng 9.2018, số vốn này đã tăng thêm 54,5 triệu USD. Còn Alibaba – nhà bán lẻ lớn nhất Trung Quốc - tung 1 tỷ USD để nắm 83% cổ phần tại Lazada – mạng bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Tencent - tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc - hiện đã là cổ đông lớn, với 39,7% cổ phần của SEA Ltd - chủ sở hữu sàn thương mại điện tử Shopee.

Trong lĩnh vực bất động sản, giới đầu tư vẫn nhắc tới thương vụ thâu tóm dự án Đại Phước Lotus của doanh nghiệp Trung Quốc. Đây là dự án khá “hot” tại TP.HCM do VinaCapital làm chủ đầu tư, nhưng bị trầm lắng do xu hướng thị trường nói chung. Sau đó, phần lớn cổ phần của dự án đã được bán cho China Fortune Land Development (CFLD) - Tập đoàn xây dựng và kinh doanh bất động sản của Trung Quốc. CFLD đã “lột xác” Đại Phước Lotus thành Swan Bay (Vịnh Thiên Nga) – một dự án khá sôi động tại TP.HCM hiện nay.

Cũng có thể nhắc tới thương vụ Tập đoàn China Investment mua 19% cổ phần (96,9 triệu USD) Liên doanh Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2 tại Quảng Ninh. Hay thương vụ Công ty TNHH Firstland (Trung Quốc) trở thành cổ đông lớn của Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (BMI) với tỷ lệ sở hữu 5,63%.

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, việc doanh nghiệp Trung Quốc tăng mạnh vốn đầu tư vào các công ty Việt Nam là không mới. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã đẩy nhanh xu thế ấy, các công ty sản xuất Trung Quốc chuyển hướng sang Việt Nam – như là lựa chọn sáng giá - do tương đồng về văn hóa và môi trường thể chế, giá nhân công rẻ, khéo tay, kinh tế - chính trị ổn định...

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc tăng góp vốn, mua cổ phần các doanh nghiệp Việt Nam còn cho thấy nhà đầu tư Trung Quốc đang tận dụng thời cơ tại Việt Nam, đặc biệt khi nhiều doanh nghiệp lớn  đang cổ phần hoá, bán vốn. Điều này thực sự là cơ hội. Vì với Việt Nam, dòng vốn từ Trung Quốc có chất lượng khá tốt, do kéo theo cả kinh nghiệm quản lý, công nghệ sản xuất ở trình độ hơn hẳn doanh nghiệp nội. Và đó là điều đại đa số doanh nghiệp nội hiện nay muốn có.

Điều cần tránh là sự can dự quá sâu của yếu tố nước ngoài – trong đó có Trung Quốc – vào những ngành Việt Nam không thể mở cửa. Đây cũng lại là yêu cầu không riêng với Việt Nam, mà là vấn đề cả thế giới đang tránh.

Từ tránh tới chống

Sáng kiến Vành đai và Con đường được Trung Quốc phát động tháng 3/2015. Đây là dự án nhằm tạo kết nối cao tốc và các hải cảng lớn toàn cầu, để tạo ra các khu vực tự do thương mại và tăng cường kết nối truyền thông. Tuy nhiên, khi triển khai sáng kiến này, một loạt quốc gia như Đức, Pháp, Anh, Liên minh châu Âu (EU), Australia, Nhật Bản và Canada… đã tham gia  làn sóng phản kháng chưa từng có tiền lệ nhằm vào các thương vụ thâu tóm của các công ty Trung Quốc. Lý do mà các nước này đưa ra, cũng tương tự lo ngại của Mỹ, đều liên quan tới an ninh quốc gia.

Có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp Trung Quốc thường vẽ “tương lai” phát triển to lớn, sẵn sàng “bơm” hơn 50% giá trị dự án mà đối tác cần. Khoản đầu tư "mồi" này sẽ khiến đối tác nhanh chóng “đầu hàng”, nhường doanh nghiệp Trung Quốc quyền trực tiếp điều hành. Đó là cách doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện để thâu tóm nhiều công ty lớn của các nước. Có ý kiến cáo buộc, vốn từ Trung Quốc không nhằm giúp đỡ, mà chỉ đầu tư để đẩy đối tác vào bẫy nợ, từ đó để nắm quyền kiểm soát, khai thác tài nguyên của các nước khác. 

Chính phủ Đức năm ngoái đã chặn vụ thâu tóm một công ty cơ khí Đức của một công ty Trung Quốc. Sau đó, phía Đức siết chặt các quy định về đầu tư nước ngoài vào nước này, cho phép Chính phủ có quyền lớn hơn trong ngăn chặn các vụ thâm tóm. Đây được xem như động thái ngăn các công ty Trung Quốc tiếp cận, “rút ruột” tài sản trí tuệ, công nghệ hiện đại của châu Âu thông qua các thương vụ đầu tư.

Mỹ cũng đẩy mạnh giám sát các kế hoạch hạn chế vốn đầu tư của Trung Quốc vào nước này. Lý do được nêu là để ngăn các công ty Trung Quốc – thường do Chính phủ hậu thuẫn - thâu tóm các công ty công nghệ cao của Mỹ vì mục đích quân sự. Nhiều chính phủ như Nepal, Sri Lanka và Thái Lan đã hủy bỏ hoặc thu hẹp các dự án do Trung Quốc đầu tư tại quốc gia mình.

Làn sóng ngăn thâu tóm này của thế giới càng khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc gia tăng đầu tư gián tiếp và trực tiếp vào các doanh nghiệp Việt. Lý do sự dịch chuyển đầu tư này còn nhằm hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, đồng thời dễ dàng tránh thuế khi xuất khẩu sang Mỹ. Do thế, vấn đề đặt ra là cần đánh giá tác động từ nguy cơ Việt Nam bị kéo vào “khu vực cảnh giác” của các thị trường xuất khẩu chủ chốt đối với hàng Trung Quốc.

Theo Đời sống
Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng đang được các nhà sản xuất trong nước điều chỉnh giảm thêm 100.000 đồng/tấn. Với việc giảm giá lần thứ ba của thép cuộn, tính từ đầu năm 2024 tới nay, tổng mức giảm lũy kế là 500.000 đồng/tấn.
back to top