Trung Quốc tiếp tục cấp phép nhập khẩu cây trồng biến đổi gen

(khoahocdoisong.vn) - Trung Quốc vừa phê duyệt nhập khẩu 5 loại giống chuyển gen (GMO) trong chuỗi đàm phán thương mại Mỹ - Trung diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc.  Đây là một bước tiến đáng chú ý sau 18 tháng Bắc Kinh trì hoãn việc phê duyệt.

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cũng đồng thời tuyên bố sẽ gia hạn nhập khẩu cho 25 giống chuyển gen khác trong vòng 3 năm nữa. Việc phê duyệt này được công bố trên website của Bộ nông nghiệp Trung Quốc trong khi phái đoàn thương mại Mỹ đang tham dự cuộc họp với các đồng nhiệm tại Bắc Kinh. Động thái này kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường mua bán hạt giống và giảm bớt áp lực mở rộng thị trường của Hoa Kỳ cho nhiều mặt hàng nông sản hơn.

Mỹ là một trong những nhà sản xuất giống chuyển gen lớn nhất trong khi đó Trung Quốc là nước nhập khẩu đậu nành và cải dầu chuyển gen hàng đầu trên thế giới. Các công ty sản xuất hạt giống toàn cầu và nông dân Mỹ từ lâu đã lên tiếng về tiến trình phê duyệt chậm và thiếu minh bạch đối với các  hồ sơ này, gây ra căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các sản phẩm được phê duyệt bao gồm giống ngô Qrome DP4114 và đậu nành DAS-44406-6 của công ty DowDupont, thường được gọi là Enlist E3 cùng giống đậu nành SYHT0H2 phát triển bởi công ty Bayer và Syngenta, hiện quản lý bởi BASF – công ty hoá chất Đức. Hai sản phẩm mới được phê duyệt khác bao gồm cải dầu RF3 của BASF và giống cải dầu MON 88302 chống chịu thuốc trừ cỏ bởi Bayer đã phải chờ đợi xem xét mất 6 năm.

Trước chiến tranh thương mại, Trung Quốc đã thu mua khoảng 60% lượng đậu nành của Mỹ và nông dân Mỹ sẽ không thể trồng ở diện rộng khi chưa có sự phê duyệt. Việc Trung Quốc chấp thuận cấp phép các sản phẩm chuyển gen mới sẽ mở đường cho quốc gia này nhập khẩu một lượng rất lớn nguồn đậu tương từ Mỹ trong tương lai.

Toà Án Tối cao Ấn Độ công nhận bằng sáng chế đối với bông biến đổi gen

Đầu tháng 1/2019, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã phán quyết Tập đoàn Bayer có quyền sở hữu hợp pháp về bằng sáng chế đối với hạt giống bông Bt – kết luận này đã đảo ngược phán quyết trước đó của Tòa án cấp bang Delhi cho rằng các mặt hàng như hạt giống, cây trồng và động vật không thể được cấp bằng sáng chế. Phán quyết này là một tin tốt với Bayer sau khi sát nhập với Monsanto, khi tập đoàn này có thể phải đối mặt với nguy cơ mất doanh thu do không được công nhận quyền sở hữu bằng sáng chế đối với các giống cây của họ tại Ấn Độ. Phán quyết cũng tạo thêm động lực cho các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng về tính hợp lệ của các bằng sáng chế được chuyển giao cho các công ty ở Ấn Độ.

Theo Đời sống
back to top