“Đi thanh tra, nghĩa là đi chống tham nhũng, mà lại nhận hối lộ thì không thể chấp nhận được. Đã đến lúc phải làm trong sạch đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra, không thể coi đây là mảnh đất màu mỡ để kiếm chác”, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chia sẻ.
Lĩnh vực nhiều cám dỗ
Vụ việc Đoàn Thanh tra của Bộ Xây dựng nhận hối lộ ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) khi làm nhiệm vụ kiểm tra các dự án xây dựng cơ bản khiến dư luận không khỏi bức xúc. Ông từng kinh qua vị trí va chạm nhiều với những vụ việc tương tự, ông nhìn nhận thế nào?
Trước tiên phải công nhận rằng thanh tra là lĩnh vực rất nhiều cám dỗ. Nếu cán bộ không tốt, không trong sạch, không liêm khiết và vững vàng thì rất dễ bị lợi ích che mờ mắt. Đây không phải là lần đầu tiên một vụ việc thanh tra nhận hối lộ bị phát hiện. Tuy nhiên đây là sự việc nghiêm trọng, không thể chấp nhận được. Người ta có quyền đặt ra những câu hỏi như mỗi năm có bao nhiêu đoàn thanh tra kiểm tra, bao nhiêu trong số đó “ăn tiền”? Bao nhiêu con số đã được làm đẹp lên, chỉnh sửa cho bớt sai phạm, trong những kết quả thanh tra ấy? Ngoài Vĩnh Tường thì còn có những nơi nào như thế?...
Thế nên mới có người nói đùa, có những cán bộ mắc bệnh “nghiện” kiểm tra, bởi đằng sau đó là rất nhiều dấu ba chấm, đúng không ạ?
Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp than phiền vì việc suốt ngày phải tiếp các đoàn kiểm tra, rằng họ cố gắng làm sao hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh, nhưng giá “bôi trơn” thì cứ ngày càng tăng. Ở góc khác, trong quản lý, việc có người thích đi kiểm tra vì cứ đi là có tiền. Mà đã đụng đâu là sai đó. Khi hai lực lượng này móc ngoặc với nhau thì nghiễm nhiên cái sai trở thành đúng, công trình kém chất lượng được công nhận là đảm bảo, dự án có sai sót thì được lấp liếm cho qua.
Việc thanh tra rõ ràng là rất cần thiết, chỉ có điều làm thế nào để thanh tra khách quan, đúng việc, đúng người, là điều khó?
Nhiệm vụ được giao là đúng, nhưng cách làm bị bóp méo đi. Kiểm tra không phải để cho minh bạch mà kiểm tra để có tiền bỏ túi. Không phải để làm rõ những sai phạm, mà coi đây là cơ hội để kiếm chác, để làm giàu.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. |
Cán bộ thanh tra nhận hối lộ, không hiếm
Theo ông, hiện tượng này có lâu chưa?
Từ lâu đó đã là một loại “bệnh” trong quản lý nhà nước rồi. Lợi dụng việc kiểm tra để trục lợi, để có thu nhập riêng của mình. Đã đến lúc phải siết lại hoạt động này, không để tạo ra những kẽ hở để cán bộ có thể gian dối, trục lợi, tham nhũng…
Tham ô, nhận hối lộ như trường hợp đoàn thanh tra Bộ Xây dựng làm việc ở Vĩnh Tường có phải là chiêu thức tinh vi?
Chúng ta cần nhìn nhận việc đảng viên có chức có quyền vi phạm, tham ô, tham nhũng không phải là mới. Nhưng với sự phát triển của nền kinh tế, quy mô vi phạm, sai phạm ngày nay nghiêm trọng, phức tạp và tinh vi hơn. Trước thực tế đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc và vạch ra những vi phạm, sai phạm của nhiều tổ chức và cá nhân. Đây là vụ việc điển hình, nhận hối lộ, gợi ý đưa tiền một cách khá trắng trợn chứ không phải là vụ việc tinh vi.
Để phát hiện ra những vụ tương tự chắc không dễ. Bởi như ông từng chia sẻ, chống tham nhũng là nói cái sai của chính đồng chí của mình, nên nó khó?
Kiểm tra đảng là kiểm tra nội bộ, kiểm tra đồng chí của mình, kiểm tra tổ chức, thậm chí là cả cấp trên của mình. Chống tham nhũng - chống giặc nội xâm và chống những tiêu cực trong đồng chí mình là cuộc chiến không có ranh giới. Người làm công tác kiểm tra cũng có những tình cảm, tâm tư khi phải kiểm tra, xử lý đồng chí mình. Họ phải đặt lợi ích chung, nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng lên trên, về mặt Nhà nước là đặt pháp luật lên trên. Người cầm thanh bảo kiếm nếu bị mua chuộc thì không thể công tâm làm việc.
Người chống tham nhũng lại đi tham nhũng, cán bộ thanh tra nhận hối lộ, công an bảo kê cho tội phạm…?
Đúng là có thực trạng một số cá nhân, doanh nghiệp đã móc ngoặc với cán bộ có chức vụ, quyền hạn tại một số địa phương để tạo các “nhóm lợi ích” hoặc lợi dụng công tác nghiệp vụ, các “tổ chức bình phong” nhằm dùng ảnh hưởng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước. Không chỉ thất thoát tài sản, nó làm suy giảm lòng tin của người dân vào đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật. Người ta tặc lưỡi: “đến cán bộ còn thế thì nói gì đến người thường”. Cái nghiêm trọng chính là ở đó.
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm
Theo ông sẽ phải quản lý thế nào để giải quyết được vấn đề này?
Phải tăng cường kiểm tra, giám sát công việc của từng cán bộ. Kiểm tra, giám sát không phải là lên kế hoạch, chuẩn bị nội dung rồi nghe báo cáo. Mà việc kiểm tra, giám sát phải được thực hiện đúng tính chất của nó, kiểm tra một cách độc lập, giám sát thường xuyên, không để xảy ra tình trạng một cá nhân có thể o bế cả tập thể, vô hiệu hóa cả một bộ máy để lộng quyền.
Trách nhiệm để xảy ra vụ việc cán bộ nhận hối lộ sẽ thuộc về ai thưa ông?
Để xảy ra tham nhũng, tiêu cực thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Trước hết là trách nhiệm của Chánh thanh tra Bộ Xây dựng, cấp trên quản lý trực tiếp của cán bộ thanh tra vi phạm, rồi đến lãnh đạo Bộ phụ trách lĩnh vực thanh tra.Thanh tra của Bộ phải biết rõ cán bộ của mình chứ. Thực hiện nhiệm vụ công mà dám to gan mặc cả thì quá liều lĩnh, rất khó chấp nhận. Trách nhiệm của bộ chủ quản là khi thành lập đoàn kiểm tra thì phải lựa chọn đúng người và thực hiện tốt việc giám sát hoạt động thanh tra.
Tức là giám sát thanh tra sẽ là lãnh đạo?
Đúng vậy. Thanh tra của tỉnh sai, có tiêu cực thì chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm, thanh tra bộ ngành sai thì bộ trưởng, trưởng ngành phải chịu trách nhiệm.
Vậy còn trách nhiệm của người bị thanh tra?
Ngoài xử lý các cá nhân liên quan, đề nghị làm rõ cả sai phạm của đơn vị bị thanh tra, xem sai phạm đến mức độ nào mà họ lại chấp nhận bỏ tiền chung chi. Sau sự việc này, nên siết chặt hoạt động thanh tra, giám sát. Và cơ chế giám sát tốt nhất chính là tự kiểm tra, quản lý. Sâu xa hơn, phải lựa chọn cho người có phẩm chất, năng lực để bổ nhiệm vào vị trí thanh tra.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!
Ngày 12/6, tại Ban Quản lý dự án huyện Vĩnh Tường, tổ công tác của Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang cán bộ thanh tra Đặng Hải Anh nhận 90 triệu đồng của anh Đỗ Ngọc Yên (Phó Giám đốc Công ty Đức Trung). Đặng Hải Anh thừa nhận đã nhận tiền của anh Yên để không giảm trừ khối lượng giá trị của một số hạng mục công trình mà Công ty Đức Trung thi công trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đã được nghiệm thu, thanh toán.
Cùng ngày, tại UBND huyện Vĩnh Tường, cảnh sát bắt quả tang Nguyễn Thị Kim Anh nhận 68 triệu đồng của ông Trần Hanh (kế toán của UBND xã Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường) để không giảm trừ khối lượng giá trị của một số hạng mục công trình mà UBND xã Tân Tiến là chủ đầu tư và nhận 91,5 triệu đồng của ông Đỗ Mạnh Cường (công chức tài chính kế toán của UBND thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường).
Khám xét khẩn cấp nơi làm việc của đoàn thanh tra tại UBND huyện Vĩnh Tường, Công an tỉnh Vĩnh Phúc thu giữ nhiều hồ sơ của các đơn vị thi công công trình trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, 335 triệu đồng trong tủ do Nguyễn Thị Kim Anh quản lý.