Đừng bình bầu nữa

ng Hoàng Thọ Kiểm, nguyên cán bộ Vụ Cán bộ Giáo dục, Bộ Nội thương (Bộ Công thương) chia sẻ, cuối năm, các cơ quan, công sở lại tất bật với các hoạt động bình bầu thi đua. Đây là một thứ “đặc sản” của nền hành chính bao cấp, đã tồn tại từ nhiều năm. Kết luận của bình bầu luôn là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ai cũng làm tốt cả, nhưng hiệu quả công việc thì…

Ông Hoàng Thọ Kiểm.

Bình bầu là “đòn bẩy” để lên cao

Cuối năm, một hoạt động phổ biến trong các cơ quan hành chính sự nghiệp là bình bầu thi đua. Một cán bộ hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt hay mới chỉ ở mức hoàn thành nhiệm vụ được quyết định qua các cuộc họp ấy. Ông đánh giá thế nào về tính thực chất của phong trào thi đua qua các cuộc họp hành bình bầu này?

Việc bình xét thi đua cuối năm thường được bắt đầu từ khoảng tháng 11 với rất nhiều việc khác nhau chứ không đơn giản đâu. Mỗi cá nhân phải làm bản tự kiểm điểm cuối năm, với hàng loạt các cuộc họp lớn nhỏ, họp tổ, họp phòng, họp ban, họp khối… rồi mới cho ra được kết quả.

Mất rất nhiều thời gian và công sức cho việc này, trong khi đó, kết quả thường là rất mỹ mãn. Họp xong, ai cũng vui vẻ cả, bản báo cáo thành tích luôn rất đẹp. Trong khi thực tế thì không được như thế thế.

Hẳn là ông cũng đã từng tham gia nhiều cuộc bình xét thi đua như thế?

Bản thân tôi cũng trải qua thực tế nhiều về vấn đề này. Nhiều khi đầu năm không ai nói gì, nhưng đến cuối năm thì lại lôi nhau ra để bình bầu xem ai hoàn thành xuất sắc, ai hoàn thành tốt. Bình xét thi đua ở ta có đặc điểm là dựa trên chức danh. Mấy người đứng đầu, có chức có quyền thì luôn luôn được đề xuất đạt loại tốt nhất.

Chẳng ai dám đứng lên phản đối, rằng người đứng đầu làm chưa tốt, cần phải xem xét lại cái này cái kia. Bình xét thi đua là để xem ai làm tốt nhất, nhưng thực tế thì những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, những ý tưởng đóng góp đem lại lợi ích thiết thực cho cơ quan thì gần như không có.

Ý ông muốn nói là việc bình xét thi đua ấy chưa đi vào thực chất là cuộc đua tạo ra năng suất, chất lượng cao hơn trong công việc?

Nhiều khi công việc bình xét thi đua chỉ là cắm một bình hoa đẹp, để vào cái phòng họp thật rộng, thế là xong. Vì có họp hay không thì cũng thế, không mang lại nhiều ý nghĩa. Không vì có cuộc họp bình xét ấy mà người ta phải nỗ lực cố gắng phấn đấu nhiều hơn để đạt được danh hiệu này nọ.

Trong khi việc họp ấy lại mất rất nhiều thời gian, nhiều công đoạn. Thực tế, đứng trên lễ đài nhận tuyên dương, nhận danh hiệu thi đua, bên dưới là những tiếng xì xào: “ôi giời có gì đâu mà, chẳng qua có vai có vế thì được danh hiệu thi đua”.

Kết quả thi đua ấy hẳn cũng có tác dụng nào đó chứ ạ?

À, thì nó giúp người ta được thăng chức, làm đòn bẩy để lên cao hơn. Trong khi thực tế, nếu không phải là lãnh đạo mà chỉ là nhân viên, cứ ngày đêm âm thầm cần mẫn làm việc, cuối năm bình bầu thi đua lại chẳng đạt danh hiệu gì. Thế nên việc bình bầu thi đua cuối năm, theo tôi là rất hình thức.

Bởi đầu năm không đặt ra mục tiêu, cuối năm mới vội vàng lục tìm xem mình đã làm được gì, rồi một số người cơ hội lại coi việc bình bầu ấy là đòn bẩy để có thể lên cao hơn nữa. Tính thiết thực của nó còn rất hạn chế.

“Di sản” của thời phong kiến

Nếu việc bình bầu thi đua ấy nó hình thức như thế, vì sao chúng ta lại vẫn duy trì cho đến tận hôm nay?

Ở các nước phát triển không có chuyện này đâu. Họ làm mọi thứ dựa trên hiệu quả thực tế mà người đó mang lại, chứ không dựa trên nhận định đánh giá một cách cảm tính của bất kỳ người nào. Làm tốt thì được thưởng xứng đáng, làm không tốt thì phải chịu trách nhiệm.

Còn ở ta, trước đây trải qua chiến tranh, tinh thần “thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua” rất sôi sục và đã có những hiệu quả to lớn, thúc đẩy toàn dân hăng hái lao động sản xuất để xây dựng Đất nước. Nhưng nhiều thứ dần thay đổi theo thời gian.

Tinh thần thi đua xây dựng đất nước mỗi thời mỗi khác. Thời nay khác thời bao cấp. Đã đến lúc phải dựa trên hiệu quả thực sự của từng vị trí công vụ, chứ không phải dựa trên nhận xét, bình luận của người khác để đánh giá, bình xét một người.

Nhưng người Việt Nam với tinh thần và văn hóa Á Đông, đi làm, ngoài lương, thu nhập, còn là cái “tiếng”, việc bình xét thi đua này cũng có ý nghĩa?

Không biết thế nào chứ tôi thích kiểu tư duy rõ ràng ở các nước phát triển. Ai làm việc có hiệu quả thì lương cao, thưởng nhiều, ai làm việc kém hiệu quả thì phải chịu mức lương thấp hơn. Ai có sáng kiến đặc biệt thì được tuyên dương, khen thưởng.

Còn chúng ta, vì truyền thống ấy, văn hóa ấy, cứ lấy cái hình thức, cái vẻ bên ngoài để tôn vinh nhau. Còn thẳng thắn đi vào thực chất bên trong thì lại hạn chế. Họp bình xét, lãnh đạo có khuyết điểm cũng chẳng ai dám phê bình. Vẫn bỏ phiếu, giơ tay ông/bà ấy hoàn thành tốt, xứng đáng chiến sỹ thi đua…

Đó có phải là tâm lý duy tình của người Việt?

Tôi cho rằng tư tưởng ấy là tồn tại từ thời phong kiến, nặng về hình thức mà không xem trọng sự thiết thực, nội dung bên trong. Coi trọng lời nói hơn việc làm, tôn vinh nhau dựa vào chức sắc chứ không dựa vào năng lực.

Người ta vẫn cứ duy trình việc bình bầu thi đua ấy đến giờ là bởi chẳng có ai dám đứng lên bảo việc bình xét ấy là lợi hay hại. Thế là người tham gia bình chọn cứ âm thầm mà làm thôi.

Chiến sỹ thi đua có khi cũng đi tù

Những việc mang tính hình thức, giống như việc bình xét thi đua này có nhiều không thưa ông?

Nhiều chứ, nhưng nói ra thì cũng sợ là nhạy cảm. Ví dụ như công tác cán bộ, nhiều khi là công khai, dân chủ đấy, nhưng thực ra thì đã “quy hoạch” định sẵn hết rồi, khi đưa ra chỉ việc phê duyệt thôi.

Việc bình xét thi đua này cũng thế. Nếu bình xét mà bỏ phiếu kín, tôi chắc là kết quả sẽ khác nhiều đấy. Nhưng bình xét kiểu giơ tay, ai đồng ý thì giơ tay, ai không đồng ý thì phát biểu, thì ai mà chẳng giơ tay.

Khi còn làm, ông có bao giờ gặp tình huống bình xét thi đua mà người được chọn lại không xứng đáng?

Tôi nói thẳng là có những người lợi dụng phong trào bình bầu thi đua để thăng quan tiến chức đấy. Trước đây có một ông giám đốc công ty ở Bộ Nội thương (Bộ Công thương) được bình bầu rồi được phong là anh hùng thời kỳ đổi mới, thế mà sau đó người ta phát hiện ra tham ô trục lợi, rồi bị đi tù đấy.

Nên mới nói có những người lợi dụng cái bình bầu thi đua này để trục lợi cá nhân, lấy thành tích để thăng tiến đấy. Anh hùng là danh hiệu cao nhất của thi đua mà phải đi tù vì tham ô, thế thì còn nói làm gì nữa.

Nếu mất công họp hành bình bầu mà để cho ra kết quả ai cũng hoàn thành tốt, thì liệu có nên duy trì?

Người Việt vốn hay nể nang, không muốn làm mất lòng nhau. Ai cũng có tâm lý “dễ người thì dễ ta”. Vì thế mà ai cũng mong muốn bình xét người kia tốt để khi đến lượt mình thì cũng được nhận lại như thế.

Thành ra “hòa cả làng”, cùng nhau ta cùng thi đua, nhưng chẳng ai dám thẳng thắn góp ý với nhau. Bởi thế mà tác dụng thật thì ít, tốn thì giờ, tốn kém thì nhiều.

Trong khi đáng lẽ giao việc đó cho người đứng đầu. Dựa trên công việc được giao mà đánh giá mức độ hoàn thành của mỗi người, để từ đó xếp loại thi đua. Có như thế thì việc thi đua cùng nhau làm tốt, tạo ra hiệu quả cao mới thực sự đi vào thực chất.

Trân trọng cảm ơn ông!

“Những cuộc thi phát huy sáng kiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẫn có ý nghĩa trong việc thúc đẩy sự sáng tạo, hiệu quả. Tuy nhiên, việc bình xét thi đua mang tính hình thức, nể nang nhau chúng ta đã duy trì nhiều năm thì nên xem xét lại. Làm thế nào để phong trào thi đua thực sự là phong trào tạo nên chất lượng thực sự”.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

"Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ lại ý kiến ông đã phát biểu tại hội nghị các thị trưởng ASEAN tại Lào.
Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Từ 20/10/2024, tàu tham quan ban ngày, vào mùa hè (tính từ 1/4 - 31/10) được xuất bến từ 5h và về bến chậm nhất là 20h, trong khi hiện nay là 6h mới được xuất bến và phải trở về bến trước 19h.
back to top