Du lịch Việt: Vừa gượng dậy, lại “ốm nặng" vì dịch

(khoahocdoisong.vn) - Nỗ lực kích cầu vực dậy ngành du lịch đã bị đe dọa lớn khi dịch Covid-19 tái xuất hiện trong cộng đồng.
Đà Nẵng tái thiết giãn cách xã hội sau khi dịch Covid-19 xuất hiện trở lại.

Đà Nẵng tái thiết giãn cách xã hội sau khi dịch Covid-19 xuất hiện trở lại.

“Sốc” hủy tour, du lịch thiệt hại “kép”

Đang trong giai đoạn khôi phục hoạt động, các công ty lữ hành, khách sạn nỗ lực kích cầu nhằm tháo gỡ phần nào khó khăn kiệt quệ sau gần nửa năm “chết lâm sàng” vì hạn chế đi lại. Tuy nhiên, ca nhiễm bệnh trong cộng đồng đã khiến du khách trong cả nước hoãn, hủy, rời tour hàng loạt. Thông tin từ nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành lớn cho biết, các doanh nghiệp này đã và đang tiến hành các giải pháp hỗ trợ hàng nghìn khách hàng hủy tour, dời hoặc thay đổi lịch trình du lịch đến Đà Nẵng, Quảng Bình và nhiều điểm đến trong cả nước vì e ngại dịch lan trở lại.     

Ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc công ty lữ hành Hạ Long Tour cho biết, việc dời tour ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Tùy theo nhà cung cấp dịch vụ, công ty sẽ phải bù các khoản thay đổi khi khách thay đổi. Chưa kể, nếu hủy tour doanh nghiệp buộc phải chịu mất chi phí theo quy định của các đơn vị cung ứng dịch vụ.

Số liệu thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng, trong quý 1/2020, tổng thiệt hại của ngành Du lịch Đà Nẵng khoảng hơn 1.859 tỷ đồng. Lũy kế quý 2/2020, ước tổng thiệt hại là 5.672 tỷ đồng (trong đó ước tính thiệt hại tại doanh nghiệp lữ hành khoảng 550 tỷ đồng; tại các đơn vị vận chuyển là 432 tỷ đồng; tại các đơn vị kinh doanh đường thủy nội địa là 11 tỷ đồng, tại các cơ sở lưu trú du lịch khoảng 4.000 tỷ đồng và tại các khu, điểm du lịch khoảng 685-690 tỷ đồng). Ước tính, cả năm 2020, tổng thiệt hại trực tiếp của ngành Du lịch Đà Nẵng ước khoảng 6.806 tỷ đồng. Tuy nhiên, với sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 tại địa phương này, con số thiệt hại chắc chắn còn lớn hơn nữa.

Theo Sở KHĐT Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm, GDP của thành phố ước tăng trưởng âm 3,61% so với cùng kỳ 2019. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố bị ảnh hưởng nặng nề. Lũy kế du lịch 5 tháng đạt 1,3 triệu lượt khách, giảm 53,6% so với cùng kỳ năm 2019, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 4.621 tỷ đồng, giảm 42,1%.

Du lịch Đà Nẵng là một mắt xích trong chuỗi liên kết kinh tế của du lịch cả nước. Vì vậy, thiệt hại nghiêm trọng mà ngành du lịch thành phố gặp phải không chỉ là cú sốc của các công ty du lịch, mà là của toàn ngành du lịch Việt Nam nói chung.

Hiện, hạ tầng du lịch trong nước đủ phục vụ 80 triệu lượt khách Việt và khách quốc tế mỗi năm, tuy nhiên công suất khai thác của ngành giờ giảm xuống còn dưới 30% năng lực. Trong khi đó xu hướng tự thiết kế tour, tự đặt vé máy bay và khách sạn của người Việt ngày càng tăng. Sự lấn sân của các trang mạng du lịch nước ngoài khiến cạnh tranh ngày càng gay gắt. Cái bắt tay hiệu quả giữa hàng không - cơ sở lưu trú - dịch vụ giải trí bằng những combo kích cầu hấp dẫn khiến các đơn vị lữ hành nội địa rất khó bán tour.

Khi được hoạt động trở lại, dù được kích cầu, tiếp thị, quảng bá rất lớn, nhưng do thiếu nguồn khách nước ngoài, các doanh nghiệp du lịch đều gặp khó bởi lượng khách chốt tour vẫn rất thấp.

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết, có tới 70% trong số hơn 2.000 doanh nghiệp lữ hành quốc tế kinh doanh mảng đưa khách Việt ra nước ngoài, giờ phải chuyển sang làm du lịch nội địa. Dự báo, ngành du lịch có thể sẽ phải chứng kiến một làn sóng phá sản tới 50% các doanh nghiệp outbound. Chỉ trong quý 2/2020, Viettravel, Saigon Tourist đã báo lỗ từ 1.700 - 2.200 tỷ đồng, TNT dự báo lỗ 1.200 tỷ đồng…

Du lịch suy giảm tăng trưởng âm do dịch Covid-19.

Du lịch suy giảm tăng trưởng âm do dịch Covid-19.

Chưa thể hồi phục

Theo số liệu do Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) cung cấp, ngành du lịch đóng góp tới 8,8% GDP. 25% số việc làm mới tạo ra cho xã hội thuộc lĩnh vực du lịch và lữ hành. Tuy nhiên, cũng theo một khảo sát của TAB vào cuối tháng 4/2020, có tới 65,7% số doanh nghiệp du lịch tham gia khảo sát phải cắt bớt một nửa số nhân viên; gần 20% cho nghỉ toàn bộ; 78% số doanh nghiệp chọn cắt giảm lương hoặc nhân viên tạm thời trong nỗ lực giảm chi phí để sống sót; 9% cực đoan hơn - đóng cửa kinh doanh.

Theo kết quả khảo sát của TAB về xu hướng du lịch của người Việt Nam hậu Covid-19 vào tháng 5/2020, vẫn có tới 37% số người được hỏi nói "không" với khách sạn và 40% vẫn tránh xa máy bay. Gần 20% số du khách chọn phương tiện xe riêng, 69% lựa chọn điểm đến an toàn (về cả dịch bệnh lẫn an ninh), 67% chọn biển là điểm đến yêu thích. Dịch bệnh, kinh tế khó khăn khiến người dân thắt chặt chi tiêu, gần 50% du khách chỉ chọn tour ngắn ngày. Giãn cách xã hội trở thành thói quen khiến gần 90% lựa chọn đi cùng gia đình và nhóm nhỏ bè bạn, thay vì xu hướng theo đoàn lớn như trước.

Theo Tổng cục Du lịch, nếu dịch bệnh kéo dài đến hết tháng 9, lượng khách quốc tế sẽ giảm 75% với 4,6 triệu lượt. Xấu nữa, dịch hoành hành hết tháng 12 thì lượng khách quốc tế sẽ giảm 80%, dừng lại ở con số 3,7 triệu lượt đã đón trong ba tháng đầu năm.

Hàng loạt kịch bản kích cầu du lịch theo chiến lược quảng bá “Du lịch Việt Nam - Ðiểm đến an toàn, hấp dẫn” đã được triển khai. Tuy nhiên, mọi nỗ lực chưa thể phát huy hiệu quả khi dịch Covi-19 chưa có dấu hiệu được ngăn chặn.

Để tồn tại, nhiều doanh nghiệp du lịch đã phải chuyển hướng kinh doanh, áp dụng công cụ số để giảm thiểu chi phí dịch vụ, thay đổi cơ cấu sản phẩm để giảm giá thành, kích cầu với giá “hòa vốn”. Theo các chuyên gia, ngành du lịch cần nhanh chóng chuyển đổi số, quản trị thông minh để chủ động vượt qua thử thách và tồn tại trong tâm bão mới có thể tính đến phát triển sau đại dịch. Ứng dụng công nghệ để tái cấu trúc ngành là một giải pháp được đánh giá cao. Ngành du lịch phải chủ động đổi mới mô hình quản lý và phục vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách đưa ra kế hoạch chiến lược và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thiết lập "hệ sinh thái du lịch thông minh".

Công nghệ số cũng giúp doanh nghiệp tính toán được xu hướng nhu cầu của khách. Thành công bước đầu của những sàn giao dịch du lịch trực tuyến "made in Vietnam" như yeudulich.com, tripi.com, welcome.vn, ivivu.com… là một bằng chứng hiệu quả trong tiếp cận và thích ứng với xu hướng du lịch thông minh hiện nay trên toàn cầu.

Theo Đời sống
Yến mạch thật giả lẫn lộn

Yến mạch thật giả lẫn lộn

Ngũ cốc yến mạch từ lâu đã được biết đến với nhiều công dụng bổ trợ sức khỏe như giảm cholesterol, kiểm soát đường huyết,... Sản phẩm được nhiều người tin dùng dẫn tới việc yến mạch bị làm giả, chất lượng kém tràn lan trên thị trường.
back to top