Tính kế "sống chung" với dịch
Sau đợt dịch Covid-19 lần thứ hai kết thúc, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Nhiều địa phương và đơn vị trên cả nước đã nỗ lực tung ra nhiều hoạt động ấn tượng, sản phẩm kích cầu du lịch mới hấp dẫn để thu hút du khách và từng bước “hồi sinh” ngành du lịch.
Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Giang cho biết, tỉnh này đang xây dựng kịch bản kích cầu, tích cực chuẩn bị cho mùa du lịch đẹp nhất trong năm. Hà Giang cam kết với Tổng cục Du lịch, các tỉnh thành trong cả nước cùng kích cầu, xây dựng "Hà Giang - địa điểm du lịch bản sắc, an toàn". Tháng 11, Hà Giang sẽ tổ chức nhiều lễ hội: chèo thuyền kayak trên sông Nho Quế; hoa tam giác mạch; liên hoan ẩm thực 8 tỉnh Tây Bắc - TPHCM; ruộng bậc thang... kỳ vọng thu hút đông đảo du khách đến cao nguyên đá Đồng Văn.
Để thu hút khách, Tập đoàn Vingroup cũng đưa ra hàng loạt chương trình khuyến mại, gói dịch vụ… với chi phí hợp lý, chất lượng 5 sao và đa dạng lựa chọn, phù hợp với rất nhiều phong cách du lịch, nghỉ dưỡng của người Việt. Các kỳ nghỉ trọn gói đã bao gồm vé máy bay - nghỉ dưỡng, voucher đồng giá… của Vinpearl đều có mức ưu đãi lên đến 50% giá phòng. Hệ thống công viên chủ đề VinWonders ưu đãi 50 - 70% giá vé, tặng voucher ẩm thực và dành nhiều khuyến mại hấp dẫn cho người địa phương ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ và miền Trung - Tây Nguyên.
Đặc biệt, ngành du lịch đề xuất ngân sách nhà nước chi gói kích thích tiêu dùng trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng với 10 triệu voucher giảm giá cho khách du lịch. Bộ VH-TT&DL đề xuất mỗi khách du lịch được hỗ trợ bằng 10% giá tour du lịch trọn gói, chỉ áp dụng cho chương trình du lịch trọn gói có giá bán từ 2 triệu đồng trở lên, có ngày khởi hành trước 31/12.
Đối tượng của gói kích thích tiêu dùng là công dân Việt Nam mua chương trình du lịch nội địa trọn gói của các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam. Việc hỗ trợ được thực hiện qua hình thức ban hành voucher điện tử. Các doanh nghiệp lữ hành áp dụng voucher khi khách du lịch mua chương trình du lịch. Ngân sách trung ương hoàn tiền cho doanh nghiệp lữ hành khi quyết toán thuế theo tháng.
Việc thực hiện kích cầu du lịch sau giai đoạn thứ hai của dịch bệnh cũng đã được tiến hành theo quan điểm "thích ứng để sống còn" như trên. Sự cạnh tranh về giá đã trở thành nội dung thứ yếu, vấn đề an toàn được đặt ra hàng đầu và là điểm quan trọng nhất, sau đó là sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, kịch bản du lịch lần 2 đang được cơ quan này gấp rút hoàn thiện, lấy ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp. Theo đó, kịch bản kích cầu lần 2 sẽ không chỉ gói gọn trong quy mô "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" nữa mà mở rộng đối tượng hơn, đó là người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam và cả cơ hội từ hơn 5.000 khách quốc tế mỗi tuần đến Việt Nam khi các đường bay quốc tế đang được nối lại.
Chuyển đổi số: Ai đi trước sẽ thành công
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết: Trước tác hại do dịch Covid-19, du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Việc thúc đẩy du lịch phát triển trong bối cảnh này là bài toán khá khó khăn. Quan điểm Nhà nước là tăng cường chuyển đổi kinh tế số, thiết kế các khung chính sách, tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo để phát triển ngành kinh tế tổng hợp, mang nội hàm văn hóa sâu sắc này. Nhà nước đã định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển nhanh và bền vững; Chuyển đổi phát triển kinh tế số gắn liền với phát triển kinh tế du lịch.
Tuy nhiên, đông đảo các ý kiến cho rằng, hiện nay doanh nghiệp du lịch đã kiệt sức, gần như chỉ còn lại bộ khung, nguồn nhân lực giảm, dòng tiền cạn kiệt. Vì thế, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc chuyển đổi số; Xây dựng big data (dữ liệu lớn); Tăng cường quỹ đào tạo…
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Covid-19 cho thấy ngành Du lịch phải thay đổi ngay để theo kịp với những xu hướng mới. Chuyển đổi số sẽ góp phần cơ cấu lại doanh nghiệp theo hướng tinh, gọn, vận hành tối ưu cơ sở dữ liệu, xây dựng mô hình quản lý hiện đại, từng bước tự động hóa ở một số khâu. Đồng thời, chuyển đổi số giúp đổi mới nhân sự, tăng cường liên kết giữa các bộ phận, đơn vị trong doanh nghiệp, xây dựng được cơ sở dữ liệu để tăng khả năng phân tích, bảo mật (dữ liệu về khách hàng, về đối tác, về sản phẩm...). Ngoài ra, giúp mở rộng thị trường, nâng cao khả năng trải nghiệm cho khách hàng, năng suất lao động các bộ phận, tăng doanh thu và lợi nhuận.
Trên thế giới, du lịch nhiều quốc gia đã và đang tiến hành chuyển đổi số, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế số. Kết hợp với thương mại điện tử, với kinh tế chia sẻ, du lịch đã dần thay đổi, hướng tới một ngành kinh tế thông minh. Các công nghệ được sử dụng trong chuyển đổi số của ngành Du lịch phổ biến là: Công nghệ di động, Điện toán đám mây và internet vạn vật (IoT), Thực tế tăng cường, thực tế ảo (AR/VR), Trí tuệ nhân tạo (AI), Block chain (chuỗi khối) và Thương mại điện tử.
Nội dung cơ bản của chương trình chuyển đổi số mà ngành Du lịch Việt Nam hướng đến là xây dựng nền tảng dữ liệu du lịch và hệ thống công nghệ số để tự động hóa các quy trình cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách du lịch, quản lý, giám sát, đảm bảo an ninh an toàn trong quá trình phục vụ khách du lịch, nâng cao chất lượng hiệu quả dịch vụ, tăng năng suất lao động, mang lại giá trị cao cho doanh nghiệp. Để có nền móng vững chắc cho sự phát triển kinh tế số, chuyển đổi số trong phát triển du lịch ở Việt Nam, cần có hành lang pháp lý, dịch chuyển nhận thức và thay đổi mô hình kinh doanh, thay đổi thói quen của khách du lịch.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch G20, báo cáo chung được xây dựng sau khi tìm hiểu về các đề xuất, thực tiễn tốt nhất của các nước G20 trong việc ứng dụng giải pháp kỹ thuật số để tạo điều kiện thuận lợi về đi lại cho du khách. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã đề xuất và được các nước thành viên nhất trí sẽ trình “Tuyên bố chung về Du lịch số ASEAN” lên Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 11/2020. Đây là cơ sở để các nước khuyến khích áp dụng công nghệ số, đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp và cộng đồng du lịch.