Dự kiến trong năm 2021, sẽ có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia

(khoahocdoisong.vn) - Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Theo đó, các bộ ban ngành xây dựng quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và các địa phương xây dựng quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Từ đó đến nay, theo dự kiến của Bộ KH&ĐT, trong năm 2021, sẽ có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia; 1/6 quy hoạch vùng; 26/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành công tác lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện và trình thẩm định trong năm 2022. Bộ cũng dự kiến trình Hội đồng Quy hoạch Quốc gia khung định hướng quy hoạch quốc gia vào tháng 10/2021.

Hiện tại đã có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch. Duy chỉ có 2 địa phương chưa trình nhiệm vụ lập quy hoạch để thẩm định, đó là TP Hà Nội và TPHCM.

Sau khi được phê duyệt, 19.285 quy hoạch lập cho thời kỳ trước Luật Quy hoạch được ban hành sẽ được thay thế bằng các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thời kỳ 2021 - 2030.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, việc triển khai Luật Quy hoạch phải có hiệu quả vì đây nhiệm vụ quan trọng, có nhiều thách thức, đồng thời tác động lâu dài đến mục tiêu phát triển của đất nước và địa phương.

Điều này được Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích rõ hơn như sau: Hiện nay, làm gì cũng phải có quy hoạch, quy hoạch phải tổng thể, toàn diện, bao quát, có tính định hướng và phải đi trước một bước. Đồng thời, phải bám sát tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của bộ, ngành, địa phương và các cơ hội nổi trội.

Thủ tướng còn nhấn mạnh, nếu không bám sát tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của bộ, địa phương thì rất khó phát triển bền vững, theo chiều rộng sang theo chiều sâu. Có quy hoạch tốt thì mới có đề án, dự án tốt; có đề án, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt và sử dụng hiệu quả đầu tư công, phát triển  kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình lập quy hoạch, nhiều đơn vị đã đưa ra ý kiến băn khoăn về vấn đề kết nối các quy hoạch, cái gì có trước, cái gì có sau. Và Thủ tướng đã đưa ra nhận định đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Song song với đó, các bộ, địa phương phải làm tốt nhất quy hoạch ngành mình, địa phương mình, đồng thời tăng cường trao đổi giữa địa phương và Trung ương, giữa các địa phương trên tinh thần tạo ra hiệu quả tốt nhất.

Theo Đời sống
back to top